Ngày 2/10, trao đổi với Zing.vn về vụ phóng viên Trần Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) bị Cảnh sát hình sự huyện Đông Anh (Hà Nội) "gạt tay vào má", xảy ra trên cầu Nhật Tân sáng 23/9, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng vụ việc cần được điều tra lại theo hướng khách quan hơn.
Ông Xuyền đặt câu hỏi, trước lúc xảy ra vụ việc cảnh sát hình sự huyện Đông Anh có xưng danh và xuất trình thẻ ngành để chứng minh họ là lực lượng có quyền bảo vệ hiện trường hay không.
Khi lực lượng bảo vệ hiện trường chưa căng dây, cảnh sát hình sự đang mặc thường phục thì cần chứng minh mình là người có chức trách bảo vệ hiện trường để phóng viên và người dân biết, không xâm phạm. "Công an trình bày rồi mà phóng viên vẫn cố xông vào thì có thể áp dụng biện pháp trấn áp nếu cần” - ông Xuyền nêu quan điểm.
Theo dõi diễn biến vụ việc nhiều ngày qua, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội đánh giá cách hành xử của viên cảnh sát hình sự huyện Đông Anh đáng lên án, cần bị xử lý nghiêm hơn.
Liên quan đến kết luận của Công an Hà Nội cho rằng cảnh sát hình sự tên Hưng có hành vi dùng chân đá (không trúng) và "gạt tay trúng má" phóng viên Quang Thế, ông Xuyền nói: “Có vấn đề. Hình ảnh tôi xem thấy rõ ràng vị mặc áo đen đánh phóng viên chứ không phải gạt tay trúng má như lãnh đạo Công an Hà Nội trả lời”.
Đề nghị Công an Hà Nội xem xét lại quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với phóng viên Quang Thế. "Phóng viên có phạm nhiều lỗi thế không, sao những người khác không bị xử lý” - ông Xuyền đặt câu hỏi.
Phóng viên báo Tuổi Trẻ bị "gạt tay vào má" trên cầu Nhật Tân. Ảnh: MC. |
Sáng 23/9, cùng tham gia tác nghiệp, tìm hiểu thông tin chiếc taxi đỗ bên lề cầu Nhật Tân, dưới cầu là thi thể một người đàn ông, anh Minh Chiến (công tác tại một cơ quan báo chí) đã quay được đoạn video cảnh sát "gạt tay trúng má" phóng viên Quang Thế. Anh Chiến khẳng định mình chứng kiến phút cảnh sát hình sự huyện Đông Anh hành hung đồng nghiệp báo Tuổi Trẻ.
Cùng lúc cảnh sát hình sự huyện Đông Anh và phóng viên Quang Thế to tiếng, anh Minh Chiến chứng kiến một chiến sĩ công an trẻ vung tay đấm vào mặt, đá vào người phóng viên báo Tuổi Trẻ.
“Tôi lấy điện thoại quay lại những hình ảnh đó. Một chiến sĩ công an thấy vậy lao ra đòi thu máy nên tôi chạy khỏi khu vực đó” - phóng viên Minh Chiến khẳng định.
“Tôi rất buồn khi đồng nghiệp bị hành hung. Buồn hơn khi mình là nhân chứng quay lại cảnh Quang Thế bị đánh nhưng cơ quan điều tra không hề liên hệ để lấy lời khai mà đã đưa ra kết luận” - anh Chiến bày tỏ.
Sáng 23/9, lãnh đạo báo Tuổi Trẻ chỉ đạo phóng viên Quang Thế đến tác nghiệp tại cầu Nhật Tân tìm hiểu thông tin về chiếc taxi đỗ bên lề cầu, dưới cầu là thi thể người đàn ông.
Đến nơi, phóng viên Quang Thế không thấy có biển thông báo cấm chụp ảnh, ghi hình, lực lượng chức năng cũng không căng dây bảo vệ hiện trường. Rất nhiều người dân cùng đồng nghiệp các báo đứng trên cầu tìm hiểu, dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh vụ việc.
Khi đang chụp ảnh, anh Thế thấy có một số công an đến ngăn cản. Trình bày các giấy tờ liên quan khi tác nghiệp, anh Thế tiếp tục chụp ảnh thì bị một nhóm người, trong đó có cán bộ của Đội cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) mặc thường phục lao vào hành hung. Sau khi sự việc xảy ra, anh Thế đã đến công an trình báo.
Vào cuộc điều tra, Công an Hà Nội xác định có xô xát giữa cảnh sát hình sự với phóng viên báo Tuổi Trẻ. Căn cứ vào kết quả điều tra, cơ quan này xác định Cảnh sát hình sự Ngô Quang Hưng đã vi phạm Quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hiện trường nhưng người này chỉ bị kỷ luật khiển trách.
Trong khi đó, phóng viên Quang Thế bị xử phạt hành chính hơn 14,4 triệu đồng, với 6 lỗi. Phóng viên Thế chỉ thừa nhận lỗi đỗ xe mô tô trên cầu với mức phạt 350.000 đồng.