Cảnh sát Mexico bắt Guzman sau hơn 13 năm hắn vượt ngục. Ảnh: AP |
Ngày 11/7, ông trùm Joaquin "El Chapo" Guzman trốn khỏi Altiplano, nhà tù an ninh nghiêm ngặt nhất Mexico. Đây là lần thứ 2 hắn vượt ngục, theo CNN.
Năm 2001, Guzman tẩu thoát từ một nhà tù an ninh cẩn mật nhờ trốn trong xe chở quần áo đến chỗ giặt. Cảnh sát mất tới 14 năm để bắt hắn.
Sau vụ vượt ngục táo tợn của trùm ma túy, cảnh sát Mexico tuyên bố, Guzman đào tẩu thông qua hệ thống hầm ngầm chằng chịt dưới lòng đất. Nhiều người nghi ngờ, một số cảnh sát và nhân viên nhà tù tiếp tay cho hắn.
Theo tác giả người Mỹ Don Winslow, El Chapo không "bỏ trốn". Hắn chỉ "rời khách sạn, thanh toán các hóa đơn bằng cách hối lộ, đe dọa và tống tiền".
"El Chapo có thể đã hối lộ các quan chức cấp cao Mexico. Họ muốn hắn chạy trốn trên các vùng núi ở bang Sinaloa hoặc Durango thay vì dẫn độ sang Mỹ", ông phỏng đoán.
Mỹ và Mexico ký hiệp ước dẫn độ ngày 11/11/1861 tại Mexico City. Tháng 12/2006, Felipe Calderón nhậm chức tổng thống và thi hành một loạt biện pháp cứng rắn nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống tội phạm ma túy.
Năm 2008, chính phủ Mexico dẫn độ 95 nghi can sang Mỹ, số lượng lớn nhất đến thời điểm đó. Năm 2009, con số này vượt mức 100 người, cho thấy sự cải thiện trong quan hệ hợp tác giữa 2 nước. Đây cũng là nỗ lực khẩn cấp nhằm giảm ảnh hưởng của những tên tội phạm cầm đầu các băng đảng lớn đối với hệ thống nhà tù tại Mexico.
Tháng 1/2007, cảnh sát dẫn độ ông trùm băng Gulf, Osiel Cardenas, sang thành phố Houston, bang Texas, Mỹ. Ảnh: AP |
Dẫn độ sang Mỹ trở thành nỗi sợ hãi lớn nhất của tất cả trùm ma túy Mexico bởi trước Tòa án Liên bang, họ gần như chắc chắn nhận án tù từ 15 năm đến chung thân.
Các ông trùm phải thi hành án trong những nhà tù với sự kiểm soát an ninh tối đa. Kết cục của kẻ buôn ma túy là những năm tháng sống trong phòng giam khắc nghiệt, tập thể dục một tiếng mỗi ngày dưới sự giám sát nghiêm ngặt của nhân viên trại giam và chỉ tắm 3 lần mỗi tuần.
Các tổ chức buôn bán ma túy ở Mexico thường thao túng cả hệ thống nhà tù trong nước. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của các băng đảng chưa thể vươn sang nhà giam ở Mỹ. Một khi bị dẫn độ sang Mỹ, họ không thể dễ dàng liên lạc với thế giới bên ngoài và rất ít tội phạm có thể trốn khỏi nhà tù liên bang.
Đó là lý do các ông trùm ma túy Mexico tìm cách chống lại lệnh dẫn độ. Họ biết rằng một khi băng qua biên giới trong xiềng xích, mọi chuyện sẽ kết thúc.
Cảnh sát Mexico bắt giam Guzman 2 lần. Nhưng ông trùm chưa từng bị dẫn độ. Những kẻ phải chịu kết cục này là kẻ thù của hắn - người cầm đầu băng đảng Gulf, Osiel Cardenas, hay Benjamin Arellano Felix, ông trùm băng Tijuana. Chúng đang trải qua phần đời còn lại trong trại giam ở bang Texas và Colorado vì các công tố viên Mỹ, chính phủ Mexico cùng Guzman muốn vậy.
Guzman tiếp quản Gulf và Tijuana. Hắn sử dụng quyền lực, các mối quan hệ để thúc đẩy quá trình dẫn độ 2 đối thủ sang Mỹ, đồng thời giúp bản thân có thể lưu lại Mexico, chờ thời cơ và cuối cùng, vượt ngục thành công lần thứ 2 trong vòng 14 năm.