Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nông dân Bình Định lỗ nặng vì nuôi dông

Giá dông giảm mạnh, không có đầu ra khiến nhiều người nuôi tự phát chịu lỗ nặng, buộc phải bán cầm chừng cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng lẻ tại địa phương.

Cách đây chừng 6 năm (năm 2008), hàng chục hộ dân ở xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đổ xô nuôi dông. Thời ấy, giá dông giống lên đến 450.000 - 500.000 đồng/kg, mặc dù vậy, nhiều người vẫn bỏ ra một khoản tiền lớn để nuôi động vật này. Đến nay, người nuôi dông lâm vào cảnh khóc dở vì không có đầu ra.

Nuôi dông từng được xem là hướng đi mới, giúp nông dân thoát nghèo bền vững.

Ông Lê Xuân (70 tuổi, thôn 9, xã Mỹ Thắng) than thở: “Xem tivi thấy người ta nói nuôi con dông trên cát hiệu quả cao nên đầu năm 2008, tôi chạy đi khắp nơi từ quỹ tín dụng ngân hàng đến người thân trong gia đình để vay, mượn gần 100 triệu đồng. Tôi đầu tư xây dựng 100m2 chuồng trại và mua 80kg dông giống (khoảng 1.200 con) thả nuôi.

Và sau gần 6 năm “ăn, ngủ cùng dông”, số tiền thu lại từ việc bán dông cũng chỉ vỏn vẹn hơn 10 triệu đồng, trong khi đó, chi phí thức ăn tôi đã bỏ ra gần 30 triệu đồng. Riêng đầu năm 2013 đến nay, gia đình tôi chỉ bỏ quán chừng vài kg dông thịt với giá 260 ngàn đồng/kg… Giờ chỉ còn biết nuôi cầm chừng chờ giá lên”.

Theo tìm hiểu chúng tôi, không riêng gì hộ ông Xuân ôm nợ vì con dông, các hộ ông Trần Văn Mí, Nguyễn Đỏ, Nguyễn Hòa Hiệp, Trần Sang, Trương Điều (thôn 9), hay hộ ông Trương Minh Sỹ (thôn 7), xã Mỹ Thắng, cũng đang ở trong tình cảnh tương tự, với số nợ do thua lỗ bình quân từ 20 - 40 triệu đồng.

“Gia đình tôi đã đầu tư 45 triệu đồng xây dựng 150m2 chuồng trại và mua 40kg con dống (khoảng 500 con) thả nuôi từ tháng 8/2009. Đến nay, dông đạt trọng lượng bình quân 0,2 - 0,3kg/con, đến ngày xuất bán nhưng không tìm được đầu ra nên đành bỏ dãi hoặc bắt đi bán lẻ cho các quán nhậu ở TP.Quy Nhơn”, ông Trần Văn Mí ngán ngẩm lắc đầu.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Xuân Vũ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ) cho rằng, trước khi tính đến phát triển trại nuôi dông, người dân cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường, đảm bảo nền tảng về vốn, giống, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm để tránh rủi ro, thiệt hại. Quan trọng nhất là phát triển nghề có định hướng, chọn lọc, để việc gây nuôi duy trì hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

“Do nhận thấy đầu ra của vật nuôi này rất mơ hồ nên địa phương không khuyến khích người dân phát triển. Và dù đã được khuyến cáo nhưng vẫn có khoảng 25 hộ dân bỏ tiền của, công sức để đầu tư gây nuôi theo kiểu tự phát nên dẫn tới gặp thua lỗ nặng”, ông Vũ cho biết thêm.

http://www.cand.com.vn/vi-VN/kinhte/2014/1/220337.cand

Theo Công an Nhân dân

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm