Để gặp được NSND Tự Long lúc này rất khó. Anh bận rộn với lịch làm việc dày đặc dịp cuối năm và cả những cuộc gặp gỡ chúc mừng việc được phong tặng danh hiệu NSND khi mới 43 tuổi. Phải tới tận Nhà hát chèo Quân Đội ở Xuân Đỉnh (Hà Nội) mới có thể "bắt cóc" anh cho một cuộc phỏng vấn nhanh.
Tự Long vừa trở thành NSND ở tuổi 43. Ảnh: Mạnh Thắng |
Cuộc trò chuyện cũng không thể liền mạch bởi sự xuất hiện của thủ trưởng, đồng đội và cả lớp nghệ sĩ đàn em Tự Long. Họ không quản ngại đường xa vất vả để tới tận nơi ôm thật chặt anh thay lời chúc mừng. Tự Long xúc động lắm. Anh bảo: "Tình đồng đội là thế, bạn ạ. Mỗi tình cảm đều có ý nghĩa riêng nhưng tình đồng đội thiêng liêng, cao quý hơn mọi thứ trên đời".
Hạnh phúc hơn khi bố trở thành NSƯT
- Ở nhà hát, anh là phó giám đốc. Ra đường, anh là nghệ sĩ được hàng triệu người yêu mến. Vậy khi ở nhà, anh là ông bố, người chồng như thế nào?
- Thì cũng bình thường như những người khác thôi. Khi cần, tôi cũng vào bếp nấu cơm, thay bỉm, cho con ăn sữa hoặc thức đêm trông con thay vợ. Con gái tôi trộm vía cũng ngoan trừ cái tật dạo này toàn thức từ 1 giờ sáng tới 4-5 giờ, có khi là 6 giờ, lúc bố chuẩn bị đi làm.
- Khi anh trở thành NSND, bà xã nói gì?
- Cô ấy rất vui nhưng có phần lo lắng hơn. Từ khi thành NSƯT, tôi đã đi quá nhiều rồi. Bây giờ thành NSND, không biết tôi còn dành thời gian cho gia đình được nhiều không hay lại đi mất hút suốt cả ngày lẫn đêm (cười). Mà hiện nay tôi cũng đi suốt thật. Buổi sáng thì đi học, chiều tôi chạy về đoàn lo công việc rồi còn tập Táo Quân tới nửa đêm hoặc có khi 2-3 giờ sáng hôm sau mới về tới nhà.
Hai cha con nghệ sĩ Vũ Tự Lẫm - Vũ Tự Long cùng được trao tặng danh hiệu NSƯT và NSND một ngày. Ảnh: T.L. |
- Trong lần phong tặng vừa rồi, không chỉ anh mà bố anh - nghệ sĩ Vũ Tự Lẫm cũng được phong tặng danh hiệu NSƯT. Đây có thể coi là song hỷ lâm môn với gia đình anh?
- Tôi là nghệ sĩ mặc áo lính trẻ nhất được trao tặng danh hiệu NSND trong đợt phong tặng lần thứ 8 này. Đó là một tin vui nhưng niềm vui của gia đình tôi càng được nhân lên khi bố tôi được vinh danh NSƯT. Đó mới là điều khiến tôi thấy hạnh phúc và tự hào nhất. Nếu lần này chưa được phong tặng NSND, tôi vẫn còn cơ hội để cống hiến và tiếp tục phát triển nhưng bố tôi không thể như vậy.
Bố đã công tác và cống hiến rất nhiều năm. Các thế hệ đàn em và cả đàn cháu của bố, nhiều người đã trở thành NSƯT. Thậm chí có người bố từng tuyển vào đoàn nghệ thuật Bắc Ninh đã thành NSND từ lâu rồi. Bố không phải người đi xin hay vay mượn mà có thành tích thực sự nhưng vì ở tỉnh nên có thể chưa được quan tâm sát sao, kịp thời nên tới tận hôm nay mới vinh dự được trao tặng danh hiệu NSƯT.
Chí Trung diễn hài từ khi tôi còn mặc quần thủng đít
- Tuổi đời - tuổi nghề, danh hiệu và sự cống hiến, cái nào quan trọng hơn, đây vẫn là câu hỏi khó có lời đáp. Bản thân anh nghĩ như thế nào?
- Cũng có nhiều người hỏi tôi như vậy. Người khác lại bảo: 42 tuổi đã thành NSND thì có phải quá sớm không, sau này còn gì để phấn đấu nữa? Tôi xin hỏi ngược lại rằng: Như thế nào là trẻ? Trong cái nghề này, người ta vẫn bảo nhau "thầy già, con hát trẻ". Thế nên mới có những trường hợp như Linh Nga trở thành NSƯT khi 30 tuổi.
Ở trường hợp của cá nhân tôi, tôi được danh hiệu NSƯT khi 40 tuổi. 3 năm sau thì thành NSND nên người ta thấy nhanh. Nhưng để có được điều này là do những thay đổi từ nghị định 89 của Thủ tướng chính phủ. Theo đó, một NSƯT không cần phải trải qua quá trình 5 hay 10 năm mới được xét phong danh hiệu NSND mà chỉ cần đủ 2 huy chương vàng tại các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc là có thể được xét.
Trong vòng 3 năm qua, tôi có 3 HCV và 1 HCB tại các kỳ hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Đó là còn chưa kể những bằng khen của chủ tịch nước, của thủ tướng, của giám đốc đài truyền hình Việt Nam..., có thể dùng để quy đổi ra huy chương.
Nhiều người cứ so sánh tôi với anh Chí Trung hay chị Minh Hằng... Đúng là trên sân khấu hài, anh Trung, chị Hằng đã diễn, đã nổi tiếng từ khi tôi còn mặc quần thủng đít. Nhưng khi xét NSƯT, NSND, người ta xét ở lĩnh vực tôi đang theo đuổi là sân khấu chèo. Các thành tích, huy chương tôi có được cũng lấy từ chèo chứ có phải lĩnh vực khác đâu.
Ảnh: Mạnh Thắng |
- Có ý kiến cho rằng nên để nhân dân, công chúng bình chọn danh hiệu NSƯT, NSND. Anh nghĩ sao về quan điểm này?
- Thật ra, danh hiệu này chỉ dành cho những người làm nghề đánh giá. Tôi nghĩ, người dân không quá quan tâm chuyện anh là NSND, NSƯT hay chỉ là những người bình thường. Cái họ quan tâm nhiều nhất là anh hát bài gì, biểu diễn cái gì, sản phẩm của anh có làm tôi thích thú hay không... mà thôi.
Tôi luôn quan niệm, nghệ sĩ phải cống hiến cho khán giả những tiết mục hay, những vai diễn tốt chứ không phải danh hiệu mình đang có.
Có người bảo NSND phải do nhân dân bình chọn, không cần phụ thuộc vào hội đồng. Nhưng nhân dân thì biết được bao nhiêu trong 102 nghệ sĩ được phong tặng NSND để bình xét? Bởi có những người chỉ đứng đằng sau thành công của một vở diễn, một bộ phim, một tác phẩm phê bình, không bao giờ xuất hiện trước công chúng thì liệu công chúng có biết và đánh giá được họ không? Nếu NSƯT, NSND để cho công chúng bình chọn thì tất cả đều thua Sơn Tùng M-TP hay Hồ Quang Hiếu. Thua 100% luôn.
- Nhưng trong thời gian xét duyệt phong tặng danh hiệu vừa qua, có không ít ồn ào khiến dư luận phải đặt dấu hỏi cho sự công tâm từ các ban ngành liên quan?
- Theo tôi được biết, để được phong tặng danh hiệu NSƯT hoặc NSND, một hồ sơ phải đi qua 4 hội đồng xét duyệt với ít nhất 10 thành viên/một hội đồng. Riêng hội đồng cuối cùng có 15 thành viên là những người đầu ngành ở các lĩnh vực khác nhau. Nếu 2/10 trong thành viên bỏ phiếu không đồng ý thì hồ sơ ấy sẽ "out" ngay. Tôi chỉ đặt ra câu hỏi như thế này: Liệu có ai chạy đủ 4 hội đồng với ngần ấy thành viên không?
Các Táo đều có một 'nỗi buồn' chung
Chia sẻ về chủ đề đang được nhiều người quan tâm là Táo Quân 2016, Tự Long cho biết việc luyện tập, chuẩn bị đã bắt đầu từ vài ngày nay. Nhưng khi hỏi anh sẽ đảm nhận nhân vật nào, nam diễn viên chỉ cười: "Năm nay, tôi sẽ đóng vai Táo Bí mật".
Tự Long đã gắn bó với chương trình Táo Quân suốt 11 năm qua và là bạn diễn ăn ý của Xuân Bắc - Công Lý - Quốc Khánh... Ảnh: VFC |
Hỏi về chuyện 11 năm gắn bó với Táo Quân có lúc nào cảm thấy mệt mỏi không, Tự Long lại cười: "Mệt, rất mệt là khác. Vì ban ngày các "Táo" vẫn phải học tập, làm việc tại cơ quan, đơn vị của mình; tối muộn, khi mọi người nghỉ thì chúng tôi lại lao vào luyện tập cùng nhau".
"Các "Táo" đều có một nỗi buồn chung là buồn ngủ. Tuy nhiên, ai cũng chung một suy nghĩ là Tết mà thiếu Táo Quân thì khán giả sẽ thiếu một món ăn tinh thần thú vị. Thế nên tất cả lại động viên nhau cố gắng làm cho tốt.
Táo Quân là đứa con tinh thần, là sự sáng tạo, kết hợp của một tập thể anh chị em nghệ sĩ đã hiểu nhau tới từng hơi thở. Tuy nhiên, chương trình có hay hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng tôi tin, chẳng ai muốn đứa con mình sinh ra không xinh đẹp, không được mọi người yêu mến. Tình cảm chúng tôi dành cho Táo Quân cũng vậy".