Khi bắt đầu câu chuyện, độc giả sẽ bị cuốn hút bởi lối viết giản dị nhưng đầy gợi mở của Natsume Soseki, với câu chuyện về cuộc gặp gỡ của nhân vật Tôi và Tiên sinh. Hai người gặp nhau và từ đó bắt đầu qua lời kể của cả hai nhân vật, như một cách đối thoại, số phận của người trẻ, và bí mật của một người già được hé lộ.
Tôi sắp tốt nghiệp đại học, đang đứng giữa những ngã ba đường của một cuộc sống mới, với rất nhiều những hoang mang sầu muộn. Tiên sinh là một người lặng lẽ, sống cùng vợ và suốt một thời gian dài không làm việc, cũng không giao du với ai. Tôi cố gắng cố gắng bước vào mê cung của tâm trí với đầy những câu chuyện thầm kín riêng tư. Khi tình bạn lạ kỳ giữa hai thân phận ấy bắt đầu nảy nở, ấy là lúc hành trình của Tiên sinh dần đi đến cuối cùng.
Tác phẩm Nỗi lòng của Natsume Soseki. |
Ở Nỗi lòng, Soseki không đơn thuần viết về nỗi cô đơn. Nỗi lòng thực chất là hành trình của một số phận con người. Là hành trình của sự nhìn nhận tội lỗi. Suy cho cùng, cái chết của Tiên sinh là sự giải thoát, và cũng là một điều hạnh phúc. Kỳ thực, Tiên sinh trở nên như vậy không phải bởi bị nhấn chìm trong nỗi cô đơn giữa nhân tình thế thái. Ông chọn đời sống như vậy bởi mặc cảm tội lỗi, ám ảnh tội lỗi về cái chết của người bạn thân. Tội lỗi ấy khiến ông tự coi thường bản thân, xem bản thân chẳng khắc gì những người đã từng hãm hại ông mà cả đời ông khinh ghét.
Sự xuất hiện của Tôi trong cuộc đời Tiên sinh cũng giống như là một nguồn cơn, để ông có thể tìm thấy sự giãi bày, và sự giãi bày ấy đã khiến ông nhẹ nhõm mà quyết định đi đến cái Chết. Một cái chết tuyệt đẹp, như là bản năng hủy diệt tự nhiên nhất của con người.
Cần phải nhấn mạnh rằng, với Soseki, cái chết chính là một sự biến thể của cái đẹp, là sự trở về với một hình thái khác nhưng vẫn giữ nguyên bản chất ban đầu của nó. Cái chết mà Soseki cắt nghĩa, không phải là sự chấm dứt hoàn toàn của sinh mệnh mà bên trong nó, nhà văn còn nung nấu một sự trở về nào đấy rất xa trong những giấc mộng của mình. “Nhưng bây giờ tự tay tôi, tôi sắp sửa moi móc, mổ phanh trái tim tôi ra và ấn đầu chú xuống vũng máu chan hòa. Và nếu khi tim tôi ngừng đập mà có được một cuộc đời mới nảy sinh trong lồng ngực chú, thực tôi mãn nguyện vô cùng”, chính là sự nối tiếp nhân duyên giữa cuộc đời vốn dĩ nhiều sự đứt đoạn bất ngờ này.
Nỗi lòng là cuốn sách sẽ khiến độc giả phải ngừng lại rất nhiều lần, để hít thở, để đọc lại đoạn vừa đọc, bởi sự riêng tư quá của câu chuyện. Câu chuyện của họ hiền hậu đến nỗi khiến trái tim cũng trở nên từ tốn. Có khi độc giả sẽ thấy mình như một người đang nhìn trộm, chỉ dám đứng ở xa để ngắm nhìn hai người đàn ông trong cái nỗi lòng sâu thẳm của họ.
Soseki đã quá tinh tế trong khi thản nhiên mà để nỗi lòng riêng tư tuôn chảy như dòng nước nhỏ, rất nhỏ giữa một cánh đồng mênh mông. Nỗi lòng của mỗi người đều riêng tư đến thế, bí mật đến thế, thăm thẳm đến thế, và chỉ có những lặng lẽ dịu dàng mới có thể khiến nỗi lòng ấy một lần cất tiếng, để rồi giã biệt. Nỗi lòng là dư âm, vang vọng mãi trong thinh lặng.
Đọc Nỗi lòng cũng không nên tách khỏi bối cảnh mà câu chuyện diễn ra. Ấy là những năm vừa kết thúc Minh Trị, và nước Nhật buộc phải bước sang một giai đoạn sống mới, với biết bao nhiêu điều giá trị đang dần tàn phai, và bao nhiêu con người đứng giữa những hoang mang chất chứa ấy. Và Tiên sinh chỉ là một thân phận trong vô vàn những thân phận của đất nước khi ấy.
Một cuốn sách đầy xáo trộn, quá riêng tư, được viết bằng ngôn ngữ văn chương giản dị, với lối miêu tả tâm lý vô cùng tinh tế, sâu kín, thanh cao đã khiến cho Nỗi lòng chắc hẳn sẽ khiến người đọc phải bần thần, và ngưỡng mộ. Cuốn sách cũng chính là một đại diện xuất sắc cho trường phái văn chương “tâm lý cao sang” mà Soseki là chủ soái quan trọng.
Bắt đầu từ Tôi là con Mèo, Cậu ấm thơ ngây, tiếp đó là Gối đầu lên cỏ, Mười đêm mộng và Nỗi lòng,.. Soseki viết càng lúc càng buồn bã, nhưng nỗi buồn đẹp đẽ đến ngây dại, và dịu dàng đến lặng im. Dù chẳng khi nào Soseki cố gắng về về niềm khổ đau của con người bằng ngòi bút bi ai, nhưng rồi những giản dị, thủ thỉ, bằng lối tự sự điềm tĩnh như thơ thẩn giữa cánh đồng, ông đã tạo nên một không khi bi ai, đẹp xinh và mong mảnh mà bất kì ai bước vào cũng phải thẫn thờ.
Cùng với Ogai Mori và Akutagawa Ryunosuke, Soseki được các nhà phê bình đánh giá là “một trong ba trụ cột của văn học hiện đại Nhật Bản”. Và để tôn vinh những cống hiến của Natsume Sōseki cho sự nghiệp hiện đại hóa nền văn học Nhật Bản, chân dung của ông được Chính phủ Nhật Bản in trên đồng tiền giấy một nghìn Yen phát hành suốt từ năm 1984 đến năm 2004.