Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

NSƯT Lê Thiện: 2 lần chết hụt, 4 lần mổ và 12 lần tiểu phẫu

Bà nội của Đông Dương trong "Vừa đi vừa khóc" từng trải qua hai lần thập tử nhất sinh nhưng ngay cả lúc khó khăn nhất, bà vẫn mạnh mẽ vượt qua.

Gặp NSƯT Lê Thiện khi bà vừa trở về từ phòng lồng tiếng phim. Bước vào tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng bà nội của phim Dù gió có thổi vẫn là cái tên được nhiều đạo diễn tin tưởng, yêu quý. Mỗi vai diễn dù nhỏ hay lớn đều được bà thổi hồn bằng chính sức sống và nhiệt huyết của mình. Bà cười khi nhắc đến quá khứ, công việc nhưng giọng trầm hẳn xuống khi nhắc đến chuyện gia đình. Bà bảo: “Đỉnh cao của hài là tận cùng của nỗi đau”. 

"Tôi đang sống cùng chồng và gia đình con trai. Tôi tự tin nhận mình là bà mẹ vĩ đại vì mọi việc trong nhà đều làm rất tốt. Đến giờ tôi vẫn nặng gánh gia đình", bà tiết lộ và từ chối chia sẻ thêm về cuộc sống với ông xã trên mặt báo.

NSUT Lê Thiện vẫn làm việc sung sức dù ở tuổi thất thập.

Tuổi thơ không biết đến chiếc giường

Nhìn lại hơn 60 năm làm nghề, tôi tin rằng cuộc sống luôn có những cơ duyên, điều bất ngờ. Một con bé nhà nghèo ở vùng đất khô cằn thuộc huyện Hoài Nhơn, Bình Định như tôi chỉ cầu mong có cơm 3 bữa chứ nào dám mơ những điều cao sang hơn. 

Nhà tôi làm nghề đậu phụ, đông anh em, ngày nào tôi cũng quanh quẩn ở khu vực làm đậu, giúp mẹ và các anh. Tuổi thơ tôi không biết đến cái giường, cái chăn. Trưa ngủ tôi nằm trên chiếc nong, buổi tối trải chiếc chiếu và lót lá dừa nằm, vừa êm và ấm.

Việc học của tôi cũng thật kỳ tích. Trong khi các bạn dùng giấy, bút viết bài tôi lại viết bằng những miếng lá chuối non, chiếc que tre vót nhọn. Sau này, ba tôi chế mực cho viết bằng những quả mồng tơi chín. Khó khăn là thế nhưng bù lại, tôi học giỏi, tiếp thu bài nhanh. Thấy tôi chăm chỉ học, thầy giáo thương tình bèn đem cho giấy bút.

Ngay ngày nhỏ, tôi đã là đứa hiếu động, đầu trò. Trong những ngày hội họp lớp, tôi dẫn đầu đoàn quân đến các nhà khá giả xin đồ ăn, xin không được thì lấy trộm. Thấy bạn nào kênh kiệu, coi thường người khác, tôi rủ bạn dọa ma…

Cuộc đời tôi bước sang trang mới là vào năm 11 tuổi. Không ai tin con nhỏ gầy gò, xanh xao, bụng ỏng lại được nhận vào đoàn văn công quân đội. Chính tôi cũng bất ngờ, không hiểu sao, các cô chú nhận mình khi chỉ bảo đứng rồi cúi người xuống. 

Bước vào môi trường mới, điều lạ là tôi không bỡ ngỡ, không lúng túng khi làm bất cứ việc gì. Có lẽ, ngay từ ở nhà tôi đã bị các anh đánh giá “lanh chanh như hành không muối” nghĩa là, thấy các anh làm bất cứ việc gì cũng đòi làm theo. Vì thế, các anh chị múa, hát, làm xiếc, tôi đều muốn thử và làm tốt.

NSƯT Lê Thiện có trí nhớ đáng nể. Bà có biệt danh kho kịch bản sống.

Đối với đồng nghiệp bằng chữ tình

Hai năm sau, khi được vào Tổng cục chính trị, tôi học hỏi được rất nhiều. Lúc ấy, không thuộc diện được các chuyên gia nước ngoài hướng dẫn nhưng mỗi khóa học đó, tôi đều len lén đứng ngoài học lỏm. Nghe thầy giảng cách giữ giọng, lấy hơi thế nào, tôi về luyện theo… 

Sau này về làm lãnh đạo ở nhà hát Trần Hữu Trang, ít diễn xuất, nhiều người nghi ngờ khả năng của tôi. Thế nhưng vai diễn Lý Thần Phi trong Rạng ngọc Côn Sơn, tất cả nghi ngờ ấy đều tan biến. Vai diễn chỉ độc có một cảnh, ai cũng chê, không nhận thì tôi nhận. Chỉ vài giây phút ngắn ngủi xuất hiện trên sân khấu,  tôi tạo điểm nhấn bằng tràng cười dài nham hiểm đã khiến khán giả ấn tượng.

Tôi đam mê diễn xuất, còn lãnh đạo là bị ép làm. Lúc tôi mới lên chức, không ít người ác cảm vì nghĩ tôi là dân khu 5, keo kiệt nhưng tôi không giải thích mà chứng minh bằng hành động. Trong suốt thời gian là trưởng đoàn Xung kích và Phó giám đốc nhà hát Trần Hữu Trang, tôi sống với anh em bằng chữ tình. 

Có lần đưa đoàn ra Hà Nội biểu diễn đúng mùa hè. Diễn viên lại phải diễn 3 suất liên tục trong ngày, tôi quyết định bỏ tiền, mua sâm cho diễn viên. Diễn xong, quần áo diễn viên vắt ra nước, nếu không có chất bổ thì sao họ trụ được? Việc tiêu thêm tiền từ ngân quỹ, tôi từng bị đặt dấu hỏi nhưng tôi chấp nhận để lo sức khỏe cho anh em tốt nhất. Đến giờ, gặp lại bạn bè xưa, tôi hạnh phúc nhất là nhận được cái nắm tay siết chặt, những câu nói chân tình: “Bà ngày xưa thương diễn viên, bênh diễn viên lắm”.

Đối với anh em hậu đài, tình cảm còn nặng hơn. Tôi về hưu cả 10 năm nay, không còn chức sắc gì nhưng mỗi mùa, có trái cây mới, họ lại mua đem tới cho tôi. Món quà nhỏ nhưng là cả tấm lòng. Tôi biết, cuộc sống của họ không dư dả nhưng luôn nghĩ tới mình, như thế còn gì hạnh phúc hơn. 

NSƯT Lê Thiện và Vũ Ngọc Đãng trên phim trường Vừa đi vừa khóc.

Hai lần thập tử nhất sinh

Năm 1970, sau chuyến sang Paris biểu diễn, tôi vào chiến trường Đường 9 nam Lào. Thời tiết khắc nghiệt khiến tôi bị sốt rét. Trong ba người bị bệnh chỉ còn mình tôi sống sót. Tôi được đưa ra Hà Nội chữa trị, hơn một năm sau mới hồi phục. Lúc nằm viện, tôi mất hẳn trí nhớ. Nằm trong khoa thần kinh, người thân, bạn bè tới thăm mà tôi hỏi: “Các anh là ai?”. Bình thường, tôi có trí nhớ rất tốt, được mệnh danh là kho kịch bản sống vì tất cả vở diễn, vai diễn của nhà hát, tôi đều nhớ rõ. Ai cần thế vai, tôi thế được ngay mà không cần tìm kịch bản. Nhìn tôi ngơ ngác, không nhớ gì, mọi người òa khóc.

May mắn sau đó trí nhớ hồi phục. Vai diễn chị Sứ trong kịch Hòn đất, đánh dấu sự trở lại của tôi. Tuy nhiên, sau đêm đó, tôi mất ngủ hoàn toàn. Tôi buộc phải xin nghỉ 6 tháng tiếp theo.

Lần thứ 2, tôi chết hụt khi được chẩn đoán là ung thư gan. Lúc này con gái đầu mới 13 tuổi, cả nhà đã chuẩn bị tâm thế tiễn tôi lên thiên đường. Điều kỳ diệu là mổ ra chỉ có cục u lành trong gan. Thế nhưng, để có được sự yên ổn như ngày hôm nay, tôi phải trải qua 4 lần mổ, 12 lần tiểu phẫu. 

Ban đầu, bác sĩ dùng chỉ tự tiêu khâu lại vết mổ cho tôi nhưng cơ thể tôi lại không chịu được chỉ tiêu nên khâu xong vài ngày vết mổ lên mủ, gây sốt. Liên tục mổ trong vòng vài tháng nghĩa là liên tục dùng thuốc mê với liều lượng cao, tôi sợ mình mất hẳn trí nhớ nên lần mổ cuối cùng đề nghị bác sĩ chỉ gây tê. 

Cả ê-kíp bác sĩ đều ngạc nhiên trước sức chịu đựng của tôi và bảo: “Chưa có bệnh nhân nào gan như cô”. Còn tôi trêu lại các bác sĩ: “Người ta thường dân thì chơi đồ thường dân thôi. Ai biểu các anh dùng đồ cao cấp làm gì”.

Nhiều người đến gặp tôi ở khu tập thể đều hỏi: “Làm lãnh đạo mà về hưu lại không có nhà riêng sao?”. Tôi không buồn về chuyện này, nhà nhỏ hay nhà to cũng chỉ là chỗ cho mình che nắng, che mưa. Tôi thấy mình may mắn khi ở tuổi này vẫn được đóng phim, được khán giả nhớ tới. 

Bích Hằng

Bạn có thể quan tâm