Người chăn nuôi bị “kìm kẹp”?
Ông Lương Hồng Đoán, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai)- chủ gia trại khoảng 100 con lợn cho biết, người chăn nuôi đang bị ép đủ điều, và lạc giữa các loại thuốc thú y, cám…
Tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu của nhóm Liên minh Nông nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi ngày 18/11, ông Đoán cho biết: Tại địa phương ông, trước đây có gần 100 hộ chăn nuôi lợn, nhưng 3 năm qua, chỉ còn 30 hộ nuôi. “Không nắm được cách tiêm phòng bệnh, chỉ qua một trận tai xanh là đi sạch, vốn không có nên không tái đàn được, nông dân lại đi làm thuê, trẻ thì đi làm công nhân”, ông Đoán nói.
Theo ông Đoán, giá cám của các công ty nước ngoài ở Việt Nam, chỉ có lên, không thấy xuống. Lúc giá ngô trong nước bán 6.900 đồng/kg, giá cám bán 12.000 đồng/kg, nhưng khi giá ngô còn 5.500 đồng, giá cám vẫn 12.000 đồng/kg. Ông Đoán nói: “Cám do nhà máy sản xuất, phân phối quyết định; lợn lại do thương lái quyết định. Người sản xuất không có cái quyền gì”.
Người chăn nuôi bị ép từ giá cám, thuốc thú y, đến cả đầu ra cũng do thương lái ép giá. |
Về cách mua của thương lái, ông Đoán cho biết: “Những trang trại lớn, họ mua giá heo 48.000-49.000 đồng/kg, còn trang trại nhỏ còn 46.000-47.000 đồng, nhưng giá heo đến nuôi nhỏ lẻ chỉ 44.000 đồng/kg thôi. Nếu cứ xu thế này, cá lớn nuốt cá bé, chăn nuôi nhỏ sẽ mất dần, và rồi phải đi làm thuê hết”, ông Đoán chua xót.
Ông lớn ngoại điều khiển thị trường
Câu chuyện ông Đoán là một trong những thực tế cho thấy người chăn nuôi đang đuối dần, trước sức ép từ những ông lớn chi phối. TS Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược NNNT miền Nam (SCAP)- chuyên gia nhóm Liên minh nông nghiệp cho rằng, thức ăn chăn nuôi (TACN) đang phụ thuộc rất lớn, vào các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thậm chí những ông lớn vốn ngoại đang có dấu hiệu độc quyền, làm giá các sản phẩm.
Theo ông Giáp, hiện cả nước có gần 240 nhà máy TACN, nhưng trong 3 năm lại đây, có 3-5 công ty FDI chiếm 35-50% thị phần trong nước. Ông lớn cho thị phần cao nhất hiện là công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (công ty CP) với gần 19,5 % trong tổng sản lượng bán ra thị trường. Tiếp đó, là công ty TNHH Cargill Việt Nam (công ty Cargill) hơn 8%; Proconco hơn 7,5%. Ngoài ra, còn một số nhà sản xuất có thị phần lớn là cám ANT, Greenfeed, Anco, Japfa.
Theo nhóm nghiên cứu, thị trường thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu bị điều khiển bởi một số công ty lớn. Các công ty TACN FDI chiếm thị phần lớn, tỷ lệ tập trung thị trường tăng trong các năm gần đây. Có hiện tượng liên kết định giá, các công ty nhỏ phải theo. Từ đó, các công ty TACN định giá cám cao hơn mức giá cạnh tranh, gây thiệt hại cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.
“Nhìn vào giá TACN trong 2 năm qua có xu hướng ổn định. Giá nguyên liệu giảm, nhưng giá TACN trong nước không giảm, điều này có sự điều khiển thị trường nào đó, có thể gây tổng thiệt hại xã hội hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Cần có biện pháp phá vỡ thế độc quyền và khả năng kiểm soát thị trường của một số công ty TACN, nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh trong thị trường này”, ông Giáp nói.
Ngoài ra, theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, khâu giết mổ đang “ăn” tới 40% trong chuỗi giá trị chăn nuôi, trong khi người nông dân chỉ nhận được 15%. Theo chuyên gia Lưu Bích Hồ, Nguyên viện trưởng Viện chiến lược Kế hoạch và Đầu tư, khâu trung gian trong chăn nuôi rất quan trọng “nhưng họ ăn nhiều quá”. “Nông dân bán ra với giá rẻ, nhưng đến tay của tiêu dùng thì đắt quá đáng. Quản lý nhà nước ở đâu trong chuỗi này”, ông Hồ nói.
“Cám do nhà máy sản xuất, phân phối quyết định; lợn lại do thương lái quyết định. Người sản xuất, không có cái quyền gì”.
Ông Lương Văn Đoán