27% tiếp viên hàng không bị quấy rối trên chuyến bay, theo một báo cáo của Hong Kong. Ảnh: CNN |
Cô Heather Poole từng là tiếp viên tại một hãng hàng không lớn của Mỹ hơn 15 năm. Poole đã ra mắt cuốn sách kể về những bí mật của công việc tiếp viên, sau này lọt vào danh sách bán chạy của New York Times. Chia sẻ về sự cố trong ngày đầu vào nghề, Poole kể: "Có lần, khi tôi phục vụ trên khoang, một tổng giám đốc tập đoàn truyền thông lớn bất ngờ chạm vào chỗ nhạy cảm trên người tôi. Khi đó tôi không biết làm gì, chỉ cố phục vụ nhanh và bỏ trốn vào cabin, thầm chửi rủa ông khách".
Nhưng vị khách kia chưa chịu dừng lại hành vi sàm sỡ. "Khi tôi trở ra, ông ấy tiếp tục đụng chạm tôi ngay trước mặt các đồng nghiệp. Mọi người chỉ đưa mắt nhìn nhau mà không ai nói tiếng nào. Tất cả chúng tôi đều kinh hoàng. Một lúc sau ông ấy mới chịu bỏ về ghế ngồi ở khoang hạng nhất”, Poole kể trên Mashable.
Tuy nhiên, Poole giữ im lặng và cho qua sự việc, phần vì cô không biết báo cáo với ai, mặt khác cô không muốn công ty sẽ bị cơ quan chức năng làm phiền. “Chỉ mỗi mình tôi bị quấy rối chứ các đồng nghiệp khác thì không. Tôi dần chấp nhận rằng những chuyện như vậy là giống như luật bất thành văn mà tiếp viên phải trải qua", cô Poole nói.
Một ảnh quảng cáo năm 2014 của hãng Virgin Australia. Ảnh: Mashable |
27% tiếp viên bị quấy rối tình dục
Cuối tháng 2/2014, Ủy ban Cơ hội bình đẳng Hong Kong (EOC) hợp tác cùng Liên minh tiếp viên hàng không Hong Kong (HKFAA) khảo sát về công việc của các tiếp viên. Quy mô mẫu gần 400 người làm việc tại các hãng hàng không thành viên của HKFAA. Trong số này, nữ giới chiếm 86% và nam giới chiếm 14%.
CNN cho biết kết quả thu được gây kinh ngạc: 27% tiếp viên đã bị quấy rối tình dục trong khi đang bay (tỷ lệ nữ tiếp viên chiếm 29%, nam tiếp viên là 17%). Các hình thức quấy rối như cố tình đụng chạm, hôn hoặc véo. Thậm chí, có trường hợp hành khách còn nói thẳng thừng là muốn quan hệ tình dục.
Phần lớn "thủ phạm" là hành khách (chiếm 59%), còn lại là thành viên phi hành đoàn (như đồng nghiệp cấp cao hơn hoặc phi công). "Hiện nay giới chức chưa có khung luật pháp rõ ràng để bảo vệ các tiếp viên trước những hành động quấy rối tình dục", đại diện EOC thừa nhận.
Theo cô Poole, nhiều hãng hàng không hiếm khi gia hạn hợp đồng với các nữ tiếp viên. Đây là cách mà họ luôn giữ cho đội ngũ tiếp viên xinh đẹp và trẻ trung. "Những cô gái trẻ bị quấy rối vì lo sợ bị mất việc nên không dám nói với ai. Do vậy mọi chuyện chẳng có gì thay đổi", Poole nói.
Bị quấy rối vì quá xinh đẹpMột báo cáo của Công đoàn Giao thông Vận tải quốc tế (ITF) thừa nhận: "Chẳng có hãng hàng không nào không muốn quảng cáo rằng khách hàng sẽ được những tiếp viên xinh xắn phục vụ tận tình".
Sự quyến rũ của nữ giới dường như đang trở thành một yếu tố thương mại hóa quan trọng trong ngành công nghiệp lẽ ra phải đặt yếu tố an toàn vận tải lên hàng đầu. Một số hãng gần như tiếp tay "khơi gợi" cho những vị khách, khi bắt buộc tiếp viên phải mặc đồng phục gợi cảm.
Đồng phục của hãng Skymark Airlines bị chỉ trích là quá gợi cảm. Ảnh: Kyodo |
Hãng hàng không giá rẻ Skymark (Nhật Bản) đã khai trương tuyến Haneda - Fukuoka từ đầu năm 2014. Để quảng bá cho đường bay mới, hãng tung những bức hình các tiếp viên trong bộ váy xanh ngắn quá đầu gối, theo Japan Times. Liên đoàn tiếp viên hàng không Nhật Bản ngay lập tức chỉ trích hành động này, vì cho rằng bộ đồng phục không phù hợp với công việc của tiếp viên nếu phải rướn người vươn cao hoặc cúi xuống thấp.
Tháng 5/2014, tổ tiếp viên của hãng Cathay Pacific (Hong Kong) đề nghị hãng thiết kế lại đồng phục, vì cho rằng chúng quá bó sát, gây khó khăn trong công việc và đặc biệt là dễ khiêu khích những đối tượng quấy rối.
"Những nữ tiếp viên xinh đẹp là điều đầu tiên mà chắc chắn khách hàng sẽ nghĩ tới. Một số người bạn của tôi nói rằng họ thích các hãng hàng không châu Á hơn là phương Tây, vì những nữ tiếp viên châu Á trẻ trung, xinh tươi hơn so với những phụ nữ đứng tuổi châu Âu", tiếp viên Max Foo, 26 tuổi, chia sẻ trên Asia One.
Nữ tiếp viên trưởng Annie Teo (46 tuổi) từng bị nhiều hành khách quấy rối, nhưng cô biết rằng phần lớn hành động này đều vô hại nên cố gắng bỏ qua. Điều Teo lo ngại nhất chính là các đồng nghiệp quốc tế. "Khi bạn đang ở độ cao hơn 10.000 m trên bầu trời thì mọi luật lệ thông thường chẳng còn ý nghĩa. Những tình huống này càng phức tạp trong thời gian chuyển tiếp giữa các chuyến bay. Những đồng nghiệp cấp trên buộc tôi phải hút thuốc, uống rượu hoặc thậm chí ngủ với họ. Nếu tôi không nghe lời thì họ sẽ gây khó dễ cho tôi", Teo kể.
Một số cơ trưởng từng đưa ra đề nghị khiếm nhã với Teo, nhưng cô đều khéo léo từ chối. Tuy nhiên, một người bạn của cô cuối cùng không thể chịu được áp lực như vậy. "Cô ấy nói cảm thấy mình 'bẩn thỉu' mỗi lần mặc đồng phục tiếp viên, nên cô quyết định bỏ việc", Teo chia sẻ.