Tháng 4, hàng loạt ngân hàng đã lên kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông 2016. Mùa đại hội năm nay, nhiều nhà băng vẫn bị chất vấn gay gắt trước những tâm điểm về lợi nhuận, mức chia cổ tức, xử lý nợ xấu, tăng - thoái vốn và sáp nhập. Chưa kể, tiếp tục xuất hiện diễn biến “ngầm” về cuộc chiến nhân sự cấp cao tại một số ngân hàng.
Nợ xấu là tâm điểm ĐHCĐ khi nhiều ngân hàng bán xong phải trích lập dự phòng. |
Nợ xấu xử lý tạm thời: Bán cho VAMC
Ngày (8/4), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2016. Trước thềm đại hội, nhà đầu tư và cổ đông gửi đến ban lãnh đạo của ngân hàng danh sách các câu hỏi.
Theo đó, cổ đông tỏ ý nghi ngờ khi con số lợi nhuận trước thuế năm 2015 của ngân hàng đạt vừa vặn 100% với kế hoạch đề ra 1.314 tỷ đồng. Có cổ đông bức xúc đòi lãnh đạo ngân hàng giải thích về hoạt động mua bán chứng khoán của ACB lỗ tới cả nghìn tỷ đồng chỉ trong quý IV/2015 và khoản trích lập dự phòng rủi ro trong mua bán chứng khoán đầu tư và kinh doanh ở ACB cả năm đã tăng đột biến lên hơn 1.300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó là chuyện ngân hàng bán nợ cho VAMC thế nào, năm qua thu hồi nợ được bao nhiêu? Tuy nhiên, cuối cùng đại hội của ACB cũng kết thúc trong êm đẹp khi mỗi cổ đông dự kiến sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 100:9.
Tại đại hội cổ đông VPBank diễn ra cách đây ít ngày, đại diện ngân hàng này cho biết: Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng chiếm 2,6% tổng dư nợ cho vay, tăng so với mức 2,5% năm 2014. Trước quan ngại nợ xấu tăng, ban điều hành phải trấn an: Nợ xấu tăng vì ngân hàng này tham gia mạnh vào phân khúc có độ rủi ro cao hơn như tài chính tiêu dùng, tín chấp hoặc cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, VPBank đã có hệ thống quản trị để kiểm soát nợ xấu trong phạm vi cho phép. Năm 2015, ngân hàng đã thu hồi hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu.
Theo các báo cáo được đưa ra trước thềm đại hội của các ngân hàng, nợ xấu hầu hết được xử lý ở mức dưới 3%. Thậm chí, nhiều nhà băng như Sacombank, SCB…, nợ xấu còn được kéo về mức dưới 2% hoặc 1%.
Nguyên nhân được cho là các ngân hàng đã phải thận trọng hơn trước rất nhiều, tăng trích lập như một giải pháp dự phòng tình huống xấu như từng xảy ra trong quá khứ. Đồng thời, nợ xấu hiện mới chỉ xử lý tạm thời bằng cách bán cho VAMC, các khoản bán này yêu cầu mức trích lập rất cao. Hiện tại, thương vụ sáp nhập Vietinbank – PGBank chưa hoàn tất trong khi thương vụ được đồn đoán rất nhiều là Vietcombank – Saigonbank vẫn chưa xảy ra.
Sóng ngầm nhân sự
Những ngày này, xuất hiện thông tin bất lợi về hoạt động của Eximbank khi ngân hàng này đột nhiên được Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh đưa vào diện cổ phiếu bị cảnh báo (mã CK:EIB) do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm cuối năm 2014 được điều chỉnh lại âm tới 834 tỷ đồng (trong khi số công bố trước đó là lãi 114 tỷ đồng).
Theo bản giải trình mới nhất được ban lãnh đạo Eximbank vừa công bố, sở dĩ số liệu được chuyển từ lãi sang lỗ là do ngân hàng đã “bóc tách rõ” thực hiện theo kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước ngày 19/10/2015 (đó là EIB phải ghi giảm thu nhập do bán các tài sản không đúng quy định và ghi giảm các khoản lợi nhuận này và các chi phí liên quan khác để khôi phục giá trị tài sản về giá trị ban đầu. Do đó, EIB đã điều chỉnh hồi tố).
Hiện tâm điểm thị trường đều hướng vào diễn biến đại hội cuối tháng 4 của Eximbank khi khả năng đại hội tới đây sẽ rất căng, bởi có thông tin một nhóm cổ đông lớn mong muốn có mặt trong ban lãnh đạo ngân hàng. Tại đại hội cổ đông bất thường của ngân hàng này diễn ra tháng 12/2015, những yếu tố bất ngờ về nhân sự của HĐQT diễn ra “căng thẳng đến giờ chót”.
Một tâm điểm khác, giới nhà băng đang chờ đợi chuyện thay đổi Chủ tịch HĐQT của Sacombank sẽ diễn ra thế nào. Hiện thông tin đồn đoán cho thấy, trong kỳ đại hội thường niên lần này, nhân sự cấp cao tại Sacombank tiếp tục biến động mạnh, cả với ghế “nóng” nhất.
Theo đó, ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT của Sacombank tự nguyện cam kết ủy quyền vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và điều lệ của Sacombank. Đồng thời, NHNN sẽ thực hiện quyền cổ đông đối với toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của ông Trầm Bê và những người có liên quan cũng như NHNN sẽ cử người tham gia quản trị, điều hành Sacombank sau sáp nhập.
Nguồn tin của PV Tiền Phong cho biết, lúc này NHNN cơ bản đã duyệt phương án nhân sự của Sacombank; khả năng lãnh đạo một NHTM Nhà nước có thể sẽ được giới thiệu vào ghế nóng điều hành nhà băng này.
Mặc dù nợ xấu đã giảm dưới 3% tuy nhiên cổ đông các ngân hàng đều quan ngại. Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu bình luận: “Mùa đại hội cổ đông năm nay của ngân hàng khá sôi động, do lợi nhuận nhiều ngân hàng chưa cải thiện được trong khi nợ xấu bán cho VAMC nhiều khiến nhà băng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, đó là điều các cổ đông không mấy hài lòng”.