Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nông dân trồng dừa Bến Tre than sản phẩm bị ép giá

Là thủ phủ dừa của cả nước, phần đông dân Bến Tre sống nhờ cây dừa, nhưng bà con luôn chịu thiệt khi chưa có sự đồng bộ về đầu ra của sản phẩm này.

Nhà anh Tuấn (Ba Tri, Bến Tre) sở hữu hơn 100 cây dừa trưởng thành và đang trồng thêm 200 cây dừa con. Mỗi đợt, thương lái từ đường sông hay đường bộ đến thu mua chủ yếu là dừa khô.

Theo anh Tuấn, giá bán giao động của một chục (12 trái) dừa là 45.000 đồng. Mỗi đợt nhà anh bán ra khoảng 200 - 300 trái.

“Trung bình một trái dừa để khô mất 10-11 tháng, còn dừa tươi là 8-10 tháng, nhưng chủ yếu dừa khô được thương lái chuộng hơn, họ dạo đến tận nơi để mua. Tuy nhiên, do chúng tôi bán cho lái nhỏ, họ gom rồi bán cho mối lớn. Mối lớn mới bán đến doanh nghiệp sản xuất hoặc vận chuyển đi tỉnh khác... qua nhiều khâu trung gian, cũng như nhiều điểm tập kết nên giá tại vườn bị ép rất thấp”, anh Tuấn cho biết.

dua Ben Tre bi ep gia anh 1
Chế biến dừa làm sản phẩm đóng hộp tại Bến Tre. Ảnh: Thái Nguyễn

Cũng như gia đình anh Tuấn, anh Trần Trung (Giồng Trôm) có truyền thống lâu đời trồng dừa. Nhà anh có hơn 200 cây dừa trưởng thành, sản phẩm chủ yếu được bán cho thương lái ở các vựa mua về lột vỏ chuyển sang cho các công ty chế biến sản phẩm từ dừa, như nước dừa đóng hộp, cơm dừa sấy khô, chỉ sơ dừa, than sinh hoạt...

“Dừa khô tôi bán giá 40.000-50.000 đồng/chục, dừa tươi thì 4.000-5.000 đồng một trái. Nhưng mình thử đến các cửa hàng lẻ thì giá trái dừa tươi lên 10.000 đồng, thậm chí 15.000 đồng, đặc biệt ở một số quán nước đến 30.000 đồng/trái. Tuy nhiên, nông dân không thể bán đến tận tay người tiêu dùng mà phải chấp nhận dưới nhiều tầng trung gian”, anh Trần Trung chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), xác nhận đầu ra sản phẩm của người trồng dừa tại Bến Tre hiện chưa ổn định. Nguyên nhân do quy trình thu mua ở các khâu chưa được quản lý và thống nhất, dẫn đến việc nông dân trồng loại nông sản này bị thiệt.

“Cần có sự kết hợp giữa người trồng dừa, của chính quyền trong công tác phân phối sản phẩm từ nông dân đến nhà máy, kết hợp với chuyên gia nông nghiệp để đảm bảo tốt sản lượng, chất lượng của nông dân”, ông Nguyễn Minh Hoàng nói.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia nông nghiệp, tuy dừa được nông dân tận dụng triệt, để từ thân dùng làm gỗ, than, lá lợp mái nhà, trái làm thực phẩm, bánh kẹo... nhưng khâu thu mua hiện nay còn bất cập. Người dân bán hàng trực tiếp đến doanh nghiệp chưa nhiều khiến mức giá sản phẩm này thấp, và thường gặp cảnh được mùa mất giá.

dua Ben Tre bi ep gia anh 2
Dừa là loại nông sản đặc biệt được tận thu và mang lợi nhuận cho nông dân ở tất cả các khâu. Ảnh: Thái Nguyễn

Để giải quyết đầu ra ổn định, đồng thời tận dụng triệt để lợi thế từ dừa, hiện khá nhiều doanh nghiệp đang đầu tư nhà xưởng để sản xuất tại chỗ. Một trong những sản phẩm đang được đẩy mạnh là sản xuất nước dừa đóng hộp.

Theo anh Trần Trung, từ trước đến nay, nước dừa chủ yếu được sử dụng để uống là đối với dừa xiêm tươi. Nhưng sản phẩm chủ lực của người trồng dừa tại Bến Tre là dừa khô sử dụng làm thực phẩm, bánh mứt. Lâu nay các điểm chế biến sau khi thu mua chỉ sử dụng cơm dừa mà bỏ hết nước.

Từ khi có nhà máy chế biến nước dừa đóng hộp, nhiều hộ sau khi thu hoạch đã tách bán riêng nước để bán các công ty sản xuất các sản phẩm từ nước dừa, nhờ vậy giá trị sản phẩm tăng lên. 

Dù giá nước dừa giao động theo mùa, chỉ 2.000 - 5.000 đồng/can 30 lít, nhưng khi nước dừa khi được đưa vào sản xuất thì giá trị dừa bán ra tăng lên đến 300 lần.

"Việc đầu tư nước dừa đóng hộp đã nâng giá trị nước dừa tại địa phương lên khoảng 300 lần. Nhiều người có việc làm, góp phần cải thiện cuộc sống cũng như sự phát triển bền vững của vùng trồng dừa", lãnh đạo Betrimex cho biết.

Theo ông Robert Graves, Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam: "Nước dừa đóng hộp là ngành hàng đang có tốc độ tăng trưởng cao trên toàn cầu, do xu hướng tiêu thụ nước giải khát dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Theo ước tính, tổng doanh thu từ nước dừa đóng hộp của thế giới đạt hơn 1 tỷ USD"

Tỉnh Bến Tre là địa phương có diện tích dừa lớn nhất cả nước, với trên 70.000 ha, sản lượng chiếm 44% cả nước. Các sản phẩm từ dừa của Bến Tre được xuất khẩu đến trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Bến Tre.


 

 



Thái Nguyễn

Bạn có thể quan tâm