Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí tri thức trực tuyến

Nỗi niềm bệnh nhân bị giám sát điều trị H1N1

Bất ngờ trước xét nghiệm dương tính, không muốn bị giám sát cách ly vì sợ công việc bị đứt đoạn, sợ chết đến mất ăn mất ngủ... là tâm trạng của nhiều bệnh nhân trong cơn bão cúm H1N1.

Nỗi niềm bệnh nhân bị giám sát điều trị H1N1

Bất ngờ trước xét nghiệm dương tính, không muốn bị giám sát cách ly vì sợ công việc bị đứt đoạn, sợ chết đến mất ăn mất ngủ... là tâm trạng của nhiều bệnh nhân trong cơn bão cúm H1N1.

Bị máy đo thân nhiệt tại sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện sốt cao, kết quả xét nghiệm sau đó dương tính với H1N1, anh Nam - Việt kiều đến từ Mỹ vẫn khăng khăng khẳng định: "Tôi không hề sốt, tôi có bị nóng trong người gì đâu, máy này bị điên rồi".

Đến khi xuất viện, bệnh nhân thừa nhận phản ứng của mình chỉ vì không muốn nằm viện. "Biết rõ nếu bệnh là phải điều trị, tuy nhiên tôi xin về nước được 12 ngày, nếu nằm viện thì chuyến đi xem như tan theo mây khói", anh Nam nói.

Nỗi niềm bệnh nhân bị giám sát điều trị H1N1
Khu điều trị cách ly Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới.

Nhà ở tại TP HCM, không vướng bận việc làm nhưng theo bà Hồng, 7 ngày nằm viện để điều trị cúm H1N1 là khoảng thời gian kinh khủng nhất.

"Mặc dù bác sĩ và điều dưỡng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới rất ân cần, nhưng nằm 3 ngày mà vẫn chưa hết đau họng, tôi lo lắm. Càng lo hơn khi nghe tin một bệnh nhân ở Khánh Hòa tử vong. Mỗi lần bác sĩ đến lấy dịch mũi và họng để xét nghiệm lại là mỗi lần tôi cầu trời Phật. May mà sau 6 ngày điều trị, tôi đã khỏi", bà Hồng nói.

Nhớ lại hơn 10 ngày nằm viện, "toát mồ hôi vì tưởng đã bị kháng thuốc", Nguyễn Phi, nhà ở quận 7 cho hay, dù không phải là lần đầu nằm viện, song cảm giác bị giám sát tại phòng cách ly đặc biệt luôn khiến anh lạnh toát mồ hôi.

"Lo sợ khiến tôi như sốt nặng hơn, nhất là mỗi khi các bác sĩ mặc trang phục chống lây nhiễm như các phi hành gia vào lấy dịch. Ngoài thời gian chợp mắt, việc còn lại của tôi là nhắn tin cho mấy người bạn là bác sĩ để hỏi xem liệu tôi có chết không nếu uống thuốc hoài mà không hết. Xuất viện sau 12 ngày điều trị, tôi sụt mất 6 cân", Phi nói.

Không bị quá ám ảnh như bệnh nhân trên, song với ông Huân, giám đốc một công ty kinh doanh địa ốc thì việc nằm viện cách ly như "lửa đốt dưới lưng".

Vừa có kết quả khỏi bệnh cuối tuần qua, ông Huân đã vội ra xe đến thẳng buổi họp với đối tác. Ông Huân than: "Có quá nhiều việc cần mình giải quyết, một cuộc họp ở Singapore, một hội thảo tại Hà Nội, vậy mà phải nằm đến 7 ngày. Thật xui xẻo".

Với anh Tuấn, điều hành công ty du lịch tại quận 5, việc phải kết nối GPRS để check mail trong phòng cách ly và điều hành từ xa qua điện thoại gần như chiếm hết thời gian anh nằm viện. "Bệnh nhân nằm gần tôi cứ than phiền tôi nói chuyện quá ồn, nhưng họ không hiểu, công việc tại công ty không thể thiếu tôi", anh Tuấn tâm sự.

Không vướng bận công việc, cũng không lo chết, song với một số người bệnh khác như chị Lan Trần (quận 1), bà Thìn (quận Tân Bình), ông Hải (quận 7), anh Vũ Anh (quận 1), việc phải nằm đợi ngày xuất viện trong khi cảm thấy cơ thể hoàn toàn khoẻ mạnh đúng là cực hình.

"Chỉ mong các kết quả xét nghiệm là chính xác và Bộ Y tế nên xem xét cho tự giám sát cách ly và điều trị tại nhà đối với những người bị mang trùng nhưng không có triệu chứng nặng như chúng tôi", một bệnh nhân bày tỏ.

Tiến sĩ Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho rằng, thực tế điều trị cho thấy có nhiều bệnh nhân tỏ ra bức bối khi bị giám sát vì nhiều lý do, tuy nhiên cho đến nay, Bộ y tế vẫn duy trì phác đồ điều trị, theo dõi ca bệnh tại bệnh viện.

"Thời gian điều trị H1N1 cách đây hai tuần là 7 ngày, đến nay, Cục Quản lý Khám - Chữa bệnh đồng ý đến ngày thứ 5 điều trị, nếu xét nghiệm không còn virus, bệnh nhân có thể ra viện", tiến sĩ Hiền nói.

Quy trình điều trị cách ly theo tiến sĩ Hiền, bao gồm các bước như: Đầu tiên, người bệnh được lấy mẫu xét nghiệm; sau khi có kết quả dương tính, bệnh nhân sẽ được làm xét nghiệm những cơ quan có thể bị biến chứng như X-quang phổi, thử công thức máu, điện tim, thử phân...; bước tiếp theo là cho uống thuốc trị cúm Tamiflu.

Đến ngày thứ 3, bệnh nhân được lấy mẫu làm xét nghiệm, nếu còn virus thì cho uống thuốc tiếp cho đến ngày thứ 5 để tiếp tục xét nghiệm. Nếu sau ngày thứ 5 mà vẫn còn mang trùng bệnh, việc lấy mẫu xét nghiệm sau đó sẽ được thực hiện từng ngày một để theo dõi. Trường hợp hết ngày thứ 10 vẫn còn bệnh (có dấu hiệu kháng thuốc), bệnh nhân có thể được cho uống loại thuốc khác.

Riêng vấn đề sinh hoạt, theo tiến sĩ Hiền, để bệnh nhân cảm thấy thoải và giảm căng thẳng vì bị cách ly, những trường hợp có người thân, bệnh viện đồng ý để thân nhân đưa cơm và các vật dụng cần thiết vào khu cách ly cho bệnh nhân. Riêng những người bệnh không có người chăm sóc, điều dưỡng của bệnh viện sẽ làm thay.

Liên quan đến việc điều trị bệnh nhân cúm H1N1, tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, khi các bệnh viện còn đủ sức đảm nhận nhiệm vụ, thì chưa nên áp dụng điều trị bệnh nhân cúm H1N1 tại nhà. Bệnh nhân có bệnh phải được điều trị tại bệnh viện theo đúng phác đồ.

Tính đến sáng ngày 6/8, VN có trên một nghìn trường hợp được phát hiện nhiễm cúm H1N1, một người tại Khánh Hoà tử vong do nhập viện quá muộn, khoảng 450 người đang nằm viện điều trị.

Theo Vnexpress

Theo Vnexpress

Bạn có thể quan tâm