Nông dân lãi trên 1 tỷ mỗi năm từ vườn bưởi đặc sản
Thứ ba, 29/11/2016 06:28 (GMT+7)
06:28 29/11/2016
Sáng tạo trong cách làm nên ông Ngô Văn Sơn (Đồng Nai) sở hữu vườn bưởi trĩu quả. Mỗi năm, vườn đạt sản lượng từ 20-25 tấn sản phẩm giúp chủ nhân thu nhập trên 1 tỷ đồng.
Ông Ngô Văn Sơn (46 tuổi) là một trong những người trồng bưởi lâu năm ở vùng bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Nông dân này hiện chăm sóc vườn cây có diện tích trên 2 ha với khoảng 1.000 gốc bưởi.
Khu vườn do cha mẹ để lại nhưng trồng hoa màu không mang lại lợi nhuận nên ông Sơn quyết định chuyển đổi. "Năm 2000, từ một số cây bưởi ở cạnh nhà, tôi nhân giống rồi đem trồng trên toàn bộ diện tích. Đến nay, vườn cây bước vào năm thứ 16 và cho thu hoạch từ 20 đến 25 tấn trái mỗi năm",
nông dân 46 tuổi cho biết.
Theo ông, vườn hiện có 1,5 ha diện tích bưởi đường lá cam, trên 5.000 m2 trồng bưởi da xanh, bưởi ổi. Để nâng cao giá trị sản phẩm, người đàn ông 46 tuổi tìm về các nhà vườn ở miền Tây học cách tạo hình hồ lô, thỏi vàng cho trái.
Mùa vụ này, ông làm ra 500 quả bưởi in chữ tài lộc, thư pháp các loại, in hình bản đồ Việt Nam với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. "Các sản phẩm này phục vụ nhu cầu chơi Tết và khách hàng đã đặt tiền. Giá mỗi cặp bưởi in chữ Tài - Lộc là 2 triệu, bưởi hồ lô 1,6 triệu đồng/cặp. Riêng trái in bản đồ Việt Nam và đảo có giá 3 triệu đồng/cặp", ông chia sẻ.
Bước sang năm thứ 16 nên gốc bưởi to, chiều cao thân mỗi cây 4-7 m. Ông Sơn chọn hướng phát triển bưởi theo tiêu chuẩn VietGap và chỉ để cây cho thu hoạch mỗi năm một vụ. "Nhiều gia đình trong vùng chăm sóc để cây ra quả trái vụ nhưng tôi chỉ hướng đến vụ thu hoạch dịp Tết mỗi năm. Điều này giúp cây sinh trưởng tốt, chất lượng quả cao, sản phẩm bán vào dịp này cũng đạt giá cao", ông lý giải.
Cây phát triển lâu năm trong khi chủ vườn duy trì độ ẩm nên thân bưởi xuất hiện rêu và tầm gửi.
Cây hợp thổ nhưỡng trong khi chủ vườn chăm sóc theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap) nên cho quả nhiều. Ở vị trí thoáng, cây tốt có thể cho 300-500 trái, cây ít cũng khoảng 150-200 trái.
Nông dân 46 tuổi nói rằng những quả không được tạo hình đã được các thương lái trong và ngoài tỉnh đặt hàng. "Họ mua theo cây rồi đến hái bất kể ngày nào. Bưởi Tân Triều là đặc sản của Đồng Nai. Sản phẩm làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường nên chưa bao giờ bị ép giá", anh Sơn cho biết.
Theo chủ vườn, bưởi Tân Triều có vị ngọt thanh, múi mọng nước, xơ tép không đắng như loại khác.
Một thương lái ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) gom những quả bưởi đường lá cam vừa hái tại vườn nông dân Ngô Văn Sơn chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.
Chủ vườn cho biết mùa vụ năm nay, vườn cây cho thu hoạch ước 25 tấn trái. Với mức giá ổn định như hiện nay thì gia đình sẽ đạt lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.
Ở vùng bưởi Tân Triều, nông dân Ngô Văn Sơn là một trong những người chịu đầu tư, sắm sửa máy móc, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất. Ông sở hữu 2 máy múc, máy ủi và xe tải loại nhỏ phục vụ công việc.
Ông Ngô Văn Thân, Phó chủ nhiệm hợp tác xã bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), cho biết mùa vụ năm 2016, vườn bưởi của gia đình ông Sơn đạt sản lượng cao nhất của vùng. Nông dân Sơn tham gia chương trình VietGap và luôn sáng tạo trong cách tạo hình cho bưởi để nâng cao giá trị sản phẩm.
Hiện vùng bưởi Tân Triều có 20 hộ tham gia hợp tác xã này với tổng diện tích trên 22 ha.
Không bán được tại vườn, ông Sơn chở rau xuống TP.HCM. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều siêu thị lớn và hệ thống nhà hàng, khách sạn tại đây đã ăn "quen mùi rau sạch".
Một số trang trại cây ăn quả tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) chuyển sang trồng giống cam ruột đỏ Cara Cara gần đây và hốt bạc với loại quả này vì năng suất cao, khách ưa chuộng.