Hụt hàng, rớt giá vì nhà xe
Chợ huyện Tịnh Biên (An Giang) nằm giáp vùng biên mậu cửa ngỏ phía Tây với nước bạn Campuchia, ngày thường trên bến dưới thuyền nhộn nhịp. Tại chợ Tịnh Biên từ lâu hình thành một khu vực buôn bán hàng nông sản: Rau, củ, quả nhộn nhịp giữa cư dân hai nước. Trái cây từ các tỉnh miền Tây cũng đổ về tập kết rồi xuất sang Campuchia. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 4 đến nay, bãi tập kết hàng nông sản ở Tịnh Biên trở nên thưa thớt, vắng lặng. Số lượng xe tải vận chuyển trái cây từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long đổ về rất ít. Dân chủ vựa cho biết, cánh nhà xe than vì quy định xe phải chở đúng tải, vô hình tăng cước vận chuyển lên gấp 3-4 lần nên chủ hàng ngừng vận chuyển.
Theo bà Trần Thị Kim Cúc, chủ vựa trái cây chợ này, trước đây khi vào mùa trái cây, bình quân mỗi ngày có hàng chục xe tải trọng lớn chuyển hàng lên. Từ đây, mỗi ngày sẽ có 30-50 tấn trái cây các loại xuất sang Campuchia. Nhưng trong mấy ngày qua lượng hàng thu mua giảm rất nhiều. "Mấy ngày qua khách hàng bên Campuchia đặt hàng trái cây với số lượng lớn nhưng không có để giao", bà Cúc nói.
Một số tài xế xe tải lý giải, lượng xe chở hàng lên đây ít đi vì không dám chở quá tải. Nếu chở đúng tải trọng xe thì không có “ăn”, thà nằm ở nhà còn hơn.
Hàng nông sản giá đang giảm nay lại gặp khó vì nhà xe tăng cước sau quy định xe chỉ được chở đúng tải quy định. |
Những ngày này, tại những chợ đầu mối trái cây trên địa bàn hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, các loại trái nhiều nhất là xoài, ổi, dưa hấu và cam sành…tập kết rất nhiều, vì đang vào vụ thu hoạch rộ. Các chủ vựa thu mua ở đây sẽ phân loại, đóng thùng chuyển theo xe tải tiêu thụ ở TP HCM, miền Bắc hoặc xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ông Trần Văn Thanh, chủ vựa xoài tại chợ đầu mối Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), cho rằng, thời gian gần đây các mặt hàng nông sản bị rớt giá mạnh, đơn cử như xoài cát Hòa Lộc đã giảm hơn 50% giá chỉ trong vòng 3 tuần. Một phần nguyên nhân là do cước phí vận chuyển tăng mạnh giữa lúc mức tiêu thụ thấp. Giá vận chuyển tăng đã buộc các điểm thu mua phải đối phó, điều chỉnh giá mua hạ xuống để tránh thua lỗ.
Nhiều tài xế xe tải cho rằng, nếu xe chở hàng đúng tải trọng là không có lời, thà nằm nhà khỏe hơn. |
Theo ông Thanh, từ giữa tháng 3, khi xoài bắt đầu vào mùa thu hoạch, mỗi ngày tại điểm thu mua của ông bình quân chuyển 10-12 tấn xoài bán ra các tỉnh phía Bắc. Do những yếu tố tác động trên nên từ đầu tháng 4 đến nay ông Thanh mở cửa thu mua cầm chừng, và chưa xuất bán chuyến nào ra tỉnh ngoài. Hiện cước phí vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc quá cao, từ 400.000 đến 450.000 đồng/thùng (mỗi thùng từ 50-60 kg), tăng gấp 3- 4 lần so với cước phí vận chuyển trước đây.
Phí “đè” hết lên nông dân
Dưới chân cầu Cái Răng, phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ là khu vực buôn bán hàng nông sản nổi tiếng. Xe tải thay phiên ra vào lên xuống hàng suốt ngày đêm. Tại đây, giới chủ vựa, bạn hàng thu mua rau, củ, quả theo đường sông bên chợ nổi Cái Răng hoặc từ các quận, huyện trong thành phố và các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp theo đường bộ chuyển về, sau đó đóng gói 10 kg/gói và chuyển theo xe bán về các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau.
Do áp lực tải trọng, nhiều xe tải không còn dám nhận chở hàng thuê. |
Theo chia sẻ của tài xế xe tải 3,5 tấn - biển số 69L73...: "Nói thật là nếu tài xế chở đúng tải trọng thì khó mà sống nổi. Xăng dầu tăng giá, bảo hiểm, phí đường bộ và còn tải 'cõng' bao nhiêu khoản phí đi đường khác nữa. Cho dù tuân thủ luật, chấp hành nghiêm nhưng nếu bất ngờ bị kiểm tra trên đường, thanh tra muốn phạt thì khó tránh khỏi. Nào là bánh mòn, đèn đứt bóng…cho đến kiểm tra tải trọng. Trước đây, một xe tải nhỏ chở vượt tải trọng 1-2 tấn là chuyện thường. Nay nếu phát hiện thì mức xử phạt quá tải ra lai (biên lai thuế) là 2,5 triệu đồng, nếu không cần xé lai, gọi là “biết điều” thì…1 triệu đồng mới cho qua. Lỡ 'xui' gặp thêm chốt kiểm tra khác nữa thì ráng chịu, đóng thêm theo kiểu 'mỗi lỗi mỗi tỉa".
Trước đây một xe tải nhỏ chở vượt tải trọng 1-2 tấn là chuyện thường, bây giờ nếu chở qúa tải trọng thì mức xử phạt là 2,5 triệu đồng. |
Tuy nhiên, anh Phan Lưu Mai, chạy xe tải chuyển hàng nông sản tuyến Cần Thơ – An Giang, Kiên Giang thừa nhận, hiện ở một số tỉnh miền Tây, việc kiểm tra xử phạt chưa làm quá "căng". Nếu kiểm tra tải trọng càng gắt gao thì giá cước phí vận chuyển càng tăng lên nữa. "Nhưng ai cũng biết rõ mức phí vận tải tăng trội lên thì dân thương lái hoặc giới chủ vựa không hề chịu khoản này. Họ sẽ cấn trừ bằng cách hạ giá thu mua hàng của nông dân ở mức thấp hơn", anh Mai cho biết.
Ông Tư Tân ở chợ Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) bức xúc: "Trong chuyến biển cách đây mấy ngày, một số chủ ghe và ngư phủ hết sức bần thần, vì giá mực lá bán theo đường tiểu ngạch xuất sang Trung Quốc đã bị sụt giảm từ 140.000 đồng/kg xuống còn 110.000 đồng/kg mà không rõ lý do". Ông Tân cho rằng, việc giảm giá bất ngờ này có nguyên do từ cước phí vận chuyển.
* Ông Nguyễn Tấn Thường, Phó chủ tịch UBND xã Phú Cường, huyện Cai Lậy (Tiền Giang): Trong xã có hơn 100 hộ trồng dưa hấu vụ xuân hè với diện tích 150 ha. Nhưng thị trường tiêu thụ đang gặp khó khiến giá dưa giảm mạnh. Nông dân lỗ 1,5-2 triệu đồng/công. Các hộ thuê đất trồng lỗ 3,5-4 triệu đồng/công/vụ. Tại bãi tập kết dưa hấu đối diện UBND xã, trước đây vào vụ nhộp nhịp, xe tải về xếp hàng chờ. Thế nhưng mấy ngày qua chỉ thưa thớt vài chiếc xe tải về mua dưa. Một phần nguyên nhân cũng vì quy định chở đúng tải, nhà xe không chạy.