Thời điểm quay bộ phim “Săn bắt cướp” (SBC) năm 1988, diễn viên Hương Dung đã có gia đình và một cô con gái nhỏ 6 tuổi. Khi đó, chị đang là diễn viên chính của Đoàn kịch Công an. Dù vướng bận gia đình, con nhỏ, nhưng đây là phim nhựa đầu tiên được tham gia nên chị được chồng rất ủng hộ và động viên để tham gia. Vậy là nghệ sĩ Hương Dung gửi con gái nhỏ cho bà chăm sóc trong 3 tháng. "Lẽ ra là quay lâu hơn nhưng tôi được đạo diễn tạo điều kiện cho quay trước để ra Bắc sớm hơn", nghệ sĩ Hương Dung nhớ lại.
Háo hức là vậy, nhưng khi bắt tay vào diễn, nghệ sĩ Hương Dung mới "tá hỏa" vì đạo diễn yêu cầu quá cao với những "cảnh nóng" mà nhân vật Hai Loan phải đảm nhiệm. Chị kể: "Ban đầu đọc kịch bản phân vai nhân vật Hai Loan, tôi thấy cũng bình thường thôi. Nhưng lúc ra phim trường, đạo diễn đưa ra những yêu cầu quá với sự tưởng tượng ban đầu thì tôi thấy hoảng. Đầu tiên là cảnh ân ái của cô gái bán hoa Hai Loan và tướng cướp Bạch Hải Đường, khi đó vừa trốn tù đang tìm chỗ nương náu. Lúc ra diễn, Thương Tín hỏi tôi: Cái nút áo của chị có chặt không? Tôi ngớ người không hiểu "nút áo" là cái gì. Hỏi ra mới biết là đạo diễn Trần Phương "chỉ đạo" Thương Tín trò chuyện với tôi về “cảnh nóng” để không làm tôi bất ngờ, diễn khó nhập vai. Theo kịch bản, Bạch Hải Đường sẽ giật tung áo của Hai Loan để ân ái. Sau nhiều năm xa cách nên khi gặp lại, theo phản xạ tự nhiên thì họ sẽ lao vào nhau mãnh liệt thì cũng hợp lý thôi, phù hợp với diễn biến tâm lý nhân vật. Thế nhưng, tôi là diễn viên của Đoàn kịch Công an, dù không có "vùng cấm" nhưng trong suy nghĩ của mình thì có. Vì mình còn gia đình và bản thân tôi cũng chưa bao giờ diễn cảnh nào như thế. Đến hôn nhau thôi còn từ chối nữa là. Vậy là tôi nói thẳng với đạo diễn: Em không diễn cảnh này đâu. Mạnh bạo thế này thì em không làm được. Nếu không thì anh cho em trở ra Bắc thôi”.
Sợ Hương Dung bỏ đoàn thật, mấy ngày sau đó, đạo diễn Trần Phương phải làm "công tác dân vận" để chị thay đổi ý định. Ai ngờ, chính Hương Dung lại là người thuyết phục trở lại để đạo diễn thay đổi kịch bản. "Tôi bảo, cảnh ân ái không nhất thiết là phải miêu tả kỹ thì khán giả mới hiểu, chỉ dùng phép liên tưởng thôi để người ta cảm nhận thì sẽ hay hơn, chứ đặc tả sẽ dễ bị phô. Ví dụ như dùng biểu cảm gương mặt, đôi chân quấn vào nhau thì cũng đủ hiểu rồi. Hơn nữa, lúc quay phim là khoảng năm 88 thì làm gì có "xu hướng" mạnh bạo như thế. Vậy là đạo diễn dùng "mẹo": Hai nhân vật lao vào nhau làm đổ cái bàn, vậy là có bình phong để không phải chi tiết vào cơ thể diễn viên. Góc máy chỉ lia gương mặt, bàn tay nắm chặt vào chân bàn và đôi chân quấn vào nhau. Thế nhưng lúc dựng, thấy gương mặt của Thương Tín vẫn áp sát vào người tôi quá nên tôi tiếp tục yêu cầu đạo diễn phải cắt tiếp", nghệ sĩ Hương Dung kể.
Một cảnh Hương Dung trong phim. |
Đến cảnh nhân vật Hai Loan nude trong nhà tắm để "mơi" cán bộ nhằm đạt được mục đích "mỹ nhân kế" thì Hương Dung và đạo diễn không thể nào thỏa hiệp được với nhau. Chị cứ nghĩ, chỉ cần vào phòng tắm rồi lấy tiếng động dội nước, sau đó nhân vật bước ra với chiếc khăn tắm trên người. Ai ngờ khi đạo diễn bảo cô thư ký vào phòng tắm một mực đòi kéo chiếc khăn xuống thấp để lộ khuôn ngực diễn viên thì Hương Dung nhất quyết phản đối. Để không chứng kiến cảnh diễn viên bỏ đoàn, đạo diễn Trần Phương đành tìm đến giải pháp đóng thế. Đạt được hiệu quả về nude thì lúc xem lại, đạo diễn Trần Phương chê cô này đen quá, không tạo được hiệu quả mỹ cảm, mà hồi đó lại không có kỹ thuật chỉnh sửa. "Tránh trời không khỏi nắng", nghệ sĩ Hương Dung vẫn phải đích thân thể hiện với điều kiện là không quay quá lộ.
Diễn viên "săn bắt... cúp"
Nói về kỷ niệm với bộ phim SBC, nghệ sĩ Hương Dung cho biết, đến giờ chị vẫn ấn tượng mãi với câu chuyện "oan gia" liên quan đến vàng. "Hôm đó quay xong, chúng tôi không về khách sạn mà tắm rửa ở nhà tắm công cộng. Lúc tắm, tôi cởi sợi dây chuyền để trên kệ vì sợ nó phai lớp mạ vàng bên ngoài (đạo cụ của đoàn làm phim mua cho nhân vật đeo - PV). Lúc tắm xong thì tôi quên mất, quay trở lại thấy mất rồi. Tính tôi vốn hay đùa tếu nên trong khi mọi người lo lắng thì tôi tặc lưỡi: Tối nay ra đứng ở ngoài vườn hoa vậy, ba đêm là đủ tiền mua thôi mà. Ai ngờ câu nói bông đùa của mình lại gây hậu quả nghiêm trọng đến mức mọi người nghĩ tôi "nhắm mắt" làm gái thật”.
Chị kể: “Số là hồi đó, phim quay ở An Giang, gần với biên giới Campuchia nên hàng hóa được "đánh" về rất nhiều, lại rẻ nữa. Diễn viên mê nhất là những chiếc xe cup nên nhiều người mang theo vàng để mua về Hà Nội, trong đó có diễn viên Quế Hằng. Thế nên, phim SBC còn được các nghệ sĩ gọi đùa là "Săn bắt cúp". Sợ mang theo nhiều không an toàn nên Hằng nhờ tôi đeo giúp 3 chỉ vàng. Hôm sau, tôi thấy mọi người nhìn mình khang khác, dò xét lắm. Vì mới hôm qua còn không có gì, vậy mà chỉ sau một đêm đã có 3 chỉ vàng thì ai chả nghi là tôi ra đứng ở vườn hoa thật. Đến khi kết thúc phim, tôi trả vàng cho Quế Hằng “rinh” xe cup về thì lúc này tôi mới biết là bị hiểu lầm "ra vườn hoa đứng kiếm vàng". Tuy nhiên, lúc về thì tôi cũng có vàng trên tay thật, nhưng không phải 3 chỉ mà là những... nửa chỉ từ cát-sê 3 tháng đóng phim".
Cú vấp ngã “may mắn” của con trai
Trở lại với cuộc sống hiện tại, nghệ sĩ Hương Dung hiện đã nghỉ hưu và lên chức bà ngoại. Chị vẫn dành tình yêu với nghệ thuật, đắt show phim truyền hình và lồng tiếng cho phim. Về đời sống riêng, nghệ sĩ Hương Dung được coi là có hạnh phúc viên mãn, trọn vẹn cả sự nghiệp lẫn gia đình với ba người con đều thành đạt.
Hương Dung và con ttrai. |
Nói về con trai - diễn viên nhí Hà Duy một thời rất quen thuộc trên truyền hình - nữ nghệ sĩ coi đó là một "tai nạn giá trị". Bởi sau đó đã tạo nên bước chuyển mình tích cực cho sự nghiệp và hướng đi của con trai. Chị chia sẻ: "Khi đó, Hà Duy đang theo học nghệ thuật. Gia đình tôi cũng sẵn sàng cho con theo con đường nghệ thuật tiếp nối bố mẹ nhưng đùng cái xảy ra sự cố. Gia đình tôi chưa từng để xảy ra điều tiếng gì nên với sự kiện đó quả là một cú sốc lớn. Thế nhưng, tôi không mắng, cũng không lên án con vì tôi hiểu tính cách của con mình không phải như vậy. Chỉ là một phút bốc đồng, được bạn rủ rê thì thấy hay hay dùng thử. Lúc đó, chị của Duy cũng mới vào làm tiếp viên hàng không - dù chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp Khoa Đạo diễn của Trường ĐH Sân khấu điện ảnh. Con gái bàn với tôi nên cho Duy theo nghề này với chị. Đúng lúc đó có đợt tuyển phi công và Duy đã may mắn trúng tuyển. Sau này nhìn nhận lại tôi thấy, cuộc đời như thể được sắp xếp bởi định mệnh và mọi thứ đều có cái duyên của nó. Duy không theo nghệ thuật khiến tôi lúc đầu cũng tiếc lắm, nhưng nghĩ từ mình mà ra rằng, cũng được coi là nổi tiếng mà rồi cứ "ráo mồ hôi" là đói. Vậy thì không biết con mình có được như thế hay không? Và rồi ở trong môi trường nhiều cám dỗ ấy, con mình chắc gì đã tránh được những cám dỗ? Vậy là tôi quyết định cho con rẽ hướng. Giờ thì Duy đang là Cơ phó của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam và từng được huấn luyện bay ở Pháp hơn một năm. Hiện tại, Hà Duy đã ra Hà Nội làm việc để sống gần gia đình. Dù phải từ bỏ niềm đam mê với nghệ thuật nhưng với thành công hiện tại, chính Hà Duy cũng tâm sự với mẹ rằng: Con cảm ơn sự cố để con được trưởng thành như hôm nay”.