Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, ngày 7/4, chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và 6 khu vực khác để ngăn chặn sự leo thang của dịch bệnh.
Theo đó, Thủ tướng Shinzo Abe khuyến cáo các công ty cho phép nhân viên tạm nghỉ và làm việc tại nhà để đạt mục tiêu giảm thiểu 70% số lượng người ra đường.
Tình trạng này sẽ tác động đến cuộc sống của hơn 40% dân số Nhật Bản. Nhiều người cho biết họ cảm thấy sức khỏe tinh thần của họ bị ảnh hưởng khi làm việc từ xa, theo SCMP.
Nhật Bản nỗ lực giảm thiểu số lượng người ra đường trong tình hình dịch bệnh căng thẳng. Ảnh: SCMP. |
Giảm bớt gánh nặng di chuyển
Mặc dù đã có sự chuyển biến rõ rệt về số lượng người sử dụng phương tiện giao thông công cộng vào cuối tuần trước, nhưng con số vẫn chưa đạt đến mức giảm 70% như mong đợi.
Theo thống kê ở Yokohama và một phần của Osaka, số hành khách dùng phương tiện công cộng đã giảm khoảng 40%, nhưng ở trung tâm Kobe chỉ giảm 15% và 7,7% ở quận Urawa, tỉnh Saitama, nằm ở phía bắc Tokyo.
Shino Naito, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Lao động Nhật Bản, cho hay sẽ mất một ít thời gian để các công ty hiểu được khái niệm làm việc từ xa. Tuy nhiên, khi nhìn thấy những mặt tích cực của việc này, họ sẽ nhanh chóng bắt tay thực hiện.
Chính sách này cũng giúp các chủ doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng kinh tế trong mùa dịch, đặc biệt là chi phí vận hành khi họ không cần phải trả phí đi lại cho nhân viên. Bên cạnh đó, khi số lượng nhân viên làm việc tại trụ sở ít đi thì không cần phải tốn ngân sách vào phí thuê mặt bằng đắt đỏ.
“Thông thường, những người chủ đã quen với khái niệm làm việc là một điều gì đó chỉ xảy ra khi nhân viên của họ đến công ty và làm công việc của họ trong nhiều giờ kể cả phải làm thêm giờ. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi, nhiều người vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình mà không cần phải đến văn phòng”, Naito nói với SCMP.
Naito nói thêm làm việc tại nhà sẽ hỗ trợ người khuyết tật, những người phải chăm sóc bố mẹ già hoặc con cái và sống ở vùng sâu vùng xa của đất nước. Điều đó giúp giải quyết một số vấn đề liên quan đến việc thu hẹp lực lượng lao động và dân số già.
Keisuke Obata (49 tuổi, sống ở miền nam Yokohama), hiện làm việc cho một công ty con của tập đoàn Mitsubishi, cho biết anh đã không đến văn phòng suốt 2 tuần nay. Điều này khiến anh cảm thấy bớt nặng nề hơn khi tránh được hành trình 90 phút vào mỗi buổi sáng.
“Bây giờ, chỉ cần bước xuống cầu thang là tôi có thể bắt đầu một ngày mới. Vì vậy, tôi thấy mình có nhiều năng lượng hơn so với khi phải chạy khắp Tokyo để đến nơi làm việc”, Obata chia sẻ.
Obata cho biết thêm ngoài giờ làm việc, anh có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Để công việc tại nhà diễn ra suôn sẻ, Obata đã học cách dùng các nền tảng công nghệ, điều chỉnh cách làm việc để không bỏ lỡ bất kỳ cuộc họp nào với đồng nghiệp hay khách hàng.
Làm việc tại nhà cũng tạo ra những áp lực khác với người lao động. Ảnh: The world news. |
Chỉ quen làm việc kiểu truyền thống
Tuy nhiên, làm việc tại nhà cũng tồn tại một số nhược điểm nhất định. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Keio (Tokyo) cho thấy gần 40% người dân cho biết sức khỏe tinh thần của họ bị ảnh hưởng rõ rệt khi làm việc từ xa.
Ngoài ra, một giáo sư tại Đại học Tokyo cũng chỉ ra rằng các bài đăng trên Twitter có chứa các từ tiếng Nhật liên quan đến “căng thẳng”, “kiệt sức” đã gia tăng đáng kể. Những cụm từ như “chán nản”, “mệt mỏi vì virus corona” cũng có xu hướng tăng cao.
Người Nhật Bản có thói quen làm việc chăm chỉ mọi lúc mọi nơi, nhưng nếu vừa phải làm việc vừa phải trông con thì họ không thể tập trung tối đa vào công việc, dẫn đến họ sẽ phải thức suốt đêm để hoàn thành mọi thứ.
“Nhiều chủ doanh nghiệp có xu hướng đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên dựa trên thời lượng họ ở văn phòng. Nếu điều đó không còn nữa, làm thế nào để họ xác định hiệu suất làm việc của một người?”, Shino Naito đặt nghi vấn.
Đây cũng là điểm yếu đã lộ ra trong dịch bệnh: người dân đất nước nổi tiếng nghiện việc này bị đóng khuôn với cách thức làm việc truyền thống.
Chẳng hạn, máy fax vẫn là vật cố định trong nhiều văn phòng và mọi người vẫn sử dụng tem của công ty thay cho con dấu phê duyệt mang tính bảo mật đối với các tài liệu quan trọng.
Rochelle Kopp là một nhà tư vấn kinh doanh của Công ty tư vấn đa văn hóa Nhật Bản. Với kinh nghiệm làm việc với cả Nhật Bản và Mỹ trong hơn ba thập kỷ, ông cho rằng các công ty Nhật Bản đã không đầu tư đủ nguồn lực công nghệ thông tin để làm điều tương tự.
“Nhiều nhân viên không có máy tính xách tay để mang về nhà, các công ty không có mạng riêng ảo (VPN) hoặc khả năng truy cập từ xa vào máy chủ, có nghĩa là mọi thứ chỉ có thể được truy cập trực tiếp tại văn phòng”, Kopp nói.
Để giải quyết vấn đề này, các công ty cần phải thiết lập các hệ thống để hỗ trợ nhân viên làm việc từ xa. Trong đó, phải đảm bảo giới hạn thời gian làm việc và thực hiện các biện pháp để nhân viên không bị ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.