Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi lòng cựu chiến binh 32 năm đi tìm công lý

"Không có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng được hưởng bất cứ quyền lợi nào, tôi sống còn chưa bằng một công dân hạng 2 trong xã hội", ông Nguyễn Ngọc Lợi trải lòng về 32 năm vừa qua.

"Tôi như được hồi sinh", ông Lợi hồ hởi mở đầu cuộc trò chuyện với Zing.

Hơn 30 năm sống như người không danh tính, có trình độ đại học mà không cơ quan nào nhận, cựu binh Nguyễn Ngọc Lợi được xem xét trả lại quyền lợi khi mái đầu đã 2 thứ tóc, khuôn mặt khắc khổ sau những năm tháng bươn trải mưu sinh.

Người đàn ông tâm sự: "Tôi như một tù nhân, mất hết mọi quyền lợi, chỉ khác là không bị giam giữ. Không giấy tờ tùy thân, cũng chẳng được hưởng bất kỳ chính sách nào, tôi đã trải qua giai đoạn sống không bằng một công dân hạng 2 trong xã hội".

Bị công an bắt vì không có lai lịch rõ ràng

Ông Nguyễn Ngọc Lợi (68 tuổi, ở huyện Lâm Thao, Phú Thọ) là cán bộ đi B, được cử đi học tại Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên sau chiến tranh và tốt nghiệp năm 1988. Sau tốt nghiệp, ông không được các cơ quan, đơn vị công nhận do việc bàn giao của trường không đúng quy định.

32 nam di tim cong ly anh 1

Ông Lợi trải qua hơn 3 thập kỷ "sống mà không được ai công nhận". Ảnh: N.H.

Cụ thể, ông Lợi cho biết thay vì trả hồ sơ để mình trở về cơ quan cũ là Ủy ban Thống nhất Chính phủ (nay là Văn phòng Chính phủ) theo đúng quy định, trường lại điều ông về Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú.

Không những vậy, bộ hồ sơ được trường bàn giao cho sở này cũng không đầy đủ, thiếu chính xác. Theo ông Lợi, ngoài việc thiếu giấy tờ, bộ hồ sơ này còn khiến ông gặp bất lợi khi Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên đính kèm 2 quyết định kỷ luật đối với ông thời còn đi học, bất chấp việc những quyết định này đã bị hủy bỏ.

Những tài liệu này gây bất lợi về nhân thân và không có giá trị để ông Lợi nối tiếp biên chế Nhà nước. Tới khi Vĩnh Phú tách tỉnh thành Vĩnh Phúc và Phú Thọ, bộ hồ sơ của cựu quân nhân này bị thất lạc.

Không có giấy tờ, ông Lợi không thể xin việc và cũng không được hưởng bất kỳ quyền lợi, chế độ nào suốt 32 năm qua.

"Hành động của họ như đuổi tôi ra đường. Tôi sống lang thang, không người cưu mang, bảo trợ. Nhiều khi, tôi thấy mình như tồn tại bất hợp pháp trong xã hội vì làm gì có giấy tờ chứng minh nhân thân đâu", cựu quân nhân trải lòng.

Kể về một kỷ niệm khó quên suốt giai đoạn này, ông Lợi tiếp lời: "Năm 2000, khi cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang Việt Nam, tôi còn bị công an bắt vì họ lo sợ tôi thuộc diện người lang thang, không có lai lịch rõ ràng, có nguy cơ làm ảnh hưởng tới trật tự xã hội".

Ngôi nhà nhỏ trên phố Đặng Dung (Hà Nội) được chia trước đây cũng bị thu hồi sau khi thành phố có chính sách phân lại nhà. Người cựu chiến binh không thể mua lại ngôi nhà đó do không có giấy tờ hợp lệ và lâm vào cảnh không nơi ăn, chốn ở.

Khi mọi thứ tưởng như rơi vào ngõ cụt, ông may mắn được các đồng đội cũ trong đơn vị dang tay cưu mang, giúp đỡ.

Họ quyên góp, phát động chiến dịch giúp đỡ ông Lợi và xây cho ông một căn nhà trên đường Cổ Nhuế (Hà Nội). Ngoài ra, ông cũng được bảo lãnh để làm nhiều công việc thời vụ khác nhau như viết báo, làm trợ lý bác sĩ hay chữa bệnh thuê.

"Các tổng biên tập hiểu rõ về hoàn cảnh của tôi, lại thấy tôi viết tốt do có kiến thức về lĩnh vực y khoa nên cho tôi mức đãi ngộ rất cao. Có khoảng 20 cơ quan báo chí đã giúp đỡ tôi trong thời gian đó và tôi cảm thấy biết ơn họ về điều này", ông Lợi chia sẻ.

Lấy vợ không đăng ký, đẻ con không khai sinh

9 năm sau khi ra trường, ông Lợi kết hôn. Tuy nhiên, do không có giấy tờ hợp lệ, cuộc hôn nhân của ông không được các cấp chính quyền công nhận.

"Tôi như cưới vợ chui bởi dù đã đi khắp các cấp chính quyền, từ xã tới tỉnh, việc hôn nhân của chúng tôi không được ai xác nhận cho. Được một thời gian, nhà vợ tôi kiên quyết yêu cầu phải lấy được giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Nếu không có giấy, họ không cho phép chúng tôi ở cùng nhau nữa. Tôi phải thuyết phục, động viên mãi, họ mới chấp nhận", người đàn ông 68 tuổi giãi bày.

Năm 1998, vợ chồng ông đón con gái đầu lòng. Tuy nhiên, con gái của ông cũng không thể mang danh phận rõ ràng do chưa thể làm thủ tục đăng ký khai sinh.

"Cán bộ xã không thể làm giấy khai sinh cho con do tôi không có giấy chứng minh nhân dân. Họ bảo chỉ làm được nếu vợ tôi đồng ý làm mẹ đơn thân, tức chỉ có tên bà trong giấy khai sinh của con. Tất nhiên, tôi không thể chấp nhận điều này", ông Lợi nhớ lại.

Hai năm sau, vợ chồng ông đón người con thứ hai, và điều tương tự lặp lại. Chỉ tới khi có sự can thiệp của các cơ quan trung ương, vợ chồng ông mới có thể làm giấy khai sinh cho các con cũng như hợp pháp hóa việc kết hôn của mình.

Ngày 23/2, Tranh tra Chính phủ ban hành công văn yêu cầu rà soát lại vụ việc khiếu nại đòi quyền lợi của ông Nguyễn Ngọc Lợi.

Qua xác minh, Thanh tra Chính phủ xác định những nội dung khiếu nại của ông Lợi suốt 32 năm qua là có cơ sở giải quyết. Cơ quan này đã chỉ rõ những sai phạm, khuyết điểm trong quá trình giải quyết khiếu nại, đồng thời kiến nghị các tổ chức liên quan khôi phục những quyền, lợi ích hợp pháp của ông Lợi.

Trong công văn 262 của Thanh tra Chính phủ, đơn vị xác định việc xảy ra khiếu nại và giải quyết khiếu nại có trách nhiệm của Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các đơn vị này đã điều động ông Lợi không đúng theo quy định, làm thất lạc hồ sơ, áp dụng xử lý khiếu nại không đúng pháp luật và không giải quyết triệt để, chính xác, khách quan những khiếu nại để trả lại quyền lợi cho cựu quân nhân này.

Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị cơ quan chức năng khôi phục và bàn giao cho ông Lợi các giấy tờ, tài liệu, hồ sơ có liên quan, đồng thời đảm bảo các quyền, lợi ích của ông theo đúng quy định của pháp luật.

Cựu quân nhân 32 năm đi đòi quyền lợi

Thanh tra Chính phủ kiến nghị chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tập thể liên quan tới việc ông Lợi phải đi tìm quyền lợi suốt 32 năm qua.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm