Luis Suarez lê bước ra khỏi sân, kéo áo che mặt, cố gắng che giấu sự thất vọng sau khi bị đuổi khỏi sân ở phút thứ 120.
Trước đó khi Dominic Appiah tung cú sút về phía khung thành Uruguay, bóng chạm đầu gối Suarez đang đứng trên vạch vôi, bật ra. Adiyiah tiếp tục một cú đánh đầu nữa, Suarez phải dùng tay đẩy quả bóng ra. Thẻ đỏ.
Luis Suarez đã làm Ghana và châu Phi chìm trong thất vọng
“Tôi nghĩ chúng tôi đã thắng”, cựu tiền vệ người Ghana, Ibrahim Ayew, nói khi nhớ lại đêm định mệnh điên rồ ngày 2/7/2010, “Tôi đứng khởi động sau khung thành đó để chuẩn bị vào sân thay người. Và tôi đã chạy vào sân ăn mừng vì tôi chắc chắn bóng đã đi qua vạch vôi, Ghana là đội châu Phi đầu tiên lọt vào bán kết World Cup”.
Pha dùng tay gạt bóng của Suarez trong trận Uruguay - Ghana tại World Cup 2010. |
Hậu vệ Hans Sarpei của Ghana hỏi trọng tài Olegario Benquerenca liệu ông có công nhận bàn thắng hay không. Benquerenca lắc đầu và chỉ vào chấm phạt đền. Ghana vẫn chưa hoàn toàn ở bán kết. Nhưng họ có quả phạt đền. Asamoah Gyan được giao trọng trách thực hiện quả phạt đền quan trọng đó. Anh đã ghi bàn từ những quả phạt đền dưới áp lực cao trước Serbia và Úc trong giải đấu. Nhưng đây là một cấp độ khác.
“Tất cả chúng tôi đều tin vào Asamoah và anh ấy tin vào chính mình. Stephen Appiah đưa cho anh ấy quả bóng và nói: Hãy ghi bàn. Hãy khiến cả châu Phi tự hào”, Ayew nhớ lại. Benquerenca cắt còi, Gyan bước lên phía trước, sút bóng rất chắc... và thất thần nhìn nó dội xà ngang. Một giây sau, tiếng còi mãn cuộc vang lên. Gyan ôm đầu hoài nghi. Kwadwo Asamoah khuỵu gối và Kevin-Prince Boateng nằm sấp. Ở Ghana cũng như ở Nam Phi, tiếng kèn vuvuzela im bặt khi việc xảy ra khiến mọi người không thể tin nổi.
Các máy quay lia đến đường biên, nơi mà tâm trạng của Suarez thay đổi chóng mặt, đang ăn mừng cuồng nhiệt. Vẫn còn một loạt sút luân lưu 11 m, Suarez không tham gia vào đó vì đã bị đuổi khỏi sân. Nhưng cứ như thể tiền đạo người Uruguay và mọi người khác đều biết cơ hội của Ghana đã biến mất.
Kịch bản cũ bị xé toạc, một kịch bản mới được viết vội vàng. Gyan hồi phục để sút trúng trong loạt đá luân lưu diễn ra sau đó nhưng đồng đội của anh là John Mensah và Dominic Adiyiah thì không đủ bản lĩnh để làm điều đó. Họ bị thủ môn Fernando Muslera cản phá trước khi Sebastian Abreu ấn định chiến thắng cho Uruguay bằng một quả phạt đền kiểu Panenka. Suarez không ngần ngại ăn mừng, còn vui hơn trong vai kẻ xấu khi Ghana và châu Phi chìm trong tuyệt vọng.
Suarez tại Qatar không còn phong độ như xưa. Ảnh: Reuters. |
Hành động mang tính bản năng của một cầu thủ bóng đá
Suarez không bao giờ có thể hiểu được sự phẫn nộ của người Ghana. Anh ấy chỉ đơn thuần làm công việc của mình. Đó là những giây cuối cùng của một trận đấu World Cup, bản năng mách bảo anh phải làm như vậy. Anh hy vọng với rất nhiều cầu thủ trong khu vực 5,5 m, anh có thể thoát khỏi thẻ đỏ. Suy nghĩ đầu tiên của Suarez là đổ lỗi cho đồng đội Jorge Fucile, người chắc chắn sẽ bị treo giò ở trận bán kết như anh tự bạch trong cuốn tự truyện Crossing the Line của mình. Nhưng trọng tài không bị đánh lừa.
“Tôi bước ra khỏi sân trong tâm trạng suy sụp. Tôi đã khóc và điều duy nhất hiện ra trong đầu tôi vào thời điểm đó là chúng tôi sẽ bị loại khỏi World Cup. Gyan thực hiện quả phạt đền và tôi tin rằng anh ấy sẽ không sút hỏng. Và rồi tôi thấy bóng không vào lưới. Cảm giác của tôi là được giải phóng, giống như thể chúng tôi đã ghi bàn. Đó là lúc tôi nhận ra mình đã làm gì. Đó là lúc tôi nhận ra việc bị đuổi là xứng đáng. Tôi đã cản phá một bàn thua, họ đã sút hỏng quả phạt đền và chúng tôi vẫn sống sót”.
Suarez chưa bao giờ ngại vượt qua ranh giới để giành chiến thắng trong một trận đấu. Anh có thể ngã vờ, có thể cắn đối thủ, có thể buông lời phân biệt chủng tộc với mục đích khiêu khích. Những lần trên sau đó có thể khiến Suarez cắn rứt. Nhưng cú đẩy bóng khỏi khung thành đó khác, anh xem nó là một sự cống hiến cho đất nước, một sự hy sinh cá nhân vì anh không thể có mặt ở trận bán kết.
Anh chỉ có một điều hối tiếc. Xem lại băng hình pha bóng trong khi các đồng đội chuẩn bị cho trận bán kết, Suarez thấy quả bóng ở rất gần anh, có lẽ anh nên dùng đầu để phá nó ra được chứ không cần dùng tay. “Lúc đó tôi chỉ có một phần nghìn giây để phản ứng và tôi đã kiệt sức sau 120 phút chơi bóng”, anh nói. Đó là bản năng. Trở lại Uruguay, Suarez được tôn vinh. Trong cuộc diễu hành của họ ở Montevideo, các CĐV đã hát: “Đó không phải là bàn tay của Chúa, đó là bàn tay của Suarez”.
Ghana có món nợ cần đòi với Uruguay. Ảnh: Reuters. |
Trút bỏ nỗi thất vọng 12 năm khỏi vai với một chiến thắng
Nhưng “bàn tay của Suarez” đã bị chế giễu ở nhiều nơi sau đó. “Nếu bạn cố tình dùng tay chơi bóng trong vòng cấm, bạn sẽ bị thẻ đỏ, cấm đá trận sau nữa và đội bạn bị phạt đền, luật chơi là thế. Suarez và chúng tôi đã bị trừng phạt đúng theo luật chơi, còn gì nữa? Ghana đã đá hỏng phạt đền. Xong. Kết thúc câu chuyện”, thủ quân cũ Diego Forlan của Suarez nói.
Công lý đã được thực thi. Người Ghana công nhận đúng thế. Nhưng họ vẫn còn ấm ức. “Ghana khóc, châu Phi khóc và Luis Suarez ăn mừng. Đó là điều mọi người thấy rất khó chấp nhận. Màn ăn mừng điên cuồng của anh ta sau quả phạt đền hỏng của Asamoah Gyan khiến rất nhiều người nổi giận”, phóng viên thể thao Addo ở Ghana nói.
Addo nói rằng sự thù địch với Suarez sẽ dịu đi theo thời gian nếu Suarez thể hiện sự cảm thông hơn với các cầu thủ Ghana. Nhưng thay vào đó, cựu tiền đạo của Liverpool và Barcelona dường như đã mời gọi sự thù địch bằng cách cho rằng Gyan và các cầu thủ Ghana nên tự trách mình vì đã đá hỏng phạt đền và không giành chiến thắng trong trận đấu. Như vậy, công lý chưa được thực thi hoàn toàn.
Định mệnh mang Uruguay và Ghana vào cùng bảng đấu World Cup 2022 và Suarez vẫn còn đó. Phương tiện truyền thông ở Ghana tràn ngập những cuộc nói chuyện về sự trả thù. Không ai nói về việc Ghana đối đầu với Cristiano Ronaldo hay Son Heung-min thế nào. Tất cả nói về Suarez.
Chủ tịch LĐBĐ Ghana Kurt Okraku nói: “Chúng tôi tin rằng đây sẽ là thời điểm phục thù”. Giọng điệu các chính khách cũng vậy. Tổng thống Nana Akufo-Addo bảo: “Chúng tôi đã phải đợi 12 năm để trả thù đội tuyển Uruguay. Chúng tôi đảm bảo rằng lần này bàn tay của Suarez sẽ không cứu được họ”. Người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống John Mahama: “Kể cả đội bóng không đánh bại đội nào, hãy đánh bại Uruguay vì tôi”.
Kịch bản Ghana gặp Uruguay ở lượt trận cuối để quyết định tấm vé vào vòng sau đúng như Andre Ayew mong muốn. Anh là thành viên duy nhất của đội bóng Ghana cách đây 12 năm còn đứng trong đội tuyển dự World Cup 2022.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...