Thiết bị chuyên dụng đưa các thợ mỏ mắc kẹt rời khỏi nơi trú ẩn. Ảnh: NYtimes |
Có tới 1 tỷ người trên trái đất dõi theo vụ giải cứu các thợ mỏ ở Chile năm 2010. Cả thế giới sửng sốt khi biết họ còn sống sau 17 ngày mắc kẹt ở độ sâu 600 m và vui mừng phấn khích khi từng người được đưa khỏi lòng đất trong 7 tuần sau đó. Tuy nhiên, bốn năm sau vụ giải cứu đi vào lịch sử nhân loại, hầu hết các thợ mỏ trong vụ sập hầm ở Chile vẫn phải điều trị tâm lý và vật lộn kiếm sống hàng ngày.
Theo BBC, cho tới đầu năm 2014, 33 thợ mỏ mắc kẹt vẫn chưa nhận được một đồng tiền bồi thường từ chủ sở hữu khu mỏ bị sập. Họ còn lâm vào tình trạng sợ bóng tối. Thậm chí, một thợ mỏ phải thường xuyên điều trị ở bệnh viện tâm thần tại thủ đô Santiago, Chile, trong khi ít nhất hai người lâm vào tình trạng nghiện rượu.
Carlos Barrios, một trong 33 thợ mỏ mắc kẹt, kể lại: "Tôi sống ổn trong hai năm đầu tiên sau sự cố. Tôi chẳng gặp phải vấn đề gì. Tôi có một công việc tốt và cũng đủ thời gian rảnh rỗi để chơi đá bóng nhưng bỗng nhiên mọi việc thay đổi chóng mặt. Tôi phải gặp bác sĩ tâm thần và cô ấy cho tôi uống thuốc. Giờ tôi bị phụ thuộc vào chúng".
Vấn đề của Barrios khiến anh phải nghỉ việc ở khu hầm mỏ lớn nhất Chile. "Tôi hay gặp ác mộng và rất sợ bóng tối. Tôi có một cô con gái nhỏ nhưng không thể ngủ cùng giường với nó và vợ bởi những cơn ác mộng có thể khiến tôi mắng mỏ và đánh đập chính đứa con yêu dấu của mình", chàng thợ mỏ thoát chết năm 27 tuổi chia sẻ.
Omar Reygadas là thợ mỏ lớn tuổi nhất trong số những người mắc kẹt. Ông cũng chỉ có việc làm hai năm sau khi thoát chết thần kỳ. Trong tháng 12/2013, thợ mỏ ngấp nghé tuổi 60 cho biết người ta không nhận ông vào làm việc. Chính sự nổi tiếng đang lấy đi cơ hội làm việc của các thợ mỏ từng bị mắc kẹt như ông.
"Chúng tôi trở nên nổi tiếng sau vụ giải cứu thần kỳ. Các hãng thông tấn và nhân viên chính phủ liên lạc với chúng tôi. Vì thế, họ sợ nếu chúng tôi làm việc cho công ty và nhìn thấy những điều bất cập, chúng bị phanh phui. Đó là lý do vì sao người ta luôn từ chối chúng tôi", ông Reygadas cho biết.
Người hùng Mario Sepulveda (đeo kính) sau khi thoát khỏi nơi mắc kẹt. Ảnh: Reuters |
Người chỉ huy các thợ mỏ mắc kẹt, Mario Sepulveda, nhanh chóng nổi tiếng khi được đưa khỏi lòng đất. Ông được đài thọ những chuyến đi tới Disney World, các hòn đảo của Hy Lạp, Israel hay thậm chí là đại bản doanh của Manchester United, đội bóng mà ông yêu thích. Thậm chí, Hollywood còn liên hệ với ông nhằm thực hiện bộ phim có kinh phí 60 triệu USD.
Tuy nhiên, Mario cũng nhận thấy những hệ lụy từ sự nổi tiếng với ông và những người cùng thoát chết. "Tôi sẽ trở lại hầm mỏ vì đó là nơi tôi thấy mình an toàn. Họ đang làm phim về cuộc sống của chúng tôi nhưng thực tế, công việc này không thể mang lại cái kết lý tưởng như trên màn ảnh", người được mệnh danh là Super Mario chia sẻ.
Giống như nhiều thợ mỏ khác, Mario cũng bị trầm cảm và thường xuyên gặp ác mộng, hậu quả của việc mắc kẹt quá lâu. Ngoài ra, họ cũng thấy áp lực khi đứng trước ống kính. Mario cũng phụ thuộc vào thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần. Ông không gục ngã dù kẹt 69 ngày dưới lòng đất nhưng cuộc sống thường ngày sau khi thoát chết đã hạ gục ông.
Dù rất nổi tiếng nhưng Mario lại chẳng thể kiếm tiền từ chúng. Thậm chí, ông còn sẵn sàng chấp nhận trở thành một người làm vườn để kiếm tiền. Nỗi ám ảnh tiền bạc liên tục đè nặng lên vai ông. Mario đã phải bán món quà được tặng vì cần tiền. Ông khao khát tìm được một công việc có thể giúp nuôi sống gia đình.
Hai thợ mỏ khác là Victor Zamora và Osman Araya đang mưu sinh bằng nghề bán rau và hoa quả tại một khu chợ ở Copiapo. Daniel Herreara đang phải điều trị tâm lý và 14 thợ mỏ khác gặp vấn đề tương tự nhưng nhẹ hơn.