Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cảm thấy bất bình khi nhiều người có thẩm quyền chi tiêu ngân sách một cách “vô tổ chức” nhưng không ai chịu trách nhiệm. Ông nói tại một hội nghị gần đây của bộ: “Ai chi sai, người đó sẽ phải chịu trách nhiệm... Không thể vơ hết vào Bộ trưởng Tài chính được”.
Sự bức xúc của người giữ tay hòm chìa khóa quốc gia là có thể hiểu được. Rất nhiều người, từ trung ương đến địa phương, có quyền tiêu ngân sách quốc gia, nhưng không ai có trách nhiệm giải trình. Cũng chưa thấy có mấy trường hợp chi sai bị kỷ luật. Ông khẳng định là trách nhiệm giải trình sẽ được công khai, minh bạch. Tinh thần này sẽ được đưa vào Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi dự kiến được trình ra kỳ họp sắp tới của Quốc hội.
Ảnh: minh họa. |
Trước Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng bày tỏ nỗi lo về trình trạng trên. Ông Vinh đã từng dọa các lãnh đạo địa phương “phải chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự” nếu chi đầu tư không đúng tinh thần Chỉ thị 1792 của Thủ tướng.
Chỉ thị này, ông nói, là “cứu cánh cho nguy cơ vỡ nợ của Việt Nam” vì nó không cho phép bộ trưởng và chủ tịch tỉnh được phê duyệt công trình đầu tư bằng vốn ngân sách nếu chưa có nguồn. Ông Vinh cũng đang nỗ lực để Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công sau suốt tám năm bị “treo”.
Những phát biểu và hành động của hai vị bộ trưởng có vai trò quan trọng nhất trong Chính phủ về ngân sách là rất đáng quan tâm. Song, cách chi tiêu ngân sách như hiện nay cho thấy những nỗ lực của họ dù đã hay sẽ được thể chế hóa bằng các bộ luật cũng sẽ gặp khó khăn.
Theo Luật Ngân sách nhà nước, bội chi chỉ được dùng để đầu tư phát triển; song mấy năm nay bội chi đã dùng để trả nợ và chi thường xuyên.
Đầu tư công, lĩnh vực của Bộ trưởng Vinh phụ trách vẫn đầy ngổn ngang dù có Chỉ thị 1792. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố gần đây cho biết, tổng số vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước năm 2012 là 180.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu vốn của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương là trên 300.000 tỷ đồng. Không ít bộ, ngành và địa phương vẫn mặc nhiên chi cho đầu tư phát triển một cách “hồn nhiên” như chưa từng có chỉ thị của Thủ tướng.
Bố trí vốn cho các dự án khởi công mới không phải là công trình cấp bách có tên các tỉnh như: Quảng Bình 19 dự án; Phú Thọ 13 dự án; Sơn La 6 dự án. Các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh giao và điều chỉnh kế hoạch vốn vào cuối năm dẫn đến không thực hiện được. Phân bổ vốn khi chưa có quyết định đầu tư bao gồm Bộ Thông tin và Truyền thông với 11 dự án, trị giá gần 202 tỷ đồng; Gia Lai 93 dự án, trị giá 37 tỷ; hay phân bổ vốn cho các dự án khởi công mới có quyết định đầu tư sau ngày 31/12/2011 là Đà Nẵng với gần 215 tỷ đồng cho 56 dự án, Ninh Thuận 48 dự án.
Những thông tin trên của KTNN cho thấy, tinh thần của Chỉ thị 1792 vẫn bị lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương vi phạm. Đáng tiếc, chưa một ai “phải chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự” như Bộ trưởng Vinh từng nói.
Với chi thường xuyên, lĩnh vực Bộ trưởng Tài chính đảm nhiệm, tình hình cũng không tốt hơn. Theo số liệu của KTNN, năm 2012, một số địa phương hụt thu như Lâm Đồng, Daklak, Đà Nẵng, Lạng Sơn không thực hiện cắt giảm các khoản chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Thậm chí, cũng theo KTNN, An Giang dùng tới hơn 38,5 tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước để cho cán bộ đi công tác nước ngoài và mua tới 35 ô tô. Tiền Giang chi tiêu 700 triệu đồng cho cán bộ đi công tác nước ngoài. Lâm Đồng chi 315 triệu đồng cho cán bộ đi học tập nước ngoài.
Những lỗi quản lý vốn ngân sách cơ bản của tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương như lập dự toán một số nhiệm vụ chi không sát thực tế, cao hơn số kiểm tra của Bộ Tài chính, không có nhiệm vụ chi phải hủy dự toán, giao dự toán chậm, điều chỉnh nhiều lần, không giao hết dự toán ngay lần đầu, giao dự toán khi chưa xác định rõ nội dung, giao không đúng quy định... đều đã được KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý lâu nay. Đáng tiếc, không có nỗ lực nào giải quyết và cơ quan này phải kêu ca mãi đến mức nhàm chán.
Song, cũng khó mà trách được cơ quan kiểm toán khi họ chỉ dừng ở mức kêu ca, kiến nghị về việc chi tiêu ngân sách nhà nước. Ngay cả Quốc hội cũng chỉ làm được đến thế. Cho dù có Luật Ngân sách nhà nước, Quốc hội cũng chưa bao giờ có chế tài với việc vi phạm kỷ luật ngân sách. Ủy ban Tài chính Ngân sách luôn than thở rằng “kỷ luật ngân sách chưa nghiêm” trong các báo cáo giám sát. Theo Luật Ngân sách nhà nước, bội chi chỉ được dùng để đầu tư phát triển; song mấy năm nay bội chi đã dùng để trả nợ và chi thường xuyên. Luật gốc mà bị vi phạm thế thì còn nói gì đến các luật chuyên ngành khác.
Bộ trưởng Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, và cả Quốc hội hẳn biết rõ điều này. Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi... chỉ có thể có hiệu lực khi một quan chức nào đó bị kỷ luật cách chức vì chi sai. Nếu không, thì những trăn trở của hai bộ trưởng cũng khó giúp khắc phục tình hình.