Hàng trăm năm mua nước sạch
Nằm về phía hạ nguồn sông Gianh, xã Quảng Văn (Thị xã Ba Đồn) vốn là vùng đất giàu truyền thống văn hoá với làng La Hà, một trong "bát đại danh hương" nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình có lịch sử từ hơn 500 năm trước.
Cùng với sự phát triển của lịch sử, hàng trăm năm qua người dân ở Quảng Văn vẫn luôn sống cùng với nỗi thèm khát nước sạch dù vùng đất này được bao quanh bởi 3 bề sông nước. Chỉ cách cửa Gianh chưa đầy 1 km đường chim bay nên nước sông Gianh với các nhánh sông bao quanh xã Quảng Văn đã bị nhiễm mặn từ bao đời nay.
Chị Hoàng Thị Hiền (40 tuổi, thôn Văn Phú) đang múc nước giếng nhiễm phèn để rửa chén bát. |
"Cha ông, tổ tiên chúng tôi đã chọn nơi đây để sinh cơ lập nghiệp nên đã chấp nhận với thực tế thiếu nước ngọt, nước sạch từ hàng trăm năm nay. Một năm 12 tháng thì có đến 7-8 tháng chúng tôi phải mua nước về để sinh hoạt, ăn uống dù sống ngay giữa dòng sông Gianh", ông Hoàng Văn Huề (65 tuổi) trưởng thôn Văn Phú cho biết.
Song song với việc phải mua nước sạch về dùng, người Quảng Văn đã tìm nhiều cách để lấy nguồn nước phục vụ cho đời sống, sinh hoạt. Nước sông nhiễm mặn, họ đào giếng nhưng nguồn nước ngay dưới chân họ vẫn bị nhiễm mặn. Rất nhiều giếng được đào sâu hơn nhưng càng đào sâu thì nước càng bị nhiễm phèn nặng và đục ngầu bùn đất không thể sử dụng được.
Khi kỹ thuật khoan giếng được phổ biến, người Quảng Văn liền nghĩ đến việc khoan sâu hơn để tìm nguồn nước ngọt, nước sạch nhưng những nỗ lực này đều trở nên vô vọng.
"Nhà chị gái tôi bỏ ra ngót 5 triệu để xây bể, khoan một cái giếng sâu đến 60-70 mét, phải sắm cả một đống to đùng ống nước nhưng khoan xong giếng, bơm nước lên thì chao ôi nước đầy phèn nổi trên mặt và đục ngầu vì bùn đất, không dùng được", chị Hoàng Thị Phượng (44 tuổi) ở thôn Văn Phú cho biết.
Trưởng thôn Văn Phú- Hoàng Văn Huề bên một bể cạn có thể chứa đến 10 khối nước để hứng nước mưa và đựng nước mua về. |
Nằm giữa con sông dài và lớn nhất Quảng Bình nên mùa mưa đến thường đi liền với mùa lũ nhưng người Quảng Văn lại mong chờ mùa mưa đến nhanh hơn bất kỳ nơi khác. Mùa mưa đến đồng nghĩa với việc người dân khỏi phải lo thiếu nước sinh hoạt bởi đây chính là nguồn nước quan trọng cung cấp mọi người từ lâu nay.
Theo ông Huề, những gia đình kinh tế khá giả thì xây luôn cả bể chứa đến 10 m3 để hứng nước khi mùa mưa đến. Còn những gia đình nghèo thì ít nhất trong nhà cũng sắm vài cái lu, chum, vại, thùng nhựa, xô nhựa... để đựng và hứng nước mưa. Tuy nhiên, mùa mưa chỉ kéo dài chừng 3-4 tháng, phần lớn thời gian còn lại trong năm người Quảng Văn vẫn phải mua nước.
Mức giá kỷ lục, 250.000 đồng một khối nước sạch
Xã Quảng Văn có 4 thôn với gần 6.000 nhân khẩu, trong đó có đến hơn 700 hộ dân theo nghề sông nước nên từ lâu, người dân Quảng Văn đã đến các vùng lân cận để mua nước sạch về dùng. Xuất phát từ nhu cầu này, một số hộ dân đã đi mua nước ở nơi khác về bán lại.
Theo trưởng thôn Huề, hiện tại ở làng chài Văn Phú có đến 3 thuyền chuyên bán nước sạch và có gần 10 thuyền chuyên chở nước đóng bình về bán lại cho các thôn trong xã. Năm 1989, UNICEF đã tài trợ cho mỗi hộ dân Quảng Văn 1 lu để hứng nước mưa nhưng nhiều cái đã xuống cấp, hư hỏng.
Một chiếc thuyền được dùng để chở nước sạch nới khác về bán cho người dân xã Quảng Văn. |
"Người dân Quảng Văn đang phải mua nước với giá có thể nói là đắt nhất Việt Nam, đó là sự thật hiển nhiên trong mùa nắng hạn", Phó chủ tịch UBND xã Quảng Văn Nguyễn Viết Phương cho biết.
Theo ông Phương, giá nước sạch mà các thuyền đi chở nước về bán cho người dân Quảng Văn khoảng 60.000 - 250.000 đồng 1m3. Với những hộ dân ở gần sông, các chủ thuyền bán nước không mất công kéo đường ống, bơm nước dễ dàng hơn nên giá nước rẻ. Còn lại những nhà ở giữa xã, mỗi lần mua nước bơm đầy lu chứa 2m3 phải trả cho chủ thuyền 500.000 đồng.
Thậm chí, nhiều hộ còn không mua được nước vì ở quá xa bờ sông, đường ống kéo quá dài hoặc máy bơm không thể bơm nước được. Rất nhiều hộ phải mua lẻ nước sạch đựng trong các thùng nhựa chứa được khoảng 300 lít với giá 70.000 - 100.000 đồng.
"Dân cả xã đều phải chấp nhận mua nước với giá đắt hơn các nơi khác rất nhiều lần. Chúng tôi phải tắm rửa, giặt giũ, vo gạo bằng nước giếng nhiễm mặn rồi đến nước cuối cùng mới dám dùng nước sạch. Gia đình tôi mỗi tháng cũng phải mua 2 khối nước. Ngay UBND xã mỗi tháng cũng phải tiêu tốn mấy trăm ngàn để mua nước sạch", Phó chủ tịch Phương cho biết thêm.