Phân tích
Trong 5 bàn tuyển Việt Nam ghi được ở vòng loại World Cup 2022, chỉ 2 pha lập công đến từ các tiền đạo, con số tương đương 40%. Cả hai đều thuộc về Nguyễn Tiến Linh, một trong số đó trực tiếp mang về chiến thắng, bàn còn lại chỉ có ý nghĩa gia tăng hiệu số.
Xét về hiệu suất làm bàn, các tiền đạo tuyển Việt Nam còn kém hơn hậu vệ. HLV Park Hang-seo lo lắng, nhưng không có lựa chọn khác.
HLV Park hết tiền đạo
Hà Đức Chinh, Nguyễn Công Phượng và Tiến Linh được HLV Park Hang-seo đánh giá là những tiền đạo nổi trội bậc nhất bóng đá Việt Nam hiện tại. Hai trong ba cầu thủ này gắn bó với ông Park từ U23 Việt Nam. Đức Chinh và Công Phượng lần đầu lập công dưới thời HLV Park Hang-seo ở U23 giải châu Á 2018. Tiến Linh phải đợi đến AFF Cup 2018 mới bắt đầu ghi bàn.
Hai năm qua, HLV Park vẫn quanh quẩn với 3 lựa chọn ấy. Ngoài Anh Đức, chưa ai khiến ông thấy yên tâm hơn 3 người trên.
Nếu tuyển Việt Nam không bị hoãn đợt tập trung giữa tháng 8, tiền đạo Nguyễn Anh Đức đã được triệu tập. Trong màu áo HAGL, Anh Đức đá 190 phút cho HAGL. Sau 9 trận, tiền đạo này không ghi bàn hay kiến tạo.
Ngay với nhóm tiền đạo ông đánh giá là nổi trội, Đức Chinh cũng có mùa giải không thành công. Sau 14 trận V.League 2020, tiền đạo sinh năm 1997 ghi 4 bàn. Hai năm qua, Đức Chinh ghi vỏn vẹn 6 bàn ở V.League dù đá tới 37 trận, trung bình 0,16 bàn mỗi trận. Đức Chinh được gọi vì quen với chiến thuật của thầy Park sau 3 năm gắn bó từ U23 đến đội tuyển. Anh rõ ràng chưa phải chân sút giỏi.
Tiến Linh và Công Phượng nổi trội hơn. Công Phượng chơi tốt ở CLB TP.HCM với 6 bàn sau 12 trận, là cầu thủ Việt Nam hiếm hoi không bị cái bóng của ngoại binh phủ mờ. Tiến Linh ghi 5 bàn sau 18 trận, hiệu suất không cao hơn Đức Chinh, nhưng lại là tiền đạo duy nhất của tuyển Việt Nam “biết ghi bàn” trong nửa cuối năm 2019.
HLV Park Hang-seo không đề cập đến nhóm tiền đạo còn lại, đồng nghĩa với cơ hội cho Hồ Tuấn Tài, Phan Văn Long gần như không có, dù họ xuất hiện ở đợt triệu tập với quy mô lớn bất thường này. Gọi tới 12 tân binh, nhưng ở nhóm tiền đạo, HLV Park đã đề cập đến khả năng không có một tiền đạo nào mới.
HLV Park hiểu được vấn đề của hàng công, nhưng không làm gì được. Thay đổi chất lượng tiền đạo nội vốn dĩ không phải điều ông có thể can thiệp.
Tiến Linh là tiền đạo Việt Nam duy nhất đã ghi bàn ở vòng loại World Cup 2022. Số bàn thắng của các tiền đạo còn lại như Công Phượng, Đức Chinh là 0. Ảnh: Minh Chiến. |
Chân sút nội mờ nhạt
HLV Park Hang Seo cho rằng 70% - 80% đội bóng ở V.League ưu tiên tiền đạo ngoại. Số đội dùng tiền đạo nội rơi vào 20% - 30%, tương đương 3 đến 4 đội. Có lẽ, HLV Park Hang-seo vẫn nói quá. Ở V.League, không đội bóng nào đặt trọng tâm tấn công vào tiền đạo nội. Các CLB thường dùng một đến hai ngoại binh cho vị trí tiền đạo. Cá biệt như CLB Hải Phòng, đội bóng này chơi với cả ba tiền đạo ngoại.
Hình ảnh nhà vô địch Viettel càng cho thấy xu hướng sử dụng ngoại binh phổ biến ra sao. Trọng trách tấn công của đội bóng áo lính được dồn lên vai bộ đôi Venancio Caique và Bruno Cunha. Hai ngoại binh của Viettel ghi 13 bàn, chiếm gần nửa tổng số pha lập công của CLB này. Các tiền đạo nội của Viettel ở đâu? Nguyễn Việt Phong ghi 2 bàn, Trương Tiến Anh, Nhâm Mạnh Dũng và Trần Danh Trung không ghi được bàn nào.
Nếu Viettel trao cơ hội cho nhóm tiền đạo nội, rất khó để HLV Trương Việt Hoàng có danh hiệu V.League đầu tiên trong nghiệp huấn luyện. Viettel đá không quá hay ở giai đoạn cuối giải. Họ phòng ngự chặt và chờ đợi cú vung chân bất chợt của các ngoại binh để lấy 3 điểm. Thành tích vẫn là yếu tố sống còn, nhất là với thể thức thi đấu mới. Đặt vào canh bạc nội binh và chịu rủi ro thành tích là điều rất ít đội ở V.League lựa chọn.
Không có thống kê chính thức, nhưng có lẽ trên hai phần ba đội V.League hiện tại đá theo trường phái phòng ngự phản công. Ngoài số rất ít đội như CLB Hà Nội, CLB Quảng Ninh, CLB TP.HCM, rất ít CLB chơi tấn công kiểu áp đặt. Khi đá phản công, tiền đạo phải cáng đáng khối lượng vận động lớn, từ chạy nước rút thường xuyên theo chiều dọc sân, chịu va đập đến săn bàn.
Xét về yếu tố này, tiền đạo nội thua xa ngoại binh. Thành công của CLB Sài Gòn mùa trước cũng có chiều hướng tương tự. Geovane Magno và Pedro Paulo lo tấn công, phần còn lại tập trung bảo vệ khung thành.
Trong 8 cầu thủ ghi nhiều bàn nhất lượt đi, Công Phượng là tiền đạo nội duy nhất có mặt. Trong 8 cầu thủ ghi nhiều bàn nhất lượt về, Quang Hải là đại diện hiếm hoi. Ở CLB Hà Nội, Quang Hải sắm vai tiền vệ, được ngoại binh dọn đường phía trên để ghi bàn.
Công Phượng (giữa) tiến bộ ở CLB TP.HCM, nhưng cầu thủ này không phải tiền đạo cắm điển hình. Ảnh: Duy Anh. |
Để cạnh tranh với ngoại binh, nội binh phải có sự đột phá về hình thể, sức mạnh và tư duy chơi bóng. Nếu không, cầu thủ nội phải thích nghi, chấp nhận dạt biên, đá lùi hơn trong khâu tấn công hoặc khéo léo tận dụng ngoại binh để tỏa sáng, điển hình như Công Phượng. Tiền đạo sinh năm 1995 hoạt động rộng và tận dụng sức tỳ đè của tiền đạo Amido Balde để săn bàn, chấp nhận thi đấu xa vòng cấm hơn, thay vì thi đấu như một trung phong, vốn đòi hỏi thể hình rất tốt.
Ở HAGL, Nguyễn Văn Toàn cũng hài lòng với khoảng không hoạt động bên cánh nhiều hơn là thường trực vòng cấm, tương tự là Phan Văn Đức và Hồ Tuấn Tài ở SLNA. Tất cả đều sắm vai tiền đạo lùi hoặc tiền đạo cánh. Không ai là trung phong thuần túy.
Do vai trò quá lớn của ngoại binh, mẫu tiền đạo nội được giao nhiệm vụ làm tường hay săn bàn ngày càng ít đi. Họ phải thay đổi để đánh bật ngoại binh hoặc chấp nhận thích nghi. Với các chân sút nội, tự tìm được chỗ đứng ở CLB chủ quản đã khó, chưa nói đến hoàn thiện các kỹ năng săn bàn để đáp ứng yêu cầu trong hệ thống chiến thuật của HLV Park Hang-seo.
Khi còn cầm quân ở K.League, HLV Park Hang-seo cũng không tin tưởng nhiều vào các cầu thủ Hàn Quốc, mà trọng dụng nhiều ngoại binh. Chiến lược gia này cũng nên thông cảm với các HLV trong nước. Trình độ tiền đạo nội chưa đủ để thực hiện cách mạng về cách dùng người ở V.League, chưa kể áp lực thành tích luôn đè nặng các HLV.