Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nóng' nhân sự ngân hàng trước mùa họp cổ đông

Bên cạnh chỉ tiêu, điều hành, quyết định cuối cùng về nhân sự chóp bu của một số ngân hàng trong đại hội cổ đông sẽ diễn ra vào tháng 4 cũng gây không ít tò mò với dư luận, nhà đầu tư.

'Nóng' nhân sự ngân hàng trước mùa họp cổ đông

Bên cạnh chỉ tiêu, điều hành, quyết định cuối cùng về nhân sự chóp bu của một số ngân hàng trong đại hội cổ đông sẽ diễn ra vào tháng 4 cũng gây không ít tò mò với dư luận, nhà đầu tư.

Tại ngân hàng Á Châu, trước khi đại hội cổ đông diễn ra, nhà băng này phát đi thông báo để các cổ đông tự ứng cử thành viên HĐQT và ban kiểm soát, song cho biết không nhận được phiếu ứng cử nào cho đến ngày 7/3. Vì lẽ đó, theo quy định, những lãnh đạo chủ chốt này sẽ do HĐQT và ban kiểm soát đương nhiệm đề cử.

Trước đó, sau sự cố với cựu Phó chủ tịch hội đồng sáng lập Nguyễn Đức Kiên và cựu Tổng giám đốc Lý Xuân Hải xảy ra hồi tháng 8/2012, ACB cho biết Chủ tịch hội đồng sáng lập ACB là ông Trần Mộng Hùng dự kiến sẽ được bổ sung vào HĐQT của ngân hàng này. Hiện tại, chủ tịch đương nhiệm là Trần Hùng Huy - con trai ông Trần Mộng Hùng. Còn ông Trần Mộng Hùng - dù không còn đảm nhiệm chức vụ nào tại Á Châu, song vẫn có một phòng làm việc riêng tại hội sở nhà băng này trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM).

 Việc chuyển đổi nhân sự trong HĐQT và ban kiểm soát của các ngân hàng được dự đoán sẽ là vấn đề "nóng" trong mùa đại hội cổ đông sắp tới.

Một số ngân hàng khác trước mùa đại hội cổ đông cũng đã rục rịch công bố những thông tin về nhân sự điều hành. Ngân hàng Phương Nam cho biết, có 3 thành viên HĐQT sẽ từ nhiệm và những vị trí này ngay lập tức được bầu bổ sung, dự kiến các thông tin và ý quyết được được đưa ra trong đại hội cổ đông tổ chức vào tháng 4 sắp tới. Nhiều đồn đoán về cái tên 3 thành viên nói trên được đưa ra trong giới ngân hàng, chuyên gia và đầu tư, song đến lúc này, phía Southernbank vẫn chưa công bố.

Tại ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ông Trần Xuân Huy - nguyên Phó chủ tịch HĐQT cũng bất ngờ xin từ nhiệm trước khi diễn ra đại hội cổ đông. Những tháng cuối năm 2012, hai thành viên khác là cựu Chủ tịch HĐQT Đặng Văn Thành và cựu Phó chủ tịch Đặng Hồng Anh lần lượt rời HĐQT của Sacombank. Trong đại hội cổ đông sắp tới, ngân hàng này sẽ bầu bổ sung 3 thành viên vì hiện nay, HĐQT mới chỉ có 7 người.

Thông báo về miễn nhiệm, bầu bổ sung nhân sự chủ chốt của nhiều ngân hàng trước đại hội cổ đông có một điểm chung là đều xảy ra tại những đơn vị nổi lên với việc sáp nhập, mua bán, thâu tóm hoặc bị “sự cố” trong quá khứ. Tại Phương Nam và Sacombank, việc luân chuyển các thành viên chủ chốt đã quen thuộc vì chính “người cũ” của Phương Nam là cha con Trầm Bê đã đầu tư vào Sacombank, sau đó lần lượt có mặt trong HĐQT của ngân hàng này. Sau đó, những “người cũ” khác của Phương Nam như Dương Hoàng Quỳnh Như, Phan Huy Khang cũng lần lượt xuất hiện trong HĐQT của Sacombank.

Còn ở ACB, sau hàng loạt biến cố diễn ra với “bầu” Kiên, “tổng” Hải và nhiều “cây đa, cây đề” trong HĐQT, việc trở lại của cựu thuyền trưởng Trần Mộng Hùng được chính người phát ngôn ngân hàng này là ông Nguyễn Thanh Toại cho biết “là do cổ đông đề xuất vì ông Trần Mộng Hùng là linh hồn của ACB”. Nhưng trong con mắt của giới đầu tư, sự trở lại HĐQT của ông Hùng, cùng với con trai đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT, vợ là thành viên HĐQT, trước mắt sẽ củng cố thêm sự vững mạnh, chắc chân của gia đình này tại một trong những ngân hàng cổ phần quy mô lớn của Việt Nam.

Với các ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu như Phương Tây, Đại Tín hay quy mô nhỏ như VietBank, việc thay đổi nhân sự chủ chốt trong HĐQT hay ban kiểm soát diễn ra do sự thay đổi cơ cấu cổ đông lớn sau khi cấu trúc hay do yêu cầu điều hành. Còn tại những nhà băng có tên tuổi nói trên, việc bổ sung, từ nhiệm của các nhân sự cấp cao là để đổi mới hướng đi, chiến lược cũng như củng cố, phát triển vị thế của những thành viên mới. Lo ngại được đặt ra là yếu tố gia đình trị, lợi ích nhóm, xung đột giữa nhóm cổ đông lớn và cổ đông nhỏ lẻ khi nhân sự cấp cao của ngân hàng thay đổi.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế, sự luân chuyển đó là tất yếu khi tình hình kinh tế vĩ mô không thuận lợi như những năm về trước và yêu cầu bắt buộc với không ít ngân hàng là “thay đổi hay chết”. Về yếu tố quyền lực tập trung hay mâu thuẫn lợi ích giữa các nhóm cổ đông trong những trường hợp đặc biệt nói trên, chuyên gia này cho rằng, không loại trừ khả năng xảy ra vì tại Việt Nam, việc nhiều thành viên trong gia đình nắm quyền trong HĐQT chỉ bị giới hạn bởi tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ. Những nước khác, trong đó có Mỹ, quy định HĐQT tương đối rõ ràng và đặc biệt không cho phép nhiều người trong gia đình cùng tham gia một lúc.

Lan Anh

Theo Infonet
 

Lan Anh

Theo Infonet
 

Bạn có thể quan tâm