Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi tủi thân của sao Việt xa nhà

Khánh Thi chia sẻ cô từng có 8 năm ăn Tết ở xứ người trong tâm trạng vui buồn lẫn lộn, khó tả.

Nỗi tủi thân của sao Việt xa nhà

Khánh Thi chia sẻ cô từng có 8 năm ăn Tết ở xứ người trong tâm trạng vui buồn lẫn lộn, khó tả.

Tết là dịp để mọi người quây quần bên gia đình. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà không ít sao Việt đã phải đón năm mới cổ truyền nơi đất khách quê người.

Kiện tướng dancesport Khánh Thi: 8 năm ăn Tết trời Tây

Tôi đã từng có 8 năm du học ở châu Âu, đồng nghĩa với 8 cái Tết xa quê. Vì ở bên đó người ta chỉ đón Tết dương, nên dịp này tất cả mọi người vẫn đi học, đi làm như bình thường. Cuộc sống xung quanh cũng không có gì thay đổi. Thậm chí, có những năm đến sát ngày giao thừa mà vẫn phải đi thi. Thế nên đôi lúc cũng tính thu xếp về nhà ăn Tết mà không được.

Mặc dù vậy thì tôi và bạn bè cũng cố gắng chuẩn để đón một cái Tết tốt nhất có thể. Có những năm, bố mẹ gửi sang cho vài chiếc bánh chưng. Năm nào không có thì lại chạy sang khu người Hoa để mua. Có năm, mẹ tôi còn gửi cho 1 cái đĩa thu tiếng pháo, đến lúc ăn bánh chưng thì bật lên cho rộn rã, nghe mà tâm trạng vui buồn lẫn lộn, khó tả lắm.

Vì ở bên này lệch giờ so với Việt Nam, vậy nên toàn phải thức để canh đúng 12h còn thắp hương. Tính tôi vốn giống mẹ, những gì thuộc về truyền thống thì không thể bỏ qua. Cũng làm một mâm cơm cúng có gà, có bánh như ai. Rồi sau đó gọi điện về nhà chúc Tết bố mẹ, họ hàng hết một lượt. Mẹ tôi tâm lý lắm, Tết năm nào cũng gửi lì xì sang. Ngày đó mọi người chỉ mừng khoảng 50.000-100.000 đồng thôi. Quy ra thì được khoảng 20-30 euro. Không nhiều nhưng lại mang một ý nghĩa tinh thần rất lớn.

Dù đã có 8 năm đón Tết như vậy, thế nhưng lần nào tôi cũng cảm thấy nôn nao như lần nào. Chỉ muốn được về nhà xum vầy bên gia đình, được ăn miếng bánh chưng, được cùng mọi người nâng ly chúc phúc nhau trong những khoảnh khắc linh thiêng ấy.

Ca sĩ Quang Hà: Chỉ một lần duy nhất

Năm 2010, tôi có đi lưu diễn ở Mỹ vào đêm giao thừa. Thực ra khi nhận show đã biết là sẽ bị trùng vào đúng thời khắc trọng đại ấy, thế nhưng chẳng hiểu sao khi đó tôi lại nghĩ thử một lần ăn Tết xa quê xem sao. Thế rồi, trước đêm diễn có được vài ba ngày rảnh rỗi, lên mạng xem báo đọc tin, cập nhật không khí đón Tết ở Việt Nam mà cảm thấy háo hức không thể tả được, chỉ muốn về ngay thôi.

Thực ra, đêm diễn đó cũng rất đáng nhớ. Vì lệch múi giờ nên mọi người đều cố chờ cho đúng đến thời khắc giao thừa ở Việt Nam mới chúc tụng nhau. Rồi khi tôi hát những bài về quê hương, về Tết, ai nấy cũng đều rưng rưng xúc động. Có không ít người còn khóc. Rồi họ cũng chia sẻ với tôi nhiều điều, còn lì xì cho tôi nữa. Tuy nhiên, sau khi đêm diễn kết thúc, đến lượt tôi lại thấy nhớ nhà, nôn nao kinh khủng.

Cũng may, tôi chỉ diễn có đêm đó, đến mùng 1 là đã bay về Việt Nam rồi. Vì tôi vốn là người duy tâm, giao thừa năm nào cũng phải làm mâm cơm cúng ở nhà, sau đó đi chùa cầu may. Thế nên lần đi ấy cũng thấy áy náy lắm. Vừa về đến nhà là sáng mùng 2, tôi đã tranh thủ đi chùa ngay.

Năm nay, lại có người mời tôi đi Đan Mạch diễn đúng những ngày Tết. Thế nhưng tôi từ chối ngay. Từ giờ trở đi, tôi sẽ chỉ diễn trước hoặc sau Tết thôi.

Ca sĩ Đức Tuấn: Không ngại diễn Tết nơi xứ người

Cách đây chừng 3-4 năm, tôi đi Pháp theo một tour do Sở VHTT TP.HCM tổ chức để phục vụ kiều bào nơi đây. Tour lần đó kéo dài 10 ngày, được diễn ra ở những thành phố lớn như Paris, Marseille... Năm ấy, cả đoàn bắt đầu khởi hành tại Việt Nam từ ngày mùng 3 để có thể thu xếp ngày diễn vào cuối tuần, tiện cho bà con thưởng thức, bởi mọi người đâu có được nghỉ Tết như ở Việt Nam.

Với tôi, đó thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ. Được quây quần bên những người đồng hương nơi đất khách trong ngày Tết, được chúc tụng nhau, được tham gia nhiều hoạt động, tôi thấy vui lắm. Đáng nhớ nhất là đến xem đoàn biểu diễn còn có những người dù không giống người Việt chút nào, nhưng lại nói tiếng Việt cực sõi. Hỏi ra mới biết họ cũng có nguồn gốc Việt Nam nhưng do gia đình đã định cư tại Pháp từ rất lâu, trải qua nhiều thế hệ nên mới như thế.

Ngoài ra, chương trình còn thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân bản địa. Họ đến xem và cổ vũ nhiệt tình lắm. Đặc biệt là những tiết mục dân gian truyền thống, họ rất thích.

Nếu như sau này lại có một lời mời đi lưu diễn Tết, kể cả vào đêm giao thừa, tôi cũng sẽ đồng ý ngay. Bởi có đi rồi mới thấy, bà con Việt kiều rất ít cơ hội được thưởng thức văn nghệ quê nhà vào dịp trọng đại này. Hơn thế nữa, tôi là một ca sĩ, do đó việc chia sẻ, và đặc biệt là bù đắp cho mọi người cũng là việc nên làm.

Ca sĩ, diễn viên Nhật Kim Anh: Tủi thân khi hát xa nhà

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết đến là tôi phải đi diễn rất nhiều nơi, ở trong cũng như ngoài nước. Được đem lời ca tiếng hát đến tất cả mọi người và “đắt show” trong dịp lễ Tết là niềm vui, hạnh phúc rất lớn đối với người ca sĩ.

Tuy nhiên, cứ mỗi lần đi lưu diễn ở nước ngoài vào dịp này là tôi thấy chạnh lòng. Bởi lẽ lúc đứng trên sân khấu, nhìn phía dưới khán giả, thấy gia đình người ta nắm tay nhau đi xem hát thì lúc đó cảm giác nhớ quê hương, nhớ gia đình lại đến. Nhớ lắm ba mẹ, nhớ những người thân, bạn bè và những món ăn của quê hương mình. Mỗi lần như thế là tôi muốn bay về nhà ngay để được quay quần bên gia đình.

Nhưng đó chỉ là ước mơ thôi, đã là ca sĩ thì phải hết lòng phục vụ cho khán giả. Và tôi cũng cảm thấy hạnh phúc, được an ủi phần nào khi khán giả vẫn luôn bên cạnh, lắng nghe và ủng hộ cho tôi. Khán giả là đại gia đình của mình, dù đi đến đâu thì gia đình ấy vẫn luôn bên cạnh. Nghĩ như vậy thì sẽ không còn thấy cô đơn và chạnh lòng nữa.

Năm nay có lẽ may mắn hơn những năm trước. Tết dương lịch cách tết âm lịch của mình đến hơn một tháng, vì vậy sau chuyến lưu diễn ở Mỹ nhân dịp Tết dương lịch thì tôi kịp bay về để đón tết cổ truyền củng với gia đình.

Theo Vietnamnet

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm