Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nón lá, khăn rằn giá nửa triệu đồng

Những vật dụng bình thường và đậm chất truyền thống Việt Nam như nón lá, nón ba tằm, mũ cối, khăn rằn…được rao bán trên mạng có giá cả triệu đồng.

Nón lá, khăn rằn giá nửa triệu đồng

Những vật dụng bình thường và đậm chất truyền thống Việt Nam như nón lá, nón ba tằm, mũ cối, khăn rằn…được rao bán trên mạng có giá cả triệu đồng.

Trên một số trang mua bán trực tuyến nước ngoài, nón lá Việt Nam được rao bán với giá gần 20 USD, tương đương khoảng 420.000 đồng/chiếc. Nhiều sản phẩm bình dân khác gắn với người dân Việt Nam như khăn rằn cũng được rao bán đầy rẫy trên các website thương mại điện tử nước ngoài với giá lên tới 32-40 USD cho một lố 5 chiếc, tương đương hơn 650.000 đồng đến khoảng 800.000 đồng. So với giá rao bán ở Việt Nam, các mặt hàng này đều đắt hơn khá nhiều.

Một số sản phẩm khác đậm chất Việt Nam như nón quai thao của những người hát quan họ, nón lá Huế… cũng xuất hiện nhan nhản trên thị trường mua bán online quốc tế. Giá một chiếc nón quai thao trên Amazon là 39 USD (tương đương 800.000 đồng), nhưng sau đó được giảm về 34 đôla Mỹ, cũng xấp xỉ 700.000 đồng. Mũ cối của bộ đội Việt Nam cũng được bán trên website này với giá lên tới xấp xỉ 30 USD, tương đương hơn 600.000 đồng.

 Chiếc nón quai thao, hay còn gọi là nón ba tằm của người hát quan họ Việt Nam xuất hiện trên mạng mua bán trực tuyến quốc tế với giá đã giảm là 34 USD, tương đương hơn 600.000 đồng. Giá gốc khi chưa giảm của sản phẩm này là 39 USD, tương đương gần 800.000 đồng.

Giá trị của việc quảng bá sản phẩm Việt Nam trên các website thương mại điện tử nước ngoài, theo lời những thành viên đưa sản phẩm lên mạng, không nằm ở số tiền, mà chủ yếu là để quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế. “Vừa rồi, có một mẩu tin rao sản phẩm dầu gió Cao Sao Vàng - loại dầu thông dụng ở thập niên 90 với giá bán 2 USD (khoảng hơn 40.000 đồng), mức giá ‘chát’ so với thực tế, nhưng được ủng hộ tương đối nhiều cho thấy sức hút của sản phẩm chủ yếu nằm ở chỗ gợi cho người mua bao nhiêu phần ấn tượng và kỷ niệm”, một thành viên trên diễn đàn mua sắm đưa ra bình luận.

Song theo lý giải của nhiều người kinh doanh đồ lưu niệm trên phố cổ Hà Nội, mức giá đội lên cả chục, thậm chí vài chục lần so với giá trị thực của những món hàng đậm chất Việt Nam bán cho khách nước ngoài trên các website nói trên không có gì là lạ. Thậm chí, ngay tại Việt Nam, với những du khách lần đầu tiên đặt chân tới Hà Nội, việc hét giá 10-15 USD cho mỗi chiếc nón lá hay vài chục đôla cho một chiếc khăn rằn, cả trăm USD cho bộ áo dài… là chuyện thường ngày.

Chị Ly- nhân viên bán hàng một shop hàng lưu niệm tại phố Hàng Khay cho biết, cửa hàng bán tranh là chính, giá mỗi bức từ 80 USD đến cả nghìn USD, nhưng cũng có một số mặt hàng handmade như đánh dấu sách (bookmark), đồ chơi gỗ. “Một chiếc bookmark đơn giản có chuồn chuồn vẽ bằng nhũ, nhìn đúng chất làm bằng tay cũng được rao bán với giá 5-10 USD (tương đương 100.000- hơn 200.000 đồng) mà vẫn có khá nhiều khách hỏi mua”, Ly kể. Cô nhân viên này còn tiết lộ thêm, có cửa hàng mua nón lá giá chỉ khoảng 10.000-15.000 đồng/chiếc, sau đó về thuê thêu mất khoảng 20.000 đồng/chiếc, nhưng khi bán ra lên tới trên dưới 200.000 đồng là chuyện không lạ ở khu vực phố cổ.

Còn theo quan điểm của chủ một shop lưu niệm khác là anh Huy, những du khách lần đầu đến Việt Nam thường không có hoặc có rất ít ý niệm về những món vật dụng truyền thống của đất nước, con người Việt. Do đó, việc phổ quát bằng cách tung những sản phẩm nói trên lên mạng trực tuyến quốc tế càng góp phần quảng bá mặt hàng này đến bạn bè quốc tế. “Một số người cho rằng giá đó quá cao và dường như là một kiểu ‘chặt chém’, song nếu lật ngược lại vấn đề và nghĩ rằng đó là cách để nâng giá trị một món hàng thuần Việt, thì hẳn sẽ có suy nghĩ khác”, anh Huy chia sẻ.

Mạnh Cường

Theo Infonet

 

Mạnh Cường

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm