Dịp lễ 2/9 năm nay kéo dài 4 ngày (từ 1/9 đến 4/9) khiến nhu cầu di chuyển của hành khách tăng cao. Từ giữa tháng 8, nhiều người đã lên kế hoạch đặt vé sớm để tránh tình trạng cháy vé, hoặc mua phải vé đắt.
"Cháy" vé xe
Gọi điện thông báo với gia đình sẽ về quê dịp lễ 2/9, Võ Thị Khánh (21 tuổi) muốn đặt xe từ huyện Diễn Châu, Nghệ An đến phố Chùa Láng, TP Hà Nội.
"Ngày thường giá vé đi từ Nghệ An đến Hà Nội chỉ mất tầm 310.000-350.000 đồng. Hôm qua gọi điện hỏi vé, tôi mới biết giá vé đã tăng gấp đôi mà còn không có chỗ đẹp. Mỗi xe cũng báo chỉ còn vài chỗ trống", Khánh than thở.
Khánh thường đặt xe giường nằm để tránh tình trạng nhồi nhét. Cô cho biết thường đặt vé dịp 2/9 từ trước vài tuần, và chọn nhà xe uy tín để tránh bị lừa mua vé giả hoặc phải chọn đi những khung giờ xấu.
Cao điểm lượng khách gia tăng đột biến là chiều 31/8, ngày 1/9 và ngày 4/9. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tương tự, Đoàn Minh Tú (25 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: "Các chỗ ngồi đẹp trong chiều 31/8 và 1/9 về quê tôi ở Bình Định đã bị đặt hết mất rồi. Bình thường, tôi tốn khoảng 260.000 đồng cho mỗi chuyến xe về quê, nhưng dịp lễ đến, giá vé tăng lên 450.000 đồng. Tôi tham khảo rất nhiều nhà xe mới kiếm được vé. Tầm này chỉ nên đặt online từ sớm mới có giá vé tốt", Tú tâm sự.
Tú cho biết không có ý định đi chơi xa dịp lễ. Bởi khi tìm kiếm giá vé máy bay, anh thấy mức giá trong dịp lễ rất đắt đỏ, tăng hơn 1-2 triệu đồng so với ngày thường.
Giá vé máy bay tăng 2-3 lần
Trao đổi với Zing, ông Trần Hoàng, đại diện Công ty CP Bến xe khách Hà Nội, cho hay nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong dịp 2/9, đặc biệt là các tuyến có địa điểm du lịch ở vùng núi và vùng biển phía bắc.
Cao điểm có lượng hành khách gia tăng đột biến như đi vào chiều 31/8 và ngày 1/9. Hành khách chủ yếu về vào ngày 4/9. Các ngày 2-3/9, cả lượng hành khách và xe thường giảm trên cả hai chiều đi và về.
Cụ thể, tại các Bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm dự kiến đón số lượng khách tăng 200-250%, ngày cao điểm đạt 300% so với ngày thường; ước tính cao nhất đạt 7.500-16.000 lượt khách/ngày.
Ông Hoàng cũng cho biết sẽ yêu cầu lái xe không ép khách để lấy tiền cao hơn giá vé quy định. Ngoài ra, các lái xe được yêu cầu không tranh giành khách dịp lễ, phát đủ vé xe.
Trong khi đó, các công ty vận tải đường sắt cũng tăng chuyến tàu để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp lễ.
Ông Lê Quang Tuấn (đại diện Công ty Vận tải Đường sắt TP.HCM) cho biết trong dịp vận tải cao điểm, công ty vẫn duy trì áp dụng chính sách giảm giá vé khứ hồi lượt về 5-7% và giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội.
Các hãng bay tăng chuyến nhưng vẫn ghi nhận mức vé tăng cao. Ảnh: Quốc Nam. |
Trong khi đó, đại diện Công ty Vận tải Đường sắt Hà Nội cho biết giá vé dịp 2/9 chỉ tương đương với giá vé trong hè 2022. Đối tượng khách đi tàu trong dịp lễ chủ yếu là về quê thăm gia đình, lượng khách du lịch chủ yếu là tuyến Hà Nội - Quảng Bình và Hà Nội - Sapa.
Các hãng máy bay cũng tăng chuyến nhưng vẫn ghi nhận mức giá tăng cao trong dịp lễ.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng bay sẽ cung ứng hơn 400.000 chỗ trên các đường bay nội địa do hãng khai thác trong giai đoạn 1-4/9, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019. Nhu cầu lớn vẫn tập trung trên các đường bay du lịch giữa Hà Nội, TP.HCM với Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt.
Bamboo Airways liên tục ghi nhận nhu cầu đặt vé tăng vọt của các hành khách. Hãng cũng chủ động tăng cường bay đêm trong giai đoạn cao điểm, để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân.
Theo khảo sát của Zing, giá vé máy bay dịp 2/9 chặng Hà Nội - TP.HCM dao động từ 3-3,7 triệu đồng. Mức giá này cao hơn ngày thường 1,3-2 triệu đồng.
Chặng TP.HCM - Đà Nẵng ghi nhận mức giá 3-3,2 triệu đồng (Vietjet Air), 3,5-4,1 triệu đồng (Vietnam Airlines), 3,7-4,2 triệu đồng (Bamboo Airways). So với thời điểm đầu tháng 8, giá vé đã tăng thêm khoảng 700.000 đồng.
Hành khách từ Hà Nội đi Đà Nẵng phải trả 2,6-2,9 triệu đồng nếu bay với Vietjet Air. Số tiền này là 3-3,6 triệu đồng nếu bay với Bamboo Airways và Vietnam Airlines.
Nếu bay đến Phú Quốc, hành khách khởi hành từ TP.HCM phải trả mức giá 2,6-3,2 triệu đồng ở tất cả hãng. Nếu đi từ Hà Nội, giá vé khứ hồi chặng này là 3-4,8 triệu đồng. Mức giá này đắt gấp đôi so với những ngày trước và sau lễ.
Cảnh giác khi mua vé
Trao đổi với Zing, đại diện Vietnam Airlines khuyến nghị khách hàng mua vé trên website, ứng dụng di động, các phòng vé, đại lý chính thức và yêu cầu lấy hoá đơn để không mua phải vé giả, vé bị nâng giá.
Để tiết kiệm thời gian làm thủ tục, hành khách nên làm thủ tục trước qua website, ứng dụng di động hoặc tại các quầy tự làm thủ tục (kiosk check-in) đặt ở sân bay Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.
Người dân nên có kế hoạch mua vé về quê sớm, phù hợp với lịch trình cá nhân của mình. Ảnh: Tuấn Anh. |
Trong khi đó, ông Trần Hoàng khuyên hành khách nên cân đối và sắp xếp kế hoạch về quê. Nên sắp xếp lịch trình và thời gian đặt vé xe cho mình.
"Hành khách nên hạn chế thời gian cao điểm dịp lễ 2/9, theo thông báo của công ty. Khi đến giờ cao điểm, việc phục vụ sẽ bị chậm hơn. Các bến cũng đông xe và nhiều hành khách dẫn đến khó khăn trong việc di chuyển và mua vé", đại diện Công ty Bến xe khách Hà Nội cho hay.