Mỗi dịp cuối năm, không khí ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8 (TP.HCM) lại rộn ràng hơn hẳn với sự xuất hiện của nhiều đoàn thể, khán giả đến chúc Tết, thăm hỏi và gửi quà.
Đây là niềm an ủi, động viên rất lớn dành cho những nghệ sĩ neo đơn đang sinh sống tại đây. Không chỉ là những món quà, điều quan trọng hơn cả với họ là mỗi dịp này, họ lại được ca hát, được nhận những tràng vỗ tay, như được sống lại thời hoàng kim.
Khoảng 20 nghệ sĩ gắn bó với viện dưỡng lão, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau. Cũng vì vậy mà mỗi khi Tết đến xuân về, các nghệ sĩ lão làng cũng có những niềm vui, nỗi buồn riêng biệt.
Nghệ sĩ Diệu Hiền: Về già mới biết cái Tết
Cô đào chính Diệu Hiền của đoàn hát Thống Nhất - từng được khán giả ưu ái phong tặng danh hiệu Đệ nhất đào võ cải lương của những năm 1960 - quyết định vào sống ở viện dưỡng lão từ tháng 12/2015, khi đã 71 tuổi.
Trước đó, gia đình bà với 11 nhân khẩu, gồm 5 người con, 2 con dâu, một người em và 2 cháu nội sống chung trong căn hộ dài 12 m, rộng 3,8 m tại khu tập thể ở quận 11 (mua từ hơn 20 năm trước).
Cách đây hơn một năm, với tâm nguyện không muốn làm gánh nặng cho con cháu và nhận được sự động viên của Hội sân khấu TP.HCM, bà làm đơn xin vào viện và được chấp thuận.
Nghệ sĩ Diệu Hiền (giữa) cùng các nghệ sĩ lão thành sống tại viện dưỡng lão hạnh phúc khi được các đoàn thể đến thăm. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc. |
Năm nay là lần thứ 2 nghệ sĩ Diệu Hiền đón Tết ở căn nhà chung này. Nói về cái Tết ở viện dưỡng lão, bà kể mọi thứ cũng rất bình thường, không tổ chức quá hoành tráng.
Dù vậy, mọi người vẫn ít nhiều cảm nhận được không khí Tết. Trước giao thừa, các tình nguyện viên đến để phụ giúp dọn dẹp, nấu bánh chưng. Nhiều mạnh thường quân cũng góp thêm bánh tét, những chậu cúc, mai giả để trang trí.
Do điều kiện sinh hoạt hạn chế nên con cháu các nghệ sĩ khi đến thăm cũng cùng nhau ra băng ghế đá ngoài vườn đển trò chuyện rồi lì xì lấy hên.
Hỏi nghệ sĩ Diệu Hiền về niềm vui ngày Tết, bà tâm sự: “Ngày xưa, chúng tôi lo hát sao để khán giả vui lòng. Khán giả thích thì cũng như lấy hên cả năm. Còn bây giờ già rồi, già cả hết nên không mong mỏi điều gì. Chỉ cần thấy con cháu học giỏi là tôi vui rồi”.
Nữ nghệ sĩ U80 cho biết sau này khi về già bà mới biết không khí Tết mùng 1, mùng 2 là như thế nào. Bởi trước đây, trong những ngày mọi người vui chơi là lúc bà phải đi diễn khắp các tỉnh thành.
Tuy nhiên, bà không buồn vì điều đó: “Sống với nghề phải lo cho nghề, vui với nghề chứ đâu phải bỏ gia đình để đi chơi mà buồn. Chồng con ai cũng hiểu cho tôi".
"Sau này dù có nhớ nghề nhưng tôi hiểu mình đến đó là phải dừng. Quãng thời gian ngắn ngủi cuối đời, tôi niệm Phật cho lòng thanh thản. Không phải niệm giống trong chùa mà lên xuống giọng như cải lương, chắc do máu nghề đã ăn sâu vào người”, bà cho biết.
Nghệ sĩ Ngọc Hương: Sợ không có tiền lì xì cho cháu
Vào viện dưỡng lão cùng thời điểm với nghệ sĩ Diệu Hiền là nghệ sĩ Ngọc Hương. Năm rồi, bà được con cháu rước về nhà ngày 30 Tết và mùng 1. Nhưng năm nay, trưởng đoàn Hương Mùa Thu một thời chia sẻ mình muốn ở lại viện dưỡng lão.
Nguyên nhân vì các con bà rất khó khăn, phải ở nhà mướn nên bà ngại làm phiền. Một phần cũng vì bà lo sợ nếu về không có tiền lì xì cho con cháu. Mang trong mình nỗi tủi thân này nên một tháng trước Tết, bà luôn có tâm trạng buồn và cô đơn.
“Tôi mong có vị mạnh thường quân nào giúp đỡ thì mới dám về nhà Tết này, còn giúp con trang trải cuộc sống, giúp cháu có tiền đóng tiền học”, bà nói.
Nghệ sĩ Ngọc Hương (bìa trái) vừa chuyển vào viện dưỡng lão hơn một năm. Ảnh: CB. |
Nhắc lại câu chuyện cuộc đời của mình, nghệ sĩ Ngọc Hương vẫn rưng rưng nước mắt. Bà sinh năm 1942 trong một gia đình có truyền thống hát bội tại Bến Tre.
Đỉnh cao sự nghiệp của bà đến vào khoảng năm 1964, khi bà giành được Huy chương vàng giải Thanh Tâm cho vai chính trong tuồng Ảo ảnh Châu Bích Lệ. Cùng thời điểm, bà kết hôn với soạn giả Thu An rồi hai vợ chồng mượn tiền góp để lập nên đoàn Hương Mùa Thu.
Vào những năm 1980, cải lương đi xuống dẫn đến việc đoàn phải giải thể. Bà và chồng bán căn nhà tại trung tâm thành phố để trả nợ và chuyển ra ngoại thành sinh sống.
Từ đó, cả hai sống nhờ thù lao sáng tác và diễn kịch truyền hình. Đỉnh điểm khó khăn xảy đến khi chồng bà mắc bệnh viêm phế quản mãn tính, phải thở bình oxi.
Nữ nghệ sĩ kể không có bệnh viện nào ông chưa nằm qua. Để có tiền chữa chạy, gia đình phải bán bản thảo kịch bản mà ông dày công chấp bút còn bà liên tục đi ca ở các quán hát với nhau.
Năm 2005, ông qua đời. Lúc này, ngôi nhà ở bao lâu cũng bị ngân hàng siết nợ vì món tiền vay lo chạy chữa bệnh cho ông quá lớn. Bà đến ở với con trai trong một ngôi nhà nhỏ hẹp.
Đến năm 2015, sau khi bị té cầu thang phải nằm một chỗ, không thể tự thực hiện vệ sinh cá nhân, bà nhận ra con cái không có điều kiện nuôi dưỡng mình. Bà cũng xin vào ở viện dưỡng lão.
Nghệ sĩ Ngọc Hương và nghệ sĩ Diệu Hiền vào viện dưỡng lão cùng lúc và sống chung phòng nên trở thành bầu bạn thân tình. Ảnh: Xí Muội.
|
Cô đào nổi danh một thời kể lại những ngày đầu vào đây sinh sống, không quen biết ai từ trước nhưng do cùng ngành nghề nên bà nhanh chóng làm quen với những người bạn mới, cùng nhau chia sẻ tâm sự.
Với nghệ sĩ Ngọc Hương nói riêng và những nghệ sĩ sống trong viện dưỡng lão nói chung, niềm vui lớn nhất là vào mỗi đêm văn nghệ cây nhà lá vườn tổ chức vào rằm hàng tháng.
“Ai khỏe thì lên hát, còn không thì ngồi vỗ tay cho các cháu tình nguyện”, bà kể. Nghệ sĩ Ngọc Hương nói thêm nếu bà không gắng gượng thì có lẽ đã không đi đến chặng đường này của cuộc đời.
Lúc này, bà chỉ có ước nguyện đơn giản: “Chết thì cho tôi chết trên sân khấu, chết gần bàn thờ Tổ”.
Niềm vui giản dị của các nghệ sĩ một thời khi về già. Ảnh: Xí Muội. |
Tết năm nay, khu viện dưỡng lão thiếu vắng hơn khi thành viên lớn tuổi nhất là nghệ sĩ Phạm Văn Lang (Tám Lang) vừa ra đi hồi cuối năm ngoái. Ông là một trong những tay trống kỳ cựu đầu tiên của làng âm nhạc VN trong những thập niên 1950 - 1960.
Mất đi một người bạn, cuộc sống của viện dưỡng lão như mất đi một điều gì đó thân thuộc. Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, và những người bạn già tiếp tục nương tựa vào nhau để san sẻ nỗi cô đơn cuối đời.