Chưa tới 8h sáng, bà Phạm Thị Lanh cùng ông Trần Văn Hẹn đã có mặt tại trụ sở Tỉnh ủy Thái Nguyên. Bà Lanh, ông Hẹn là đại diện cho 9 hộ gia đình ở tổ dân phố số 5, thị trấn Trại Cau (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) tới buổi tiếp dân định kỳ của tỉnh. Họ là những người chịu ảnh hưởng của việc lối đi chung bị lấn chiếm, khiến mọi sinh hoạt trở nên khó khăn, bất tiện suốt nhiều năm.
Với sự có mặt của người đứng đầu Tỉnh ủy, họ kỳ vọng sự việc được giải quyết.
Mòn mỏi đòi quyền lợi chính đáng
9 hộ gia đình ở tổ dân phố số 5, thị trấn Trại Cau, từ năm 2009 đã kiến nghị các cấp chính quyền giải quyết dứt điểm việc lấn chiếm lối đi chung của một hộ dân đầu ngõ. Họ chỉ mong muốn con đường thông thoáng ban đầu được trả lại, đảm bảo sinh hoạt bình thường.
Thế nhưng nguyện vọng chính đáng và tưởng chừng đơn giản ấy lại khiến 9 hộ dân nơi đây khổ sở, ròng rã theo đòi suốt 14 năm mà không có kết quả.
Sơ đồ thể hiện hành vi lấn chiếm của một hộ dân phía ngoài khiến lối đi chung của 9 hộ dân phía trong bị thu hẹp kín. Ảnh: Hoài Vũ. |
Giọng run run, bà Phạm Thị Lanh kể ngõ nhỏ ở tổ dân phố số 5, thị trấn Trại Cau có 9 hộ dân ở bên trong nhưng bị gia đình bà Đoàn Thị Huyền, ông Lê Văn Doanh ở phía ngoài cơi nới, xây dựng công trình. Con đường vào ngõ vốn nhỏ hẹp, từ khi bị lấn chiếm lại càng khiến việc đi lại khó khăn.
"Mỗi khi các hộ dân phía trong có ma chay, hiếu hỉ đều vô cùng khổ sở. Chúng tôi yêu cầu người vi phạm tháo dỡ phần cơi nới nhưng họ chây ỳ, thậm chí có thái độ thách thức. Mòn mỏi kiến nghị khắp nơi trong suốt thời gian dài, vi phạm vẫn không được giải quyết", bà Lanh nói.
14 năm bền bỉ “đòi đường” là 14 năm thất vọng vì vụ việc không được giải quyết, người dân nơi đây “không biết bấu víu vào đâu”.
“Những người già thời đó đòi đường giờ đã chết hết rồi, chỉ còn tôi và vài người lớn tuổi được các hộ dân cử làm đại diện đi đòi quyền lợi", bà Lanh chua xót.
Ròng rã đi gõ cửa nhiều cơ quan chức năng hơn một thập kỷ, bà Lanh cho biết nhiều lúc uất ức, bật khóc vì không được tiếp, khi đến nơi còn nhận được thông báo lạnh lùng "đã hết giờ tiếp dân".
Bà Phạm Thị Lanh đại diện 9 hộ dân tổ dân phố số 5, thị trấn Trại Cau. Ảnh: Hoài Vũ. |
Trong suốt 2 giờ của buổi tiếp dân ngày 17/3, đại diện sở, ban, ngành của tỉnh Thái Nguyên lần lượt báo cáo quy trình giải quyết sự việc. Các bên thừa nhận sự thiếu chặt chẽ và thiếu kiên quyết trong xử lý sai phạm của một gia đình khiến 9 hộ dân chịu thiệt thòi nhiều năm.
Phó chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau Đào Thị Thanh Vân nhận lỗi vụ việc kéo dài rất lâu do địa phương chưa chặt chẽ trong giao đất và quản lý, xử lý vi phạm chưa dứt điểm, tham mưu cho huyện chưa đúng, chưa trúng.
Cam kết tháng 10 đầu tư cho dân con đường đẹp hơn
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên Vũ Thị Lệ Hằng cho biết năm 2009, vi phạm trong vụ việc này được phát hiện nhưng các cơ quan không xử phạt vi phạm hành chính nên giờ đã hết thời hiệu.
"Theo luật, vẫn có thể buộc hộ gia đình vi phạm tháo dỡ phần công trình xây dựng trái phép lấn", bà Lệ nêu giải pháp.
Để giải quyết vụ việc, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết có 2 phương án. Một là để lại nguyên trạng con đường và xử lý cơi nới lấn chiếm lối đi chung để hộ dân bên trong đi lại thuận lợi hơn. Hai là huyện Đồng Hỷ bỏ vốn đầu tư công để xây dựng con đường mới rộng hơn để tạo điều kiện cho các hộ dân bị ảnh hưởng có công trình hạ tầng tốt hơn.
Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ Vũ Quang Dũng đề xuất phương án giao UBND huyện Đồng Hỷ lập hồ sơ thực hiện đầu tư đồng bộ hạ tầng khu vực này để dân hưởng lợi.
Theo đó, 9 hộ dân nơi đây sẽ có một con đường mới rộng 9,5 m được xây dựng theo phương thức đầu tư công, dùng ngân sách của huyện. Công trình được cam kết hoàn thành vào tháng 10/2022.
Ông cũng vận động người dân tự giác thực hiện theo đúng các quy định, tháo dỡ phần mái vẩy, mái che để tạo điều kiện xây dựng đường rộng 9,5 m khang trang, sạch đẹp.
Đồng tình với phương án này, đại diện các hộ dân có khiếu nại chia sẻ bà con đều mong có đường rộng, đường đẹp. Nếu chính quyền thực hiện đúng, người dân sẵn sàng phối hợp thực hiện.
Sau buổi tiếp dân, người dân cảm ơn Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải và Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ Vũ Quang Dũng. Ảnh: Hoài Vũ. |
Không hài lòng vì việc bức xúc kéo dài, Bí thư Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải giao UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Đồng Hỷ và cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết dứt điểm ở tổ dân phố số 5, thị trấn Trại Cau. Bà đồng thời yêu cầu rà soát lại quy hoạch và công tác quản lý đất đai, xây dựng kế hoạch, phương án để đáp ứng nguyện vọng của người dân. Việc này phải hoàn thành trước 1/11.
“Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cam kết đến tháng 10 thì mong người dân cố gắng chờ đợi thêm. Nếu không thấy động tĩnh gì, bà con cứ nhắn tin để tôi đôn đốc”, Bí thư Nguyễn Thanh Hải cam kết.
Từ sự việc này, bà Hải chỉ ra sự bất hợp lý khi có những việc không quá phức tạp nhưng cứ phải trực tiếp bí thư, chủ tịch tỉnh ngồi mới giải quyết được. Người đứng đầu Tỉnh ủy Thái Nguyên yêu cầu có sự phối hợp tốt hơn, chặt chẽ hơn giữa cấp cơ sở trong giải quyết khiếu nại của người dân, không để các vụ việc kéo dài, dẫn đến bức xúc.
"Cán bộ cơ sở phải nắm vững địa bàn, cán bộ nào không sâu sát với người dân thì cần xử lý", bà Hải nói.
Từ kinh nghiệm làm công tác dân nguyện, khi về nhận nhiệm vụ tại Thái Nguyên, bà Nguyễn Thanh Hải dành mỗi tháng một ngày cho để tiếp công dân, xử lý bức xúc, kiến nghị của người dân. Gần hai năm qua, bà đã có 22 buổi tiếp dân và hầu hết vụ việc được tháo gỡ sau mỗi lần như vậy. Lịch tiếp công dân của Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo địa phương này được công khai thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 13/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại (từ 1/7/2016 đến 1/7/2021) nhận định việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các cấp đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác xử lý vụ việc bức xúc vẫn còn một số hạn chế; tình trạng khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền diễn ra còn khá phổ biến.