Đêm thế kỷ trước
Những năm khoảng 1985, đồng bào Mông ở phía bắc bắt đầu có cuộc di dân lịch sử theo đường biên tìm về Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa với khoảng 196km đường biên giới giáp tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào.
Những ngày ở xã Pù Nhi (huyện Mường Lát) chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện của đồng bào người Mông nơi đây. Pù Nhi có 13 bản là người Mông nhưng đông nhất là Cá Nọi, Cơm, Hua Pù. Trước đây ở vùng đất này rừng núi còn hoang sơ, người thưa thớt nên ít bị tác động của bàn tay con người.
Xưa kia cây thuốc phiện vẫn được trồng lén lút trên những đỉnh núi mù sương. |
Trong các cuộc di dân tự do của người Mông dai dẳng mãi tới tận 1990. Với người Mông họ xem đây là nơi có thể phá rừng làm rẫy, trồng thuốc phiện và người nghiện thì không thể đếm xuể. Ngày đó, nơi đây được người ta gọi là “thủ phủ” thuốc phiện.
Khi có chủ trương của nhà nước về việc phá cây thuốc phiện chuyển sang trồng các cây nông lâm nghiệp. Với mục tiêu đưa nơi đây thoát khỏi “thảm cảnh” thuốc phiện cho đồng bào, ông Lương Văn Xích Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, cho biết khoảng đầu năm 1993, ở vùng đất này người ta trồng thuốc phiện như trồng ngô, trồng lúa bây giờ. Việc phá bỏ thứ cây tập tục của người dân là vô cùng khó khăn.
Hàng năm, cứ vào mùa giáp tết người dân nơi đây từ già đến trẻ nhỏ lại dắt díu nhau vào rừng phá rẫy trồng thuốc phiện. Mỗi lần đi từ một tuần tới 10 ngày mới trở về bản và liên tục như vậy khoảng một tháng thì quay lại đốt chụi chờ mưa và gieo hạt hoa anh túc.
Anh Lường Văn Tho (bản Hua Pù) người xưa kia cũng đã từng theo cha vào rừng sâu đốt nương trồng cây hoa anh túc. Tho kể, vào đầu tháng hai, tháng 3 âm lịch đồng bào ta sẽ đi thu hoạch nhựa từ quả thuốc phiện sau đó đổ vào bát nhỏ phơi dưới trời nắng khoảng 3 đến 4 ngày cho nhựa cô cứng, sau đó bán cho con buôn.
Lúc này bọn tư thương từ khắp mọi nơi lặn lội về đến tận rẫy của bà con để mua thuốc, thậm chí trầu trực cả chục ngày trời để gom hàng mang đi những nơi khác bán hoặc sơ chế rồi quay lại bán cho đồng bào.
Chỉ tay về bãi ngô xưa kia là bãi trồng cây thuốc phiện xanh dì, Tho bảo: “Xưa hoa anh túc tràn từ đỉnh trời xuống tận sát các sông suối, mặc dù trồng ở dưới không cho nhựa nhiều nhưng họ vẫn trồng. Lúc đó trên mỗi quả đồi, thậm chí sau mỗi nóc nhà ngập tràn hoa anh túc, còn người nghiện thì không thể thống kể hết”.
‘Giải cứu’ đồng bào
Quả thật, với tôi câu chuyện về trồng hoa anh túc và đồng bào bị đầu độc bởi thuốc phiện đã tự đưa họ vào những “đêm trường” ma túy. Những người đứng ngoài cuộc như chúng tôi không thể tin nổi ở thời điểm đó họ lại có thể phá bỏ được cây hoa anh túc này.
Một góc trung tâm xã Pù Nhi từng được cho là “thủ phủ” thuốc phiện. |
Chủ trương phá bỏ cây thuốc phiện vào năm 1993 đã đem đến “luồng gió” mới cho vùng đất miền rừng. Cuộc chiến với thuốc phiện diễn ra gian nan hơn nhiều.
Ông Lương Văn Xích nhắc lại lời của nguyên Chủ tịch UBND xã Pù Nhi lúc bấy giờ là anh Thao Văn Lênh: “Với tôi cuộc chiến dẹp bỏ cây thuốc phiện mất nhiều công sức, sức khỏe hơn cả những năm tháng chiến đấu với giặc Mỹ, không làm không được, không thuyết phục được đồng bào trồng cây thuốc phiện thì mình có lỗi với đồng bào dân tộc mình, vì thế cứ phải kiên quyết làm đến cùng”.
Anh Xích bảo, lúc đó mình đang còn nhỏ nhưng khi nghe cán bộ khuyên bỏ cây thuốc phiện thì mới no cái bụng được, vậy mà dần dần đồng bào ta cũng đã bỏ thói quen trồng cây thuốc phiện.
Chỉ thị 06 về xóa bỏ cây thuốc phiện thực sự đã đem lại sắc thái mới cho đồng bào và “giải cứu” đồng bào thoát khỏi những “đêm trường” của thuốc phiện.
Bạt ngàn núi rừng. |
Theo ông Xích, đến nay nhiều bà con đã có xe máy đi, biết trồng ngô sắn, đưa con đến trường. Biết rằng khó khăn ở vùng đất này vẫn cần sự đầu tư của nhà nước nhiều hơn nữa.
Bên cạnh đó việc mở rộng đường và cây cầu mới bắc sông nối giữa Quốc lộ 15A với các bản trong xã sẽ là cơ hội đưa đồng bào thoát nghèo.