Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nơi sản sinh hàng triệu chú chuồn chuồn tre lưu giữ ký ức tuổi thơ

Từ lâu nay, chuồn chuồn tre được làm bởi đôi bàn tay nghệ nhân Thạch Xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã trở thành món đồ chơi gắn với kỷ niệm tuổi thơ của nhiều người.

Gia đình hơn 20 năm làm chuồn chuồn tre tại Thạch Xá Với hơn 20 năm làm chuồn chuồn tre, những nghệ nhân xã Thạch Xá (Hà Nội) đã tạo ra thứ đồ chơi truyền thống mang đậm tính nhân văn và gắn liền với tuổi thơ nhiều thế hệ.

Xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất nằm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây. Không chỉ có chùa Tây Phương nổi danh trong dân gian nằm trên đỉnh núi Câu Lâu, sâu trong con đường mòn dẫn qua chân núi là nơi hàng triệu chú chuồn chuồn tre được sinh ra và bay đi khắp mọi miền.

Lang nghe lam chuon chuon tre anh 1
Từ những thanh tre thô cứng, từng đàn chuồn chuồn tre của xã Thạch Xá đã bay đi khắp mọi miền, mang theo ký ức êm đềm của tuổi thơ cho từng thế hệ.

Đã nhiều năm nay, khoảng sân rộng nhà ông Đỗ Văn Liên (xã Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội) chỉ dùng để chứa tre với nứa. Những thanh tre rừng dài, mỏng nhưng cứng cáp được dựng lên đều tăm tắp bên cạnh những chiếc rổ nhựa bám đầy sơn. Đây chính là nơi ra đời của những chú chuồn chuồn tre nhiều màu sắc, được bán trên phố cổ hay các điểm du lịch.

Tình cờ bén duyên với nghề

Để làm ra được một chú chuồn chuồn tre sinh động, ông Liên cũng như nhiều nghệ nhân khác phải chọn được những thân tre bánh tẻ - loại tre ở tận vùng núi Tây Bắc, không quá già cũng không quá non. Những thân tre ưng ý sẽ được cạo bỏ lớp xanh bóng và phơi khô, sau đó mới được chẻ ra thành từng đốt để làm chuồn chuồn.

“Mấy con chuồn chuồn nhìn đơn giản thế thôi nhưng phải tỉ mỉ từng khâu từ chọn tre. Chỉ cần tre không tốt, cả nghìn con sẽ không thăng bằng được”, ông Liên chia sẻ.

Đến với nghề được gần 20 năm, bà Xoan - vợ ông Liên vẫn nhớ như in những ngày đầu tiên tự mày mò làm ra sản phẩm. Bắt đầu từ một lần được xem những chú chuồn chuồn có thể bám thăng bằng trên ngón tay, hai vợ chồng bà quyết định sẽ làm ra thứ đồ chơi sinh động này.

Hồi ấy, gia đình bà đang làm nghề mây tre đan nên việc chuyển sang làm chuồn chuồn chỉ như một cách kiếm thêm thu nhập. Vài năm sau, nghề mây đan dần mai một, chuồn chuồn tre trở thành nguồn thu chính của hai vợ chồng.

Có duyên với nghề nên lượng khách tìm đến nhà ông bà mua chuồn chuồn ngày càng nhiều. Ban đầu chỉ là những khách lẻ mua một vài con để chơi. Lâu dần, tiếng lành đồn xa, khách quốc tế và nhiều người đến mua với số lượng lớn để bán hoặc làm quà. Thu nhập của gia đình bà từ đây cũng ổn định dần.

“Mỗi ngày xưởng sản xuất được khoảng 500 chuồn chuồn tre hoàn thiện. Sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó. Thu nhập trung bình mỗi tháng của từng thành viên là khoảng 5 triệu đồng”, bà Xoan cho biết.

Để đáp ứng được nhu cầu khách mua hàng, gia đình bà phải thuê thêm nhân công để đảm nhiệm những công việc khác nhau.

Người trẻ vẽ lên phần hồn

Căn phòng trên tầng 3 của căn nhà đầy màu sắc và mùi sơn đặc trưng. Nơi đây dường như khác biệt hoàn toàn với những gì thô sơ, toàn một màu trắng ngà của tre nứa ở khu nhà dưới.

Những lọ sơn đủ bảy sắc cầu vồng được xếp trong không gian chứa nhiều cửa sổ. Ánh nắng nhẹ của một sáng mùa thu hắt lên bờ vai của cô gái nhỏ đang tỉ mẩn ngồi quét những lớp sơn lên cánh chuồn chuồn.

Lang nghe lam chuon chuon tre anh 7
Chuồn chuồn sau khi tạo hình và hoàn chỉnh được đưa đến phòng sơn. Tại đây những chú chuồn chuồn được sơn 10 màu khác nhau.

Linh (20 tuổi, sinh viên trường Lâm nghiệp) là người chịu trách nhiệm công đoạn sơn sản phẩm.

"Em làm ở đây được 2 năm. Nhà em gần đây thôi, cứ cuối tuần em lại về đây làm để kiếm thêm phụ giúp gia đình", Linh nói và đôi mắt nheo nheo đủ để cho người đối diện biết em đang cười.

Làm công việc này khiến em luôn phải đeo khẩu trang vì cái mùi hăng hắc của sơn không tốt cho đường hô hấp. Nhưng lâu dần, đây lại là thứ mùi khiến em cảm thấy nhớ nhất khi nghĩ về quê hương của mình.

Những cánh chuồn sau khi được hong khô dưới nắng sẽ được chuyển đến khâu vẽ trang trí. Thảo (20 tuổi) - cháu ruột của gia đình sẽ đảm nhận công việc này.

“Em 'sống' với chuồn chuồn tre từ nhỏ. Lớn lên thì được các anh chị hướng dẫn cách vẽ trang trí, thế là cuối tuần rảnh thì em làm phụ giúp ông bà”, Thảo nói.

Sau khi hoàn thiện công đoạn này, em cũng sẽ là người đóng gói sản phẩm và xếp gọn chúng vào trong một thùng xốp, chờ ngày khách đến mua về.

Chuồn chuồn tre được đóng thành gói 10 con, chung họa tiết nhưng khác màu sắc. Kể từ công đoạn đầu tiên đến công đoạn cuối cùng, những chú chuồn chuồn đã hóa thân từ màu tre mộc mạc để trở nên sinh động, bắt mắt hơn. Khách đến mua có thể lựa chọn những màu sắc và họa tiết mà mình thích, giá bán lẻ dao động 5.000 - 20.000 đồng/con tùy theo kích cỡ.

Chuồn chuồn tre: Chiếc cầu nối thế hệ

Ở nơi sinh ra thứ đồ chơi gần gũi này, những người thợ từ già đến trẻ vẫn ngày ngày miệt mài, chuyên tâm tạo ra những cánh chuồn sinh động. Chuồn chuồn tre được hoàn thiện qua đôi bàn tay của nhiều thế hệ.

Người già tỉ mẩn hơn thì chọn tre, tạo hình thô. Người trẻ nhạy bén hơn về thẩm mỹ thì trang trí, tô vẽ. Cứ thế, những cánh chuồn chuồn đi ra khỏi lũy tre làng, vươn xa trên khắp các tỉnh thành trong và ngoài nước.

“Chuồn chuồn có cánh thì bay

Có thằng cu Tý thò tay bắt chuồn”

Câu ca dao đã đi vào trong tuổi thơ của nhiều người, như một minh chứng cho thấy những cánh chuồn chuồn đã trở nên gần gũi, quen thuộc đối với những đứa trẻ sinh ra ở làng quê Việt Nam.

Lớn lên, người ta có thể vì nhịp sống gấp gáp mà quên đi nhiều thứ. Nhưng khi được nhìn thấy những cánh chuồn chuồn tre đậu trên tay, hẳn ai cũng sẽ chợt nhớ về một tuổi thơ nhiều kỷ niệm.

Còn đối với những đứa trẻ thành phố, chuồn chuồn tre là cách nhanh nhất để các em có thể đi từ thành thị về đến thôn quê - nơi mà ông bà, cha mẹ các em đã lớn lên ở đấy. Và cùng với cánh chuồn chuồn làm nên những tình bạn ở tuổi ấu thơ.

Gia đình cuối cùng giữ 'bí kíp' làm mặt nạ giấy bồi ở đất Hà Thành

45 năm với nghề, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa là những nghệ nhân cuối cùng giữ “bí kíp” làm mặt nạ giấy bồi - món đồ chơi từng được yêu thích dịp Tết Trung thu.



Quang Huy - Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm