Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nỗi khổ của những thần tượng Hàn

Không chỉ chịu đựng sự khắt khe từ công chúng và công ty quản lý, các thần tượng Hàn Quốc còn phải đối mặt vấn nạn bị fan cuồng rình rập từng ngày.

van hoa than tuong Han Quoc anh 1

Trên Twitter, người hâm mộ Kpop xôn xao việc nhóm nhạc WayV một lần nữa trở thành nạn nhân của sasaengfan - cụm từ chỉ những người hâm mộ quá đà, sẵn sàng xâm phạm đời tư và sự an toàn của thần tượng. Từ khóa "Protect WayV" (tạm dịch: Bảo vệ WayV) xuất hiện trên top trending worldwide sau khi các chàng trai lên tiếng về sự việc trên mạng xã hội.

Thành viên Lucas cho biết anh cảm thấy sợ hãi với văn hóa hâm mộ điên cuồng trên. Nam nghệ sĩ nói cảm thấy bản thân bị đe dọa khi có nhiều người cố bám sát để chụp ảnh ngay cả khi anh bước vào nhà vệ sinh.

Sasaengfan là thuật ngữ dùng để chỉ người hâm mộ cuồng nhiệt một cách thái quá, thậm chí dùng mọi cách như tấn công, xâm phạm đời tư, quấy rối tình dục người nổi tiếng, theo JoongAng Daily.

Làn sóng Hallyu đưa nền âm nhạc Kpop nổi tiếng toàn cầu. Song, sự cuồng nhiệt quá đà của một bộ phận người hâm mộ lại trở thành vấn đề nan giải của ngành âm nhạc số một châu Á.

Nỗi khổ của thần tượng Hàn

Sau vụ việc, WayV đã cầu cứu trên Bubble - ứng dụng giúp các thành viên tương tác trực tiếp với người hâm mộ. Nhóm liên tục đăng ảnh, tiết lộ việc họ bị xâm phạm quyền riêng tư thế nào.

"Chào các bạn. Tôi đang quay phim thì đột nhiên có người tiếp cận. Tôi xin lỗi mọi người vì có thái độ tức giận thế này", Lucas nói trong video, đồng thời chia sẻ hình ảnh người đàn ông cố tình áp sát anh.

Trưởng nhóm Kun cũng bày tỏ sự bức xúc khi các thành viên bị xâm phạm đời tư một cách quá mức. "Như vậy là quá đáng", anh cảm thán, đồng thời chia sẻ ảnh sasaengfan đang sử dụng ống kính zoom cận để chụp được ảnh họ bước vào nhà vệ sinh.

Vụ việc khiến người hâm mộ bức xúc. Từ khóa "bảo vệ WayV" liên tục xuất hiện trên các mạng xã hội. Người hâm mộ yêu cầu SM Entertainment có lời giải thích thỏa đáng, tìm cách bảo vệ đời tư ngôi sao.

Trên thực tế, WayV không phải là nạn nhân duy nhất của "tệ nạn" sasaeng.

Giữa tháng 1, ca sĩ Nancy (Momoland) bị phát tán video nhạy cảm. Trong thông cáo báo chí gửi cho truyền thông, công ty quản lý cho biết nữ ca sĩ ở tình trạng tồi tệ, bị tổn thương và suy sụp tinh thần.

TVXQ và JYJ là hai nhóm nhạc chịu sự soi mói của sasaeng nhiều nhất. Trong quá khứ, họ từng bị đột nhập vào căn hộ, gửi nước ép có keo dán, đồ ăn có độc, các thành viên bị đặt thiết bị nghe trộm... theo Yahoo!.

Năm 2012, đoạn ghi âm Yoo Chun và Jae Joong hét vào mặt fan nữ bỗng bị rò rỉ khiến nhóm JYJ phải nhanh chóng tổ chức họp báo để thanh minh. Theo Soompi, Yoo Chun nói họ bị sasaengfan theo dõi suốt 8 năm, cảm giác bị giám sát giống như đang ở tù.

Jun Su khẳng định sasaengfan đã nhiều lần đặt thiết bị nghe lén, theo dõi thông qua GPS, thậm chí đột nhập vào tài khoản ngân hàng của anh. Đoạn video ghi lại cảnh Chang Min của TVXQ xảy ra xô xát với một sasaengfan lan truyền năm 2018 cũng khiến nhiều nghệ sĩ và fan sợ hãi.

Ngoài việc nghe lén, chuyện đeo bám thần tượng không phải là điều hiếm gặp.

Trong buổi diễn Super Show 3 ở Singapore của Super Junior, báo cáo của cảnh sát cho thấy có tám chiếc xe của người hâm mộ đuổi theo và cố gắng tiếp cận các thành viên. "Chúng tôi rất lo lắng khi sasaengfan bám theo rất gần. Chúng tôi không biết làm gì khác ngoài việc tiếp tục lịch trình", đại diện nhóm nói với báo chí.

Sau cùng, một trong những chiếc xe bám đuôi đã va chạm với xe khác, gây ra chuỗi va chạm liên hoàn cho sáu phương tiện giao thông, bao gồm xe của Super Junior, theo Asiaone.

Một dạng sasaeng fan khác đáng sợ hơn là viết huyết thư gửi đến thần tượng. Hành động được đánh giá là đáng sợ, kinh khủng trên đã nhắm tới nhiều thần tượng, và được chia sẻ nhiều nhất là vụ việc xảy ra với Ok Taec Yeon của nhóm 2PM.

Asia Today cho biết một người hâm mộ đã chụp ảnh dính máu gửi đến Taec Yeon. Sự việc khiến nam ca sĩ nói riêng và cả nhóm nói chung hoảng sợ thời gian dài.

Lee Joon của MBLAQ cũng gặp trường hợp tương tự. Anh nhận được thông điệp viết bằng máu với nội dung: "Đừng quên em, Lee Chang Sun (tên thật của Lee Joon). Em chỉ có anh thôi. Yêu anh".

Thông điệp của người này được cho là bắt chước nội dung sasaengfan từng gửi tới thành viên Ok Taec Yeon (2PM). Người này giải thích trên mạng xã hội: "Tôi mới thực sự là người biết gửi thông điệp bằng máu".

Văn hóa thần tượng có vấn đề

Theo Naver, sasaengfan thường thuê taxi, canh chừng thần tượng các buổi biểu diễn, trước đài truyền hình hoặc phía dưới tòa nhà ký túc xá của nghệ sĩ. "Tôi tính giá $30 USD/h. Khó mà dừng lại được bởi tôi kiếm được rất nhiều tiền từ việc này", một tài xế taxi có kinh nghiệm 4 năm làm việc làm việc cho sasaengfan tiết lộ.

Tuy có thể kiếm tiền gấp ba lần việc chạy taxi thông thường nhưng hành vi trên lại vi phạm pháp luật. Nhiều tài xế đã quyết định bỏ nghề dù có cơ hội thu được số tiền kếch xù.

Theo Mnet, nhiều sasaengfan sẵn sàng thuê taxi chạy với vận tốc cao để bám đuôi thần tượng, đôi khi dẫn đến tai nạn giao thông.

JoongAng Daily ước tính sasaeng fan dành khoảng 1 triệu won/tháng (tương đương 900 USD) để bám đuôi thần tượng, chủ yếu dành tiền cho taxi. Asiaone cũng từng ghi nhận trường hợp cô gái phải làm việc bán thời gian ở cửa hàng tiện lợi, sau đó nói dối gia đình học ở trường tư, lấy 800.000 won/tháng để "theo đuổi sự nghiệp sasaeng fan".

Tại Hàn Quốc, nhiều năm liền chính phủ cho rằng sasaengfan là điều bình thường, cho đến khi vụ Kim Chang Wan (giọng ca chính nhóm Sanulrim) bị một sasaeng fan theo dõi suốt 10 năm bị phanh phui.

Với việc ngày càng có nhiều sasaengfan xuất hiện và quấy rối đời tư thần tượng, luật pháp đã đưa ra các biện pháp nhằm bảo vệ giới nghệ sĩ.

Theo Mydaily, Hàn Quốc đã bổ sung tội danh "Quấy rối, theo dõi" vào các bộ luật. Cơ quan Nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) cũng thành lập trung tâm hỗ trợ, cung cấp dịch vụ tư vấn, giảm bớt căng thẳng tâm lý cho thần tượng.

Năm 2013, Đạo luật Vi phạm Trẻ vị thành niên được thay đổi và tăng mức phạt lên 80.000 won (khoảng 75 USD) cho tôi danh rình rập. Ngoài ra, Dự luật mới của Hàn Quốc hồi tháng 2/2016 tăng hình phạt cho hành vi đeo bám lên mức 20 triệu won (khoảng 17.000 USD) cùng hai năm tù vì lo ngại trước vấn nạn tội phạm đeo bám ngày càng gia tăng, theo Korea Times.

Theo SCMP, tháng 11/2020, Bộ Tư pháp Hàn Quốc tuyên bố sẽ thúc đẩy việc mở rộng luật chống rình rập và kêu gọi các hình phạt nghiêm khắc hơn. Song, đến nay mọi thứ vẫn chỉ dừng ở mức phạt tiền hành chính, những nỗ lực bảo vệ thần tượng Hàn vẫn còn khá lỏng lẻo.

Hai tác giả Claudia Valge và Maari Hinsberg đến từ ICDS - Trung tâm Quốc tế về Quốc phòng và An ninh Estonia - từng đưa ra bài nghiên cứu về nền công nghiệp Kpop. Họ cho rằng văn hóa người hâm hộ Hàn Quốc thực sự có vấn đề.

Nghiên cứu chỉ ra rằng công chúng và các công ty giải trí có quyền lực quá lớn, tác động trực tiếp đến thần tượng. Việc "ra lệnh", bắt ép thần tượng đã tạo ra văn hóa hâm mộ lệch lạc. Người hâm mộ bị ám ảnh với việc cai quản đời sống, hành động của thần tượng, khiến giới nghệ sĩ không thể sống theo cách của người bình thường.

Sasaengfan không chỉ đeo bám cuộc sống các sao. Những người hâm mộ quá khích, cuồng tín còn tạo ra ngành kinh doanh phi đạo đức, trong đó bao gồm việc bán đời tư, hoạt động của các thần tượng tại bất kỳ địa điểm nào.

Vì sao Jennifer Lopez ngừng đóng phim?

Nữ diễn viên tranh thủ mùa dịch bệnh để tận hưởng cuộc sống. Cô có sự nghiệp thành công và cuộc sống yên bình bên cạnh hôn phu Alex Rodriguez và 4 con.

Showbiz Hàn và nỗi ám ảnh mang tên lời nguyền 7 năm

Sau khi hết hạn hợp đồng 7 năm với các công ty, nhiều nhóm nhạc tan rã, chọn hướng đi khác vì bị đối đãi thiếu công bằng, không chịu được sức ép từ nhiều phía.

Trịnh Sảng bị cấm vận và bài học đắt giá cho showbiz Trung Quốc

Vụ Trịnh Sảng bị tẩy chay là giọt nước tràn ly đẩy cô vào con đường cấm vận. Nhìn sâu xa, việc nghệ sĩ hạng A bị cấm sóng là cơ hội phát triển của nền công nghiệp phim ảnh.

Trạch Dương

Bạn có thể quan tâm