Tối 29/9, NSND Hồng Vân nhiều lần rơi nước mắt khi phải đóng cửa sân khấu Superbowl. Lau vội nước mắt, chị vẫn phân công mọi người chuẩn bị tháo dỡ sân khấu.
Nữ nghệ sĩ nghẹn ngào nói: "Superbowl như mái nhà của tôi và các diễn viên. Nơi này thân thuộc với chúng tôi suốt 14 năm, bây giờ phải bỏ, ai cũng đau lòng".
Có năm, tôi lỗ cả tỷ đồng
- Quyết định đóng cửa một sân khấu hoạt động suốt 14 năm nhưng vì sao mãi đến khi diễn ra suất diễn cuối cùng chị mới chia sẻ thông tin?
- Cảm xúc lúc này của tôi khó tả lắm. Trước đây, sân khấu hoạt động bị thua lỗ, gồng gánh nhiều quá có lúc tôi mệt mỏi, muốn buông bỏ. Và tôi nghĩ đơn giản khi nào hết hợp đồng, giao lại cho người ta là xong. Nhưng thực tế xảy ra thì tôi buồn vô cùng. Tôi như rơi vào cảm giác có một đứa con hư, giận nó nhưng khi con đi xa thì buồn, nhớ.
Tôi nghĩ mình sẽ không viết gì, không nói gì, cứ rút trong im lặng. Hai ngày qua, tôi mệt, không thể quay được Ký ức vui vẻ và phải nhờ anh Minh Nhí làm giúp 2 số. Các học trò xôn xao, không cầm lòng được nên tôi chia sẻ thông tin.
Hồng Vân xúc động ngày chia tay sân khấu Superbowl. Ảnh: Quỳnh Trang. |
- Đến sân khấu, nhìn lại từng vật dụng quen thuộc, chị nghĩ đến những điều gì?
- Tôi định không đến sân khấu vào suất diễn cuối nhưng sau đó quyết định dừng buổi diễn ở Phú Nhuận để về đây. Tôi muốn thắp hương Tổ nghề trước khi khép lại một hành trình 14 năm ở nơi này. Nhìn lại từng không gian, ngóc ngách của sân khấu, lòng tôi như thắt lại.
Superbowl như một ngôi nhà của tôi và học trò. Mọi thứ đều thân thuộc, gắn bó, cảm giác là của mình thật sự. Sân khấu Phú Nhuận có bề dày hơn nhưng ở đó chúng tôi vẫn là khách. Chúng tôi phụ thuộc quá nhiều vào chủ sở hữu. Đóng một cái đinh, tôi cũng phải xin phép họ. Cho dù đăng ký trước, trung tâm có sự kiện gì sẵn sàng đẩy mình ra ngay.
- Vài năm gần đây sân khấu rơi vào khủng hoảng, Superbowl cũng gặp khó khăn nhưng vào thời hoàng kim, sân khấu của chị đã hoạt động thế nào?
- Buồn chia tay mái nhà của mình nhưng tôi cũng tự hào về nơi này. Đây là nơi không ai có thể nghĩ sẽ trở thành một sân khấu chuyên nghiệp. Không gian của Superbowl bé xíu, được cải tao từ một vũ trường, trần thấp lè tè. Sân khấu theo tiêu chuẩn phải có chiều cao 10 m để xử lý bối cảnh. Với rất nhiều bất lợi đó nhưng nó vẫn tồn tại 14 năm và có những vở kịch đoạt giải thưởng như 292, Người đàn bà uống rượu…
Suất diễn đầu tiên của sân khấu đã đông khán giả. Tuy nhiên, chúng tôi lại bị chông chênh về định hướng nội dung. Ban đầu, chúng tôi làm sân khấu hướng tới khách du lịch. Ngày đó, Trấn Thành và Lan Phương diễn kịch bằng tiếng Anh.
Nhưng định hướng đó sai bởi địa điểm này không phải tuyến đường mà các công ty lữ hành tạt ngang. Ngoài ra, họ yêu cầu đưa khách du lịch đến nhưng với điều kiện phải có ăn uống. Chúng tôi lại không thể kham nổi chuyện này.
Sau đó, chúng tôi định hướng Superbowl phục vụ khán giả trẻ với những vở kịch kinh dị, hài hước. Và lượng khách đến với sân khấu khá ổn định.
- Sự khó khăn của sân khấu phải chăng một phần vì thiếu vắng những nghệ sĩ tên tuổi. Trấn Thành, Lan Phương... họ đã không còn diễn ở đây?
- Các bạn ấy nghỉ vì cát-xê từ sân khấu rất thấp. Mỗi năm, mọi thứ đều tăng lên nhưng cát-xê diễn viên sân khấu không tăng. Hiện, cát-xê mỗi đêm của diễn viên hạng A ở sân khấu cao nhất là 1,5 triệu đồng. Nếu chỉ trông chờ vào kịch, họ làm sao trang trải được cuộc sống?
Khi các bạn ấy chạy show, làm phim sitcom, game show thì không thể gắn bó với sân khấu. Ở sân khấu của tôi, nếu ai không tập tuồng thì sẽ không có vai. Không bao giờ có chuyện để các em nhỏ tập hộ, các cô chú về diễn. Tôi không muốn có chuyện bất công xảy ra trong sân khấu của mình.
Về phần các bạn nghệ sĩ đã tạo dựng được tên tuổi, họ không bỏ sân khấu đâu. Bất kỳ lúc nào tôi gọi, với lịch diễn cụ thể, các bạn sẽ sắp xếp được. Ví dụ, vở Kiều sắp tới, tôi lên lịch cố định cho các bạn 2-3 suất thì mọi người đều tham gia.
Nghệ sĩ chia sẻ hình ảnh của thế hệ các nghệ sĩ gắn liền với sân khấu. Ảnh: Quỳnh Trang. |
- Thời điểm Superbowl khó khăn nhất, chị thua lỗ đến mức nào?
- Năm 2018, đơn vị sở hữu mặt bằng tăng giá cho thuê lên tới 4.500 USD/tháng. Tính thêm các khoản điện nước và lương nhân viên, mỗi tháng tôi phải chi trả 160 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền trả lương diễn viên sau mỗi suất diễn, hậu đài. Vào thời gian đó, có tháng tôi lỗ 200 triệu đồng. Năm 2018, tôi lỗ gần tỷ đồng. Lúc ấy, tôi gần như không chịu nổi chi phí đó, định bỏ sân khấu thì đơn vị cho thuê hỗ trợ, giảm giá. Theo đó, mỗi tháng tôi chỉ phải trả tiền mặt bằng 50 triệu đồng.
Nhưng ông Tổ dường như cũng thương, bù đắp cho tôi bằng các show diễn ngoài. Vì thế, tôi không phải suy nghĩ nhiều về tiền bạc.
Đã là nghiệp, tôi không thể bỏ sân khấu
- Duy trì sân khấu ở giai đoạn khó khăn chẳng khác nào dã tràng xe cát biển Đông. Động lực ở đâu để chị gồng gánh trong mấy năm qua?
- Đã là nghiệp rồi, khó bỏ lắm. Sân khấu, mở các lớp đào tạo diễn viên như một phần không thể thiếu của tôi. Mỗi lớp diễn viên thành đạt, tôi sung sướng như người nông dân trồng cây được hái trái ngọt lành.
Ngày xưa, sân khấu Phú Nhuận từng đào tạo nên Đức Thịnh, Cát Phượng, Thái Hoà.. Sau này đến lớp Ốc Thanh Vân, Hòa Hiệp... Hiện tại, sân khấu có Xuân Nghị, Lê Lộc, Tuấn Dũng... Các em đồng hành với tôi, chính là nguồn động viên để mình tiếp tục gắn bó với sân khấu.
Ở Superbowl không chỉ có sân khấu, chúng tôi còn đào tạo các lớp diễn viên. Các em cùng tôi gánh vác sân khấu.
Bên cạnh đó, tôi nhận được sự hỗ trợ của gia đình. Anh Tuấn Anh chưa bao giờ phàn nàn hay khuyên tôi bỏ nghề vì quá cực khổ. Ngược lại, anh động viên, hỗ trợ vợ rất nhiều.
Hồng Vân tin rằng khi làm nghề có tâm sẽ được Tổ đãi. Ảnh: Quỳnh Trang. |
- Nếu có nhận xét việc mở lớp đào tạo diễn viên của chị mang lại hiệu quả kinh tế hơn sân khấu kịch, chị phản hồi thế nào?
- Nếu muốn làm giàu, không ai chọn con đường này. Học trò của tôi có những em rất đáng thương, hoàn cảnh khó khăn, không có tiền đóng học nhưng ngọn lửa đam mê rất lớn. Nhìn các em, tôi thấy hình ảnh của mình ngày xưa.
Ngày đó, tôi không có tiền mua vé vào xem kịch ở nhà hát thành phố. Khi mình liều vào xin vé thì bị đuổi và chửi. Vì vậy, tôi muốn giúp đỡ các em. Có những em nghèo nhưng có tư chất, tôi sẽ miễn học phí. Cũng vì cách làm này của tôi mà không ai muốn hợp tác chung.
Các thầy dạy ở sân khấu cũng là hỗ trợ, không đặt nặng tiền bạc. Anh Việt Anh, Hữu Châu, Hoàng Sơn, Đai Nghĩa hiểu tại sao tôi làm như vậy nên rất ủng hộ. Ngày xưa, tôi được học các thầy cô quá giỏi mới được như ngày hôm nay. Và tôi cũng mong các đồng nghiệp của mình truyền lửa nghề tiếp sức cho các bạn trẻ.
Nhìn lớp học trò tập miệt mài, ngoan ngoãn, lễ phép, tôi thương lắm. Hầu như, ai đã dạy các em thì đều không dứt ra được. Đại Nghĩa bận rộn với nhiều show diễn nhưng luôn dành thời gian về dạy. Sau mỗi buổi học, Nghĩa còn dắt các em đi ăn uống, đi chơi.
- Với suy nghĩ ấy nên chị thường bị người thân nhận xét là "bao đồng"?
- Nhiều người nói tôi như thế. Nhưng cái gì cũng có được và mất. Tôi nghĩ mình sống có tâm với nghề, ông Tổ không để thiệt đâu. Ở tuổi này, công việc, show diễn đến với tôi nhiều đến mức không còn thời gian, sức lực để nhận. Nhờ có show diễn bên ngoài, tôi mới có thể trang trải được chi tiêu của sân khấu. Tôi chấp nhận chịu cực một chút để sống vẹn cả đôi đường, vừa có kinh tế, vừa theo đuổi được đam mê.
- Sân khấu Superbowl đóng cửa, làm thế nào chị sắp xếp cho hàng trăm học trò có nơi tập vở và biểu diễn?
- Đây lại là may mắn nữa của tôi. Anh Phước Sang đã đồng ý cho tôi mượn sân khấu kịch Sài Gòn để làm dạy học và tập luyện vào các buổi sáng trong tuần. Ngoài ra, anh cũng sắp xếp cho các em được diễn vào buổi tối. Anh ấy cũng không hề nhắc đến chuyện tiền bạc với tôi. Vì thế, sân khấu đóng cửa nhưng tôi không bị hoang mang, mất phương hướng.