Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nơi lịch sử một lần nữa bị xóa sổ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Antakya từng là nơi hình thành nhiều nền văn minh nhưng nó đã bị tàn phá nặng nề nhất trong trận động đất kinh hoàng vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ.

dong dat tho nhi ky anh 1

Trong gần hai tuần, Mehmet Ismet đã sống tại đống đổ nát của một thánh đường Hồi giáo ở Antakya - địa danh lịch sử từng nổi tiếng là nơi giao thoa giữa các nền văn minh trong hàng nghìn năm nhưng bị tàn phá bởi trận động đất kinh hoàng.

Người đàn ông 74 tuổi trú ẩn tại thánh đường Hồi giáo Habib Najjar sau trận động đất mạnh 7,8 độ giết chết hàng chục nghìn người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào ngày 6/2.

Ông đã ngủ và cầu nguyện dưới phần mái vòm vẫn còn trụ vững, thương tiếc cho tương lai của thành phố nổi tiếng cùng với quá khứ huy hoàng.

Antakya gần như bị tàn phá hoàn toàn sau trận động đất. Phần lớn thành phố là đống đổ nát. Những công trình may mắn không đổ sập thì trở nên quá nguy hiểm để tiếp tục sinh sống. Vì vậy, hầu hết người dân đang rời đi, theo AP.

“Các công trình có thể được xây dựng lại. Nhưng nó sẽ không còn giống cái cũ”, Ismet nói, chỉ vào những dấu vết tàn phá ở thánh đường Hồi giáo, nơi ông đang ngồi cùng với một người bạn bên lò sưởi đốt củi. “Giờ nó chỉ còn lại cái tên”.

dong dat tho nhi ky anh 2

Hai trận động đất mạnh 7,7 và 7,6 độ richter có tâm ở Kahramanmaraş đã gây ra sự tàn phá lớn, tòa tháp và nhiều công trình bên trong nhà thờ Hồi giáo Habib-i Neccar bị đổ hoàn toàn. Ảnh: arkeofili

Lịch sử huy hoàng

Antakya, được gọi là Antioch trong thời cổ đại, đã nhiều lần bị phá hủy bởi động đất và được xây dựng lại trong lịch sử.

Nhưng người dân lo sợ rằng sẽ mất rất lâu nữa thành phố mới phục hồi và bản sắc lịch sử độc đáo của nó có thể không bao giờ được khôi phục hoàn toàn. Sự tàn phá quá lớn, trong khi họ nói rằng chính phủ ít quan tâm đến khu vực này.

Antioch, được xây dựng vào năm 300 trước Công nguyên bởi một vị tướng của Alexander Đại đế ở thung lũng sông Orontes. Đây là một trong những thành phố lớn nhất của thế giới Hy Lạp - La Mã, sánh ngang với Alexandria và Constantinople.

Sự kết hợp giữa các tín ngưỡng là một phần đặc điểm của thành phố.

Người ta cho rằng Thánh Peter và Thánh Paul đã lập một trong những cộng đồng Cơ đốc lâu đời nhất ở đây. Và chính tại đây, từ “Cơ đốc” lần đầu tiên được sử dụng.

Trong khi đó, Ismet chia sẻ ông hay nghĩ đến câu chuyện ngụ ngôn trong Kinh Qur'an. Theo đó, 3 sứ giả của Thánh Allah đã đến một thị trấn, thúc giục những người tội lỗi làm theo lời Ngài. Họ từ chối, và Thánh Allah đã phá hủy thành phố bằng một vụ nổ lớn. Kinh Qur'an không nêu tên thị trấn, nhưng nhiều người nói rằng đó là Antioch cổ đại.

“Tất cả tôn giáo đều ở đây. Chúng tôi đã sống tốt. Sau đó, chính trị và đạo đức giả chiếm ưu thế, và sự bất đồng kéo theo”, Ismet nói.

Giờ đây, người dân chỉ có thể đến được thánh đường Hồi giáo Habib Najjar bằng cách trèo qua đống bê tông và những tảng đá cũ từng là một phần của thành phố cổ. Theo năm tháng, nó đã in hằn dấu tích lịch sử Antakya. Địa điểm này ban đầu là một ngôi đền ngoại giáo cổ, sau đó là một nhà thờ, trước khi trở thành thánh đường Hồi giáo, được xây dựng vào thế kỷ 13.

dong dat tho nhi ky anh 3

Đống đổ nát một tòa nhà bị sập do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

“Lịch sử một lần nữa bị xóa sổ”

Trong những năm gần đây, Antakya đã chứng kiến ​​​​sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng cùng làn sóng di cư ngày càng tăng đến châu Âu và vùng Vịnh.

Điều này đã dẫn đến những căng thẳng giữa dân cư địa phương và người di cư Syria chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở đất nước mình.

Động đất càng khoét sâu mâu thuẫn này. Mặc dù rất ít bằng chứng, người dân địa phương cáo buộc người tị nạn Syria ăn cắp từ các cửa hàng.

Không chỉ vậy, một số cư dân thành phố còn phàn nàn về việc chính quyền ông Erdogan bỏ bê nơi này, trong lúc bận rộn giúp đỡ các tỉnh khác.

Nhiều người lo lắng cư dân có thể rời đi nếu Antakya không được xây dựng lại nhanh chóng.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tuyên bố sẽ xây dựng lại vùng thảm họa phía nam trong vòng một năm, Reuters đưa tin.

Tờ Daily Sabah trích phát biểu của Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Nuri Ersoy khẳng định bộ này sẽ chịu trách nhiệm với mọi công trình di tích đã đăng ký trong khu vực Antakya.

“Có thể trong một tháng nữa, chúng tôi sẽ bắt đầu cải tạo”, Yahya Coskun, phó tổng giám đốc bảo tàng và di sản văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ, nói về sự tàn phá ở các địa danh của thành phố.

Thợ bạc Jan Estefan, một trong số ít những người theo đạo Cơ đốc còn sót lại ở thành phố, chia sẻ: “Sự hủy diệt của Antakya là một mất mát đối với nhân loại”.

“Dù vậy, chúng tôi vẫn muốn sống ở đây. Chúng tôi không có ý định rời đi”, anh cho hay.

Nhà thờ Chính thống Hy Lạp của Antakya cũng bị phá hủy trong thảm họa gần đây. Nhà thờ từng bị san bằng trong trận động đất năm 1872 và được xây dựng lại.

“Lịch sử một lần nữa bị xóa sổ”, Fadi Hurigil, chủ tịch hội đồng quản trị của Tổ chức Nhà thờ Chính thống Hy Lạp Antakya cho biết.

Người ta cũng thấy những đống gạch vụn ngổn ngang trong các thánh đường Hồi giáo cổ.

Nhà thờ các thánh Peter và Paul ở trung tâm Antakya cũng bị phá hủy. Nhà thờ được xây dựng lần đầu vào những năm 1830 với kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ trước khi đổ sập trong trận động đất năm 1872.

Sau đó, một nhà thờ khác được dựng lên thay thế nhà thờ cũ vào đầu những năm 1900 nhưng cũng không thể đứng vững trong trận động đất có độ lớn 7,8 vừa qua.

Khu chợ lâu đời thì nằm trong đống đổ nát. Dọc Kurtulus Street, con đường được thắp sáng đầu tiên trên thế giới vào ban đêm bằng những ngọn đuốc thời La Mã, các tòa nhà đổ sập.

Trong khi đó, tại Hội đường Do Thái Antakya, nơi sinh hoạt của cộng đồng Do Thái 2.500 năm tuổi trong khu vực, nhiều vết nứt xuất hiện trên tường. Chủ tịch cộng đồng Do Thái của thành phố cùng vợ ông đã thiệt mạng trong động đất.

Giáo sĩ Mendy Chitrik cho biết hơn một chục người Do Thái đã rời đi và các cuộn kinh Torah ở giáo đường đã tạm thời được chuyển đến Istanbul.

Chitrik cho biết sẽ rất khó để cộng đồng nhỏ, lâu đời, bị tàn phá có thể xây dựng lại như cũ.

“Tuy nhiên, tôi chắc chắn mọi thứ rồi sẽ quay trở lại”, ông nói.

Nhiều cư dân dường như đã chấp nhận số phận của thành phố sau thảm họa.

“Sau 7 lần, họ xây dựng lại và làm cho nó sống động trở lại. Bây giờ là lần thứ 8, và Chúa sẵn lòng... chúng ta sẽ sống ở đó một lần nữa”, Bulent Ciffifli nói.

Mẹ anh đã thiệt mạng trong trận động đất và phải mất một tuần người ta mới đào được xác bà ra.

“Dù bằng cách này hay cách khác, Antakya sẽ tồn tại”, anh chia sẻ.

“Cái chết là điều khó tránh khỏi. Chúng tôi sẽ chết và những người mới sẽ đến”, anh nói trong nước mắt. “Antakya là ai? Hôm nay nó là hiện thân của chúng ta. Ngày mai nó là người khác”.

Vấn đề Trung Đông

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…

>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Đằng sau những phép màu trong động đất Thổ Nhĩ Kỳ, Syria

Chia sẻ với Zing, chuyên gia nhận định việc nạn nhân bị mắc kẹt sống sót 5-11 ngày sau động đất là điều hiếm thấy và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan.

Thổ Nhĩ Kỳ phạt 3 đài truyền hình chỉ trích cách ứng phó động đất

Cơ quan quản lý truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ đã phạt ba đài truyền hình Halk TV, Tele 1 và FOX vì đưa tin chỉ trích thiếu sót của chính phủ khi xử lý thảm họa động đất.

Minh An

Bạn có thể quan tâm