Nơi lưu giữ kỷ niệm Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Chủ nhật, 30/4/2017 12:07 (GMT+7)
12:07 30/4/2017
Nằm ở số 2 đường Lê Duẩn, quận 1, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh là nơi lưu giữ các hiện vật, sa bàn, hình ảnh liên quan đến chiến thắng lịch sử năm 1975.
Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập năm 1986 trong toà nhà được xây đầu thế kỷ 20 của một kiến trúc sư người Pháp. Trong thời kỳ Việt Nam Cộng hoà, đây là Trường cao đẳng Quốc phòng.
Toàn bộ bảo tàng được chia làm hai phần: khu trưng bày trong nhà có diện tích mặt bằng 1.000 m2 và khu trưng bày ngoài trời 2.000 m2.
Trong đó, khu trưng bày trong nhà có 2 tầng, cấu trúc thành 6 chuyên đề theo dòng thời gian lịch sử của toàn bộ Chiến dịch Hồ Chí Minh, bao gồm: "Từ Hiệp định Paris tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975", "Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4/3 đến 3/4/1975)", "Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (từ 5/3 đến 29/3/1975)", "Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26/4 đến 30/4/1975)", "Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh" và "Sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn".
Ngoài ra, bên trong bảo tàng còn có một sa bàn điện tử, phòng chiếu phim màn hình 100 inch đặt ở phòng trưng bày trung tâm, tái hiện lại toàn bộ chiến dịch thông qua các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp.
Nơi đây vốn là phòng trưng bày Chiến dịch Hồ Chí Minh thuộc Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, sau đó được Bộ tư lệnh Quân khu 7 đầu tư để nâng cấp cơ sở vật chất, chỉnh trang, trưng bày lại thành một bảo tàng độc lập nằm trong hệ thống các bảo tàng của cả nước.
Hiện tại, bảo tàng thu thập được 467 hiện vật gốc, 108 ảnh tư liệu, 36 tài liệu khoa học phụ, 34 tranh tượng minh hoạ cùng 100 hiện vật gốc khác bảo quản trong kho mở.
Bên trong, các phòng trưng bày được sắp xếp theo dòng lịch sử, với hướng đi ngược chiều kim đồng hồ, tính từ lối vào bảo tàng.
Trong đó, những hiện vật của lực lượng Điện ảnh Quân Giải phóng cũng được bảo quản cẩn thận trong lồng kính. Có những chiếc máy ảnh, máy quay phim được dùng để lưu giữ lại hình ảnh, thước phim lịch sử đã tồn tại 40-50 năm.
Ngoài ra, cũng không thể thiếu những vũ khí quân dụng được dùng trong cuộc chiến năm 1975, bao gồm súng tiểu liên AK, súng AK, súng trường CKC.
Đặt tại vị trí trung tâm bên trong bảo tàng là một sa bàn điện tử rộng 60 m2, mô phỏng lại những ngày cuối của chiến dịch ở Sài Gòn. Khi sa bàn hoạt động, hệ thống đèn nhấp nháy mô tả hướng tiến quân, trùng khớp với giọng thuyết minh trên loa.
Ở những phòng cuối cùng của bảo tàng, có những bức ảnh được trưng bày, đã trở thành lịch sử, chẳng hạn như bức ảnh chụp Sư đoàn 320, Quân đoàn 1 và Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 phối hợp với Đặc công, Biệt động Sài Gòn đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu của chế độ Việt Nam Cộng hoà...
... hay bức ảnh chụp hai chiếc xe tăng T59, số hiệu 390 (gồm trưởng xe là trung úy Vũ Đăng Toàn, pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng, lái xe Nguyễn Văn Tập) và xe T54B, số hiệu 843 (của đại đội trưởng Bùi Quan Thận). Trong đó, chiếc xe tăng số hiệu 390 được xác nhận là chiếc húc đổ cổng Dinh Độc lập.
Trong khi đó, khu trưng bày ngoài trời, với diện tích 2.000 m2 trưng bày các loại vũ khí tài hạng nặng, sử dụng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (nói riêng) và toàn bộ cuộc chiến Việt - Mỹ (nói chung).
Trong khuôn viên còn có một khu vực trưng bày những xác xe tăng, xác máy bay của quân Mỹ bị quân Giải phóng bắn hạ.
Trong đó, chiếc máy bay F5E là của Mỹ trang bị cho quân đội Sài Gòn, do trung úy tình báo Nguyễn Thành Trung, hoạt động trong không lực Việt Nam Cộng hoà lái và ném bom xuống Dinh Độc lập. Ngoài ra, còn có các máy bay A37, tên lửa A72, máy ủi đất KoMutsu do Liên Xô viện trợ.
Toàn bộ bảo tàng đã cho du khách một cái nhìn tổng quát cũng như chi tiết nhất về chiến dịch lớn nhất năm 1975, mở ra sự kiện quan trọng ngày 30/4/1975.
Nhiều hiện vật về chiến dịch Hồ Chí Minh và mùa xuân 1975 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân đội Việt Nam, gợi nhớ những năm tháng chống Mỹ cứu nước oanh liệt.
Hệ thống lô cốt bằng bê tông, cốt thép được Mỹ xây dựng tại Đức Hòa, Long An từ năm 1964 nhằm biến nơi đây thành căn cứ quân sự vững chắc ở cửa ngõ phía tây Sài Gòn.