Giữa tháng 4, hàng nghìn nông dân Quảng Ngãi vào vụ thu hoạch dưa hấu trên khắp các cánh đồng, dọc theo bãi bồi ven sông Trà Bồng, Trà Khúc. |
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, vụ Đông Xuân 2020 -2021, nông dân địa phương trồng 700 ha dưa hấu với nhiều giống dưa như: An Tiêm, Hắc Mỹ Nhân, Hắc Long, Hồng Lương. |
Theo ông Nguyễn Hạnh (ngụ xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh), so với năm trước, thời điểm này giá mỗi kg dưa hấu chỉ vài trăm đến 2.000 đồng. "Mùa dưa hấu mới bắt đầu thu hoạch nhưng giá tăng vọt đến hơn 6.000 đồng mỗi kg, gấp ba lần so với vụ trước. Được mùa, được giá nên bà con nông dân ai cũng mừng vui", ông Hạnh nói. |
Bà Đặng Thị Bông (ngụ xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh) thu hoạch dưa hấu trên đồng. "Nhờ thời tiết thuận lợi, quả nào cũng căng tròn nặng từ 5 đến 8 kg. Trung bình mỗi sào (500 m2) cho 2 đến 3 tấn quả dưa hấu", bà Bông cho hay. |
Ông Trương Văn Việt (ngụ xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh) giới thiệu giống dưa hắc mỹ nhân trong giai đoạn chín rộ. "Vụ dưa năm nay gia đình trồng 8 sào dưa cho thu hoạch 16 tấn quả. Sau khi trừ chi phí, tôi còn thu lãi hơn 70 triệu đồng", ông Việt cho biết. |
Ông Ngô Văn Việt, Tiểu thương thu mua dưa hấu, cho hay khác với những năm trước, năm nay nhiều tiểu thương thu mua dưa hấu xuất khẩu đi Trung Quốc và bán cho cả thị trường trong nước. |
"Mỗi tuần tôi thu mua tận ruộng từ 60 đến 100 tấn dưa hấu của nông dân Quảng Ngãi đưa đi tiêu thụ", ông Việt thổ lộ. |
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, vụ dưa hấu năm nay được giá do các vùng trồng dưa hấu lớn trong nước đều giảm diện tích. Sản lượng dưa ngoài thị trường ít, các cửa khẩu đã được thông quan sau dịch Covid-19 và thời tiết nắng ấm khiến nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao. |
Ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết để sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, nông dân phải thay đổi nhận thức, sớm chấm dứt tình trạng làm theo phong trào, không có định hướng.
Theo ông Hiền, các ngành, địa phương cần thực hiện chính sách khuyến khích liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng giá trị sản lượng trên đơn vị diện tích canh tác, gắn sản xuất với thị trường và doanh nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Ngành nông nghiệp cần xây dựng kế hoạch sản xuất cây trồng cụ thể từng năm dựa trên nhu cầu của thị trường, hướng dẫn nông dân sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP...để mang lại hiệu quả kinh tế.