Theo Washington Post, ít người có thể hiểu thấu nỗi đau sau vụ xả súng vào cảnh sát ở Dallas trong cuộc biểu tình hôm 7/7 bằng cảnh sát trưởng David Brown. Ông Brown từng trải qua những giờ phút đau khổ tột cùng vì mất bạn học cũ, em trai và con trai vì các vụ bạo lực nhiều năm trước.
Tháng 6/2010, khi mới nhậm chức cảnh sát trưởng Lancaster, ngoại ô Dallas, được 7 tuần, Brown phải đối mặt với việc con trai ông, một thanh niên 27 tuổi mắc bệnh tâm thần, bắn chết một cảnh sát và một người khác trước khi trúng hơn 10 phát súng. "Hôm đó là ngày của cha", Keith Humphrey, cảnh sát trưởng Norman, bang Oklahoma, nhớ lại.
Dù chịu nỗi đau mất con, Brown vẫn tìm tới Humphrey để nhờ ông sắp xếp cuộc gặp với người hai nạn nhân. Tới gặp gia đình nạn nhân với tư cách là cha của hung thủ, cảnh sát trưởng Brown gửi tới họ lời xin lỗi chân thành nhất.
Cảnh sát trưởng Dallas David Brown xúc động trong lễ cầu nguyện cho các nạn nhân vụ xả súng khiến 5 cảnh sát thiệt mạng đêm 7/7. Ảnh: Getty |
Vào tháng 8/1988, khi Brown làm việc trong đội Vật chứng để điều tra vụ sát hại một nhân viên an ninh, ông không chẳng thề ngờ rằng nạn nhân lại chính là Walter Williams, 47 tuổi, bạn học cũ tại Học viện cảnh sát.
Ông Brown đã ở bên 3 con của Williams để an ủi khi cha của các em qua đời tại bệnh viện. "Ông ấy là một người tốt. Ông nói với chúng tôi rồi mọi chuyện sẽ ổn và cả những chuyện sắp xảy ra", Walter Williams II, con trai của nạn nhân Willams nói. Ông còn ngỏ ý sẵn lòng giúp đỡ mẹ của 3 đứa trẻ bất cứ khi nào bà cần.
Chia sẻ với Morning News năm 2010, cảnh sát Brown từng nói, sự ra đi của những người mà ông thương yêu đã khiến ông thay đổi. “Khi những điều như vậy xảy ra và bạn cảm thấy rất tuyệt vọng. Bạn không thể nào tin được điều đó trong một thời gian rất lâu. Khi mất đi người thương yêu, bạn tưởng như không bao giờ vượt qua được nỗi đau đó”, ông nói.
Brown cũng nói tương tự như vậy vào năm 1991 khi em trai Kevin bị những kẻ buôn ma túy sát hại ở khu Phoenix. Ông không nói nhiều về nỗi đau ấy, nhưng thừa nhận sự việc tác động lớn tới con người ông. "Tôi không thể phủ nhận, vụ việc ám ảnh tôi. Tôi hiểu những gì gia đình nạn nhân phải trải qua", Brown nói với Morning News.
Khi nhậm chức cảnh sát trưởng Dallas, Brown là một chỉ huy mạnh mẽ và nội tâm. Cảnh sát trưởng Brown từng thổ lộ với một người bạn rằng mình là “một người cô độc”, theo Dallas Morning News. Còn theo những người biết Brown, ông là một tấm gương cho các cảnh sát trưởng trên toàn nước Mỹ về khả năng vượt qua khó khăn và giúp đỡ nhân viên vượt qua những bi kịch. “Anh ấy là một lãnh đạo thực sự”, cảnh sát trưởng thành phố Norman, ông Humphrey, nói.
Trong vụ xả súng nghiêm trọng tại cuộc biểu tình ở trung tâm Dallas đêm 7/7, cảnh sát trưởng Brown lại một lần nữa chứng kiến cảnh đau lòng khi 5 đồng nghiệp thiệt mạng và 7 người bị thương.
“Đây là một thảm kịch được sắp đặt, tính toán và tàn độc”, ông Brown nói. Theo ông, nghi phạm Micah Xavier Johnson đã hành động một mình và động cơ tấn công của y là "muốn giết người da trắng, đặc biệt là những cảnh sát da trắng".
Phát biểu sau sự việc, ông Brown khẳng định, đội ngũ cảnh sát vẫn bất chấp nguy hiểm "để bảo vệ tự do suy nghĩ và các quyền cá nhân khác" của chính họ. "Cảnh sát là những người giám hộ của nền dân chủ vĩ đại này. Quyền tự do biểu tình, tự do ngôn luận... Chúng tôi đấu tranh vì quyền tự do, vì cuộc sống của chúng tôi. Những điều đó tạo ra người Mỹ. Và chúng tôi bất chấp tính mạng để bảo vệ những quyền lợi đó", ông Brown nhấn mạnh.
Vụ tấn công hôm 7/7 là ngày đẫm máu nhất của cảnh sát Mỹ kể từ vụ 11/9/2001, khi 72 cảnh sát thiệt mạng trong vụ tấn công tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York.