Hà Nội và TP.HCM không hề "cô đơn" trên con đường trở thành những thành phố có giao thông tắc nghẽn nhất thế giới. Sống ở các siêu đô thị Đông Nam Á, khi quy hoạch hạ tầng không thể đáp ứng được tình trạng dân số tăng chóng mặt, người ta có thể nghe những lời phàn nàn về tắc đường từ bất cứ nơi đâu.
Thủ đô Jakarta (Indonesia) và thủ đô Bangkok (Thái Lan) còn chịu tình trạng tồi tệ hơn nhiều. Đây là 2 thành phố duy nhất tại Đông Nam Á lọt vào top các đô thị có tình trạng tắc đường tồi tệ nhất (Bangkok thứ 1, Jakarta thứ 4).
Năm 2015, Jakarta có khoảng 15 triệu chiếc xe máy và 5,2 triệu chiếc ôtô. Ảnh: Jakarta Post. |
3,5 triệu người đổ ra đường giờ cao điểm
Tại những nơi này, người ta còn nói đùa rằng giờ cao điểm là khoảng thời gian nghỉ ngơi của cánh tài xế taxi vì không ai có thể di chuyển trên đường lúc đó.
Tờ The Guardian dẫn lời một tác giả tiểu thuyết Seno Gumira Ajidarma, cho rằng một người dân Jakarta trung bình dành ra 10 năm cuộc đời trên đường phố, phần lớn thời gian này là do tắc nghẽn.
Ở Jakarta, khoảng 3,5 triệu người sẽ cùng đổ ra đường vào giờ cao điểm. Năm 2015, thành phố này có khoảng 15 triệu chiếc xe máy và 5,2 triệu chiếc ôtô.
Để đi một đoạn đường dài khoảng 40 km, người dân mất từ 2 đến 3 giờ đồng hồ và đây không phải chuyện quá lạ. Jakarta cũng được bình chọn là nước có mức độ kẹt xe nghiêm trọng nhất dựa trên các hình ảnh vệ tinh. Đây là bảng xếp hạng theo thời gian các phương tiện phải dừng trên đường.
Về nguyên nhân của tình trạng này, The Guardian chỉ ra 2 nguyên nhân chính. Một là việc bùng nổ các ứng dụng đặt chuyến đi bằng xe máy và sự trì trệ trong việc phát triển giao thông công cộng. Ngoài ra, các yếu tố như lượng phương tiện cá nhân lớn, tăng nhanh hay đường sá chật hẹp, xuống cấp cũng là lý do.
Top các thành phố có tình trạng kẹt xe tệ nhất. Đồ họa: Bloomberg. |
Bên cạnh đó, Jakarta còn giữ một kỷ lục buồn khác. Đây là thành phố lớn nhất Đông Nam Á nhưng không có đường sắt đô thị. Theo Van Mead, vướng mắc lớn nhất của TP vẫn là việc giải tỏa đền bù để tiến hành xây metro.
Đối phó với tình trạng kẹt xe trầm trọng, Jakarta đã bắt đầu bằng việc hạn chế các phương tiện lưu thông trên đường. Theo đó, các phương tiện mang biển chẵn đi ngày chẵn và biển lẻ đi ngày lẻ. Theo The Guardian, đây được cho là chính sách thay thế cho giải pháp "3 trong 1".
Giải pháp "3 trong 1" yêu cầu tất cả ôtô lưu thông trên đường phải chở từ 3 người trở lên. Chính sách này bị bãi bỏ từ tháng 4/2016 sau khi nhiều người, kể cả trẻ em tự cho thuê bản thân để ôtô đủ 3 người được đi lại trên đường. Quy định này cũng bị cho là có nhiều lỗ hổng và đe dọa đến sự an toàn của trẻ em khi lên ôtô với người lạ.
Chính quyền TP Jakarta cũng đang hướng đến đẩy mạnh phát triển các phương tiện công cộng. Theo đó, đến năm 2019, thành phố sẽ triển khai đường tàu điện đô thị đầu tiên trị giá khoảng 1,7 tỷ USD (khoảng 39.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, hệ thống buýt nhanh BRT cũng được Jakarta cho là nhân tố then chốt giúp cải thiện tình hình giao thông ở đây. Được đưa vào vận hành từ năm 2004, hệ thống BRT có tổng chiều dài khoảng 193 km, mỗi ngày chuyên chở khoảng 350.000 hành khách.
Bangkok - thành phố "rùa bò" trên đường
Theo thống kê của hãng TomTom năm 2015 về các thành phố có tốc độ di chuyển trên đường chậm nhất do kẹt xe, thủ đô của Thái Lan xếp vị trí đầu tiên.
Số lượng xe máy không giảm, trong khi, ôtô cá nhân tăng chóng mặt. Theo tính toán của BangkokPost, mỗi ngày, thủ đô của Thái Lan có thêm 700 ôtô và 400 xe máy.
Hệ thống hạ tầng giao thông ở Bangkok chỉ đáp ứng được 13% số lượng phương tiện. Ảnh: Nation Thailand. |
Theo Nation Thailand, lượng phương tiện cá nhân tại Bangkok tính đến năm 2018 là 9,7 triệu xe. Các nhà chức trách của TP cho rằng lượng phương tiện này gấp 8 lần khả năng hệ thống hạ tầng có thể đáp ứng. Bên cạnh đó, diện tích dành cho giao thông tĩnh cũng thấp ở mức báo động, chỉ 8-10% so với 20-30% ở các nước phương Tây.
Cũng theo tính toán của BangkokPost, việc phải "nằm" trên đường hàng giờ đồng hồ do tắc đường khiến người tham gia giao thông ở đây mất 97 triệu baht/ngày (74 tỷ đồng) và 3,5 tỷ baht/năm (27.000 tỷ đồng) tiền nhiên liệu.
Nền kinh tế của thành phố này cũng hứng chịu thiệt hại không nhỏ từ tắc đường. Khoảng 11 tỷ baht/năm bị lãng phí do thời gian người dân bị tắc nghẽn trên đường mỗi ngày.
Chính quyền thủ đô Thái Lan này đã nhìn nhận ra vấn đề tăng trưởng nóng của số lượng phương tiện, người tham gia giao thông và sự trì trệ trong phát triển hạ tầng từ hàng chục năm trước. Tuy nhiên, giống như Việt Nam, người dân Bangkok cũng quá quen với việc sử dụng xe máy và gần như quên luôn các phương tiện công cộng.
Tuyến metro đầu tiên tại đây được xây dựng vào năm 1990 và đưa vào hoạt động vào năm 1999. Bangkok là một trong những thành phố đầu tiên sở hữu đường sắt đô thị ở Đông Nam Á. Đến năm 2004, Bangkok có thêm tuyến tàu điện ngầm đầu tiên, là niềm tự hào của người dân thành phố này.
Tuy nhiên, người dân cũng không mấy mặn mà với nó do giá vé quá cao, khu vực bao phủ hạn chế và thời gian đi quá lâu so với phương tiện cá nhân. Sự sụt giảm từ 400.000 lượt khách/ngày xuống còn 175.000 lượt khách/ngày phần nào giải thích cho sự bất cập này.