Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nông dân nuôi bò Củ Chi gửi sữa cho người thân tắm

Giải pháp tiêu thụ sữa bò cho nông dân Củ Chi liên tục đưa ra nhưng hộ nuôi vẫn không thể bán sản phẩm. Có người đành mang sữa cho người thân tắm, và chuyện bán bò vẫn diễn ra.

Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi cho biết, sau những chỉ đạo rốt ráo của chính quyền địa phương, xã tổ chức cho những hộ dân chưa ký hợp đồng tự nguyện tham gia tổ hợp tác. Mỗi tổ sẽ bầu ra tổ trưởng, tổ phó chịu trách nhiệm liên lạc, thông báo cho các tổ viên mọi vấn đề liên quan đến chăn nuôi, tiêu thụ sữa bò cho nông dân.

Các hộ dân tham gia tổ hợp tác sẽ chăn nuôi bò theo đúng quy định kỹ thuật, sữa đảm bảo chất lượng vệ sinh. Bà con còn được hỗ trợ nhau trong việc chọn lọc đàn bò, loại những con kém chất lượng ngay từ đầu, nâng cao năng suất sữa và hạ giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, tổ viên cũng phải cam kết tham gia học tập, dự các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật, sản phẩm đảm bảo vệ sinh, không có kháng sinh, không tạp chất, không pha nước...

Nguoi nuoi bo vat sua de tam anh 1

Nhiều hộ nuôi bò Củ Chi vẫn không chưa tìm được đầu ra cho sữa. Ảnh:Phạm Oanh

Tuy nhiên, giải pháp về tổ hợp tác này vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, xin ý kiến. Và trong thời gian chờ đợi thì những hộ nuôi bò vẫn không có nguồn tiêu thụ sữa.

Anh Dương Chí Thanh, nông dân nuôi bò ở ấp 10 xã Tân Thạnh Đông chia sẻ, từ sau chỉ đạo của Bí Thư Đinh La Thăng tháng 2/2016, chính quyền đã có những động thái tích cực. Nhưng để cải thiện được tình hình thì phải mất từ 2 đến 3 năm. Trong khi mỗi ngày, trung bình một hộ dân nuôi 4-5 con bò thu gần 100 kg sữa, hàng tấn sữa như thế chưa có nơi tiêu thụ nông dân sẽ xoay như thế nào.

Cũng theo anh Thanh, các đơn vị thu mua đã trực tiếp xuống kiểm tra. Nhưng hơn 3 tháng kể từ thời điểm kiểm tra đến nay vẫn chưa có thông báo nào về việc thu mua sữa của người dân.

Bà Út Bạch, một hộ nuôi bò sữa lớn với khoảng 100 con cho biết, mỗi ngày đàn bò của bà cho 400 kg sữa. Nhưng đơn vị đến thu mua chỉ đưa ra số 40 kg, còn 350 kg sữa dư bà không biết làm gì, đành phải bán với mức giá do bên thu mua ép xuống, nhưng cũng không tiêu thụ hết.

Sữa không bán được, nhiều hộ bán đổ bán tháo cho các nơi làm sữa chua, nhưng cũng chỉ 5-10 kg. Một số hộ tự nấu đóng chai đem bán lẻ. Nhưng con số này không thấm vào đâu. "Hết cách, sữa vắt ra lại cho chính đàn bò uống, hay dùng để nuôi heo, nuôi gà. Chúng tôi thường gửi sữa cho người quen để tắm", anh Thanh nói.

Nguoi nuoi bo vat sua de tam anh 2

Từ 20 con bò sữa, gia đình anh Thanh giờ chỉ còn 6 con

. Ảnh: Phạm Oanh

Theo thống kê cuối 3/2016, toàn xã Tân Thạnh Đông có 1.483 hộ đang nuôi, với 19.766 con bò sữa. Trong đó, đã có 121 hộ phải bán bò, số bò bán ra lên đến 842 con.

Anh Thanh cho biết, gia đình anh trước đây nuôi 20 con bò sữa. Thời điểm giá cả ổn định, chỉ cần 3 con bò cho sữa, một ngày anh cũng thu được 200.000 đồng. Nhưng bây giờ, dù đã bán gần hết số bò nhưng vẫn phải bù lỗ hàng ngày, tiền bán sữa không đủ mua thức ăn nuôi bò.

“Chi phí ban đầu bỏ ra xây chuồng trại, mua bò cái hết 500 triệu, nhưng khi bán bò chỉ thu lại được hơn 200 triệu. Bò bán ra trong thời điểm khó khăn nên giá chỉ bằng bò thịt. Nếu trước đây một con bò sữa có giá 40 - 60 triệu thì đến nay chỉ còn hơn 10 triệu đồng”, anh Thanh thở dài.

Bà Phan Thị Tiếp, một người nuôi bò mấy chục năm chia sẻ, trước đây mỗi ngày trừ hết chi phí, bà có lời 70.000 -100.000 từ bán sữa bò. Nhưng từ sau 2014, bà không còn lời nữa và đến nay phải bù lỗ hàng ngày.

Nguoi nuoi bo vat sua de tam anh 3
Nhiều hộ bán bò giá rẻ, bỏ trống chuồng trại vì không tìm được đầu ra cho sữa: Ảnh: Phạm Oanh

Cũng theo bà Tiếp, hộ bà có ký hợp đồng với đơn vị thu mua. Giá sữa ký ban đầu là 12.000 đồng/kg. Về sau họ ép giá xuống 1.000-2.000 đồng/kg. Lượng sữa dư nếu muốn bán thì chỉ 7.000 đồng/kg.

"Nhà nước cần cử người đáng tin cậy giám sát quy trình kiểm định sữa, rồi công khai trực tiếp với người dân. Những biện pháp hỗ trợ phải thiết thực và nhanh chóng. Chứ tình cảnh hiện nay, sữa vắt ra không bán được thì nông dân nuôi bò làm gì. Họ bán hết bò, chuyển sang nuôi heo. Có người đi chỗ khác làm thuê. Nhưng người nuôi bò lâu năm như chúng tôi vẫn muốn làm cái nghề đã gắn với mình mấy chục năm", bà Tiếp nói.

 


Phạm Oanh

Bạn có thể quan tâm