Thoại là một trong những kỹ năng cơ bản bắt buộc phải có của diễn viên khi đứng trước ống kính. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, không phải ngôi sao nào cũng phát âm tròn vành rõ chữ tiếng phổ thông.
Người được đánh giá cao về năng lực diễn xuất lại mất đài từ, người được đài từ lại diễn không ra thần thái của nhân vật.
Vì vậy, để đảm bảo khán giả có thể dễ dàng theo dõi nội dung, lồng tiếng từ lâu đã trở thành một khâu không thể thiếu trong phim Hoa Ngữ.
Ẩn mình dưới bóng ngôi sao
Tại Trung Quốc, diễn viên lồng tiếng được xem là một nghề chính thức. Sina cho biết ngành nghề này đã tồn tại hơn 30 năm. Dù không bao giờ xuất hiện trước công chúng hay nổi tiếng như diễn viên, nhưng người lồng tiếng là nhân tố quyết định đến 70% thành công của tác phẩm.
Ifeng cho biết giọng nói của diễn viên lồng tiếng không đơn thuần là "nhái giọng" hay "pha tiếng", mà còn phải thể hiện được chiều sâu nội tâm của từng nhân vật.
Quý Quán Lâm (phải) là nghệ sĩ lồng tiếng đứng sau Dương Mịch, Lưu Diệc Phi. Ảnh: QQ. |
Theo thống kê của Cục Điện ảnh Trung Quốc, đất nước tỷ dân hiện "sở hữu" hàng nghìn diễn viên lồng tiếng. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 100 người được xem là "bậc thầy", nói dễ hiểu là diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp, luôn được mời góp mặt trong dự án phim khủng, "bán giọng" cho các ngôi sao hạng A.
Quý Quán Lâm sinh năm 1980. Cô từng góp giọng cho loạt tác phẩm ăn khách như Hậu cung Chân Hoàn truyện, Cung tỏa tâm ngọc, Thiên long bát bộ, Tam sinh tam thế thập lý đào hoa.
Nữ nghệ sĩ là người đứng sau "bao thầu" giọng cho Lưu Diệc Phi (vai Tiểu Long Nữ), Trần Kiều Ân (vai Đông Phương Bất Bại), Tôn Lệ (vai Chân Hoàn), Lâm Tâm Như (vai Đậu Y Phòng).
Sohu cho biết thành công của loạt mỹ nhân có công sức rất lớn của Quý Quán Lâm. Trình độ và kỹ thuật lồng tiếng của cô đạt đẳng cấp thượng thừa, đến mức công chúng còn nghĩ đó là giọng thật của diễn viên. Trong Hậu cung Chân Hoàn truyện, Quý Quán Lâm giả giọng Tôn Lệ thu âm toàn bộ lời thoại.
Khương Quảng Đào là cái tên nổi tiếng bậc nhất trong giới lồng tiếng Hoa ngữ. Anh được xem là thanh xuân của khán giả Trung Quốc. Thời điểm các tựa phim Hong Kong, Đài Loan tấn công thị trường Đại lục, nhà sản xuất đều lựa chọn Khương Quảng Đào để "gửi vàng".
Nghệ sĩ là người đứng sau giọng nói nam thần của các ngôi sao như Tạ Đình Phong, Cận Đông, Ngô Kỳ Long, Lưu Khải Uy, Trương Hàn...
Khương Quảng Đào là nghệ sĩ lồng tiếng hàng đầu trong showbiz Hoa ngữ. Ảnh: Baidu. |
Trong khi đó, Biên Giang nhờ chất giọng nam tính, mạnh mẽ đã được Hoắc Kiến Hoa, La Tấn và Trần Vỹ Đình chọn phụ trách giọng cho nhân vật của họ trong nhiều dự án.
Nói đến tầm ảnh hưởng của diễn viên lồng tiếng phim, Ifeng cho biết Thạch Ban Du là người tạo nên chất giọng hoàn hảo cho "vua hài" Châu Tinh Trì. Nghệ sĩ người Đài Loan từng gây ấn tượng lớn với khán giả qua giọng cười ha hả của nhân vật Tả Tụng Tinh trong Thần bài 2 và nhiều bộ phim khác của Châu Tinh Trì.
On cho biết giọng thật của Tinh Gia lanh lảnh, khá chói tai. Vì vậy, ông luôn gửi gắm nhân vật của mình cho Thạch Ban Du. Về sau, khi người cộng sự thân thiết chuyển sang làm đạo diễn - nhà sản xuất, ông lao đao khi không tìm được ai có chất giọng "thương hiệu" để thế chỗ. HK01 cho biết kể từ khi nghệ sĩ lồng tiếng gạo cội rời bỏ Châu Tinh Trì, phim của "vua hài" bị sụt giảm doanh thu.
Nghề nguy hiểm, lương bèo bọt
"Đứng sau thành công của nhiều dự án, nhưng hào quang không thuộc về chúng tôi. Phần đông khán giả đều cho rằng diễn viên lồng tiếng chỉ đứng trong phòng thu, cầm kịch bản và đọc sao khớp khẩu hình diễn viên trên màn ảnh. Nhưng sự thật đằng sau cái nghề mọi người thường đùa rằng 'nói ra tiền' chính là mồ hôi nước mắt của chúng tôi", sao gạo cội Trương Hàm Dư chia sẻ về góc khuất làm nghề.
Quý Quán Lâm cho biết dù không bao giờ lộ mặt trước ống kính, song họ vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc đặc thù của nghề như cố gắng bắt chước, điều chỉnh giọng nói càng giống giọng thật của diễn viên càng tốt, thanh sắc giọng không được quá đặc biệt, quan trọng nhất là không bao giờ được để lộ danh tính.
Diễn viên lồng tiếng là nghề không mang lại sự nổi tiếng hay tiền tài. Ảnh: Mtime. |
Theo Sohu, tại Trung Quốc, diễn viên lồng tiếng ở mảng truyền hình không được ký hợp đồng lao động. Việc này nhằm mục đích bảo vệ danh tiếng của các minh tinh đứng trước ống kính. "Đây là luật làm nghề của chúng tôi. Cả đời lặng lẽ", Lục Quỹ chua chát cho biết.
Trong showbiz Hoa ngữ, chỉ có số ít nghệ sĩ lồng tiếng như Quý Quán Lâm, Biên Giang, Trương Kiệt hay Lục Quỹ được công chúng biết đến nhờ vào lời khen của "chính chủ" sau dự án.
Còn phần đông những nghệ sĩ khác vẫn sống như người vô danh. Họ chỉ có thể phô trương giọng nói.
Bên cạnh việc phải chấp nhận "vô danh" trên màn ảnh, những cống hiến của diễn viên lồng tiếng không nhận được quả ngọt xứng đáng.
Quý Quán Lâm cho biết diễn viên lồng tiếng là nghề bạc bẽo trong ngành nghệ thuật. Trải qua học hành, khổ luyện không thua kém ca sĩ nhưng thực tế đây chỉ được xem như nghề tay trái. Phần lớn họ đều phải làm thêm các công việc khác để trang trải cuộc sống.
Thêm vào đó, nghề lồng tiếng cũng được xếp vào nhóm nghề lao động nặng và nguy hiểm vì cường độ làm việc cao trong môi trường phòng kín bí bách, nghiêm cấm mở điều hòa và quạt thông gió. Không ít diễn viên cho biết họ nhiều lần bị ngất do bị thiếu dưỡng trong phòng thu.
Biên Giang hiện là nghệ sĩ lồng tiếng đắt show trong giới. Ảnh: Weibo. |
"Lồng tiếng so với đóng phim khổ hơn rất nhiều. Nếu diễn viên ở ngoài có thể thoải mái sử dụng ngôn ngữ cơ thể thì diễn viên lồng tiếng dù khóc cũng không thể rơi dù chỉ một giọt nước mắt. Lao động nặng, nhưng lương thấp khiến nhiều người sớm dứt áo ra đi", Quý Quán Lâm chia sẻ.
Nghệ sĩ Khương Quảng Đào cho hay thông thường diễn viên lồng tiếng phải thực hiện 3-4 tập phim/ngày. Lịch làm việc từ 12h đến 0h. Tuy nhiên, thu nhập của họ chỉ nhỉnh hơn lao động phổ thông bình thường, càng như muối bỏ bể nếu so với diễn viên đứng trước ống kính.
Theo Sohu, lương của diễn viên lồng tiếng chia làm hai dạng: một là lương theo thời lượng lồng tiếng, hai là nhận lương hợp đồng với tư cách nhân viên chính thức cho một hãng phim.
Ngô Lăng Vân cho biết thù lao cơ bản của diễn viên lồng tiếng là 300-500 NDT/tập phim truyền hình. Với phim điện ảnh con số này dao động từ 1.000-2.000 NDT/bộ.
"Lồng tiếng là một nghề khắc nghiệt, công việc nhiều nhưng danh vọng, tiền tài gần như số không. Đây không phải và cũng không thể là nghề giúp kiếm được tiếng tăm, sự giàu có", nam nghệ sĩ chia sẻ.
Biến tướng của việc "vay giọng"
Theo Sina, nếu trước đây lồng tiếng được xem là "cứu tinh" cho các bộ phim mang ngôn ngữ quốc tế, tiếng vùng miền và dành cho những nghệ sĩ sở hữu chất giọng khó nghe, thì ngày nay việc này lại được xem vấn nạn trong showbiz.
Như trường hợp của Dương Mịch, giọng thật của cô không khó nghe, song mang âm sắc trẻ con. Điều này khiến sao nữ phải cậy nhờ đến diễn viên lồng tiếng trong những tác phẩm cổ trang hoặc khi thủ diễn vai phụ nữ trưởng thành.
Là đại hoa đán nhưng Châu Tấn vẫn phải cậy nhờ đến kỹ thuật lồng tiếng. Ảnh: Sina. |
Châu Tấn khi đóng vai Thái Bình công chúa trong Đại Minh cung từ cũng phải nhờ sự trợ giúp của kỹ thuật lồng tiếng để có chất giọng hợp với vai diễn. Giọng thật của cô trầm, được ví như "vịt đực", theo Ifeng.
Hay trường hợp của Lưu Thi Thi dù có tinh thần kính nghiệp, kiên quyết thu tiếng trực tiếp. Tuy nhiên, giọng nói sang sảng của cô khiến ê-kíp Bộ bộ kinh tâm phải đi thuê người lồng tiếng để đảm bảo chất lượng tác phẩm.
Tuy nhiên, ngày nay kỹ thuật này lại bị lớp nghệ sĩ "lười" lạm dụng quá đà. Trong thời đại phim công nghiệp, đòi hỏi việc sản xuất nhanh chóng, nghệ sĩ nhận một lúc 2-3 phim, đã hình thành thói ỷ lại và lười học thuộc lời thoại trong thế hệ diễn viên trẻ.
Theo Sina, vì lệ thuộc vào khâu lồng tiếng, họ mỗi khi quên lời hoặc bị vấp thoại cũng không đồng ý quay lại phân cảnh. Thậm chí, khi diễn họ chỉ đọc thoại một cách vô hồn, thiếu cảm xúc.
Tháng 5/2020, nữ diễn viên Chu Tử Hinh bị dư luận chỉ trích dữ dội vì để lộ khoảnh khắc đếm số thay lời thoại trên phim trường Trần Thiên Thiên trong lời đồn.
Vào vai quận chúa Trần Sở Sở, cô có câu thoại: "Huyền Hỏa Thành mang đá đen chế thành thuốc nổ", nhưng sao nữ lại qua loa đọc thành "1, 2, 3, 4, 5". Bởi sau đó, bộ phim có giai đoạn lồng tiếng nên nữ diễn viên không chuyên tâm học kịch bản, tìm cách đối phó với cảnh quay.
Thái độ không kính nghiệp của Chu Tử Hinh bị chê trách vì lời thoại của cô chỉ là một câu đơn giản, không chứa từ ngữ chuyên môn. Trên mạng xã hội, người đẹp bị gán cho danh xưng mỉa mai "Hoa hậu đếm số".
Cảnh Chu Tử Hinh đọc "1, 2, 3, 4, 5" thay cho lời thoại. Ảnh: QQ. |
Các nghệ sĩ Thư Sướng, Lưu Đào, Kim Tinh hay Lục Nghị cho biết họ bị sốc khi làm việc chung với các nghệ sĩ chỉ biết đếm số, thay vì thoại trên phim trường. Tình trạng học thoại cho có lệ của nhiều nghệ sĩ trẻ khiến cả diễn viên lồng tiếng cũng phải khiếp sợ.
"Rất nhiều diễn viên trẻ khi đến phim trường trong đầu hoàn toàn là trang giấy trắng, một chữ cũng không có. Đáng sợ nhất là nhiều người mắc phải tình trạng 'học gạo', thoại nhưng chẳng biết mình thoại cái gì. Kịch bản yêu cầu khóc, diễn viên lại cười. Với những nghệ sĩ như vậy, người lồng tiếng chuyên nghiệp như tôi cũng bó tay chịu trận", Quý Quán Lâm chia sẻ.
Để triệt để giải quyết vấn nạn nhức nhối này, cuối năm 2020, Hiệp hội Sản xuất phim Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc ban hành văn bản về quy tắc hành xử của diễn viên trên phim trường.
Quy định ghi rõ nhà sản xuất phải kiên quyết chống lại việc không học thuộc kịch bản, dùng chiêu trò như đếm số, lạm dụng kỹ thuật lồng tiếng để "lách cửa" của giới nghệ sĩ. Quyết định của cơ quan chức năng nhận được sự đồng tình của công chúng.