Nửa kia biệt tích là cuốn tiểu thuyết tiếp nối thành công của tác phẩm đầu tay The Mothers (tạm dịch Những người mẹ) của Brit Bennett. Tác giả trẻ người Mỹ chia sẻ cô đã rất áp lực khi cuốn sách đầu tay mang về cho cô sự nổi tiếng và nhiều giải thưởng như cuốn sách bán chạy nhất của New York Times. Thế nhưng nữ nhà văn khẳng định cuốn sách thứ hai thậm chí sẽ hay hơn, sâu sắc hơn và mang tính nhân văn nhiều hơn.
Bennett đã thực hiện được lời hứa với độc giả khi Nửa kia biệt tích là câu chuyện thấm đẫm nước mắt, bóc tách tâm lý nhân vật trong một gia đình đa thế hệ trước vấn đề phân biệt chủng tộc và những định kiến cùng tổn thương trong quá khứ đã nhào nặn nên một con người như thế nào.
Sách Nửa kia biệt tích. Ảnh: Hiểu Yên. |
Số phận của những người da màu
Câu chuyện kéo dài khoảng gần nửa thế kỉ, như một bộ phim nhiều tập xoay quanh cuộc đời hai chị em sinh đôi - Desiree và Stella Vignes.
Hai cô gái sinh ra và lớn lên ở thị trấn Mallard, nơi ông cố của họ xây dựng nên với hy vọng đây sẽ là chỗ dành cho “những người chẳng bao giờ được coi là dân da trắng nhưng từ chối bị đối xử như dân da đen”. Cặp sinh đôi với làn da màu kem mang lại hy vọng sẽ xóa đi những mặc cảm mà những người da màu đang phải gánh chịu.
Tuy nhiên, làn da sáng màu chẳng cứu nổi cha họ - người bị hành hạ đến chết bởi những kẻ da trắng thượng đẳng; nó cũng chẳng giúp mẹ của họ thoát khỏi cuộc sống dọn dẹp vất vả cho những người da trắng giàu có ở thị trấn lân cận. Lối thoát duy nhất mà họ nghĩ được là bỏ trốn khỏi quê hương để từ một cặp chị em song sinh, họ tách thành hai cá thể, phân tán thành hai cuộc đời đối lập.
Trước Bennett đã có Passing (tạm dịch Vượt qua) của Nella Larsen hay Vết nhơ của người của Philip Roth đều là hiện tượng trong văn học Mỹ hiện đại đề cập đến vấn nạn phân biệt chủng tộc.
Desiree và Stella cũng giống như Irene và Clare trong Vượt qua, tưởng như giống nhau nhưng lại đưa ra những lựa chọn trái ngược. Một người rụt rè nhút nhát và một người thông minh giỏi giang, một người kết hôn với người da đen nhất mà cô từng thấy, một người chấp nhận che giấu màu da để đổi đời trong thế giới da trắng thượng lưu.
Hai số phận tưởng sẽ không bao giờ giao nhau cho đến khi con gái của Desiree là Jude, cô bé da đen bị cả thị trấn xì xào bàn tán đến gặp gỡ con gái của Stella - Kennedy. Hai đứa trẻ chung một dòng máu nhưng vì mặc cảm màu da mà buộc phải li biệt. Đằng đẵng nhiều năm ròng với bao biến cố, hai cô gái mới nhận ra chạy trốn khỏi quê hương, chối bỏ màu da là một tội nghiệt khủng khiếp. Từ khi nào con người bị định giá dựa vào màu da họ mang?
Nhà văn Brit Bennett. Ảnh: The Columbus Dispatch. |
Cội nguồn là điều không thể chối bỏ
Bennett quan tâm đến những vấn đề hậu chối bỏ chủng tộc, khi cô để cho các nhân vật của mình quay cuồng trong tính toán được và mất. Nhưng rồi họ nhận ra “người ta có thể trốn thoát khỏi thị trấn nhưng chẳng bao giờ thoát được giống nòi”.
Chạy trốn thường đi kèm với mặc cảm và cô độc. “Mọi người thường nghĩ độc nhất vô nhị khiến ta trở nên đặc biệt. Không, nó chỉ khiến ta trở nên cô đơn. Thuộc về ai đó mới đặc biệt”, trích tác phẩm.
Ngay cả khi Stella “chối bỏ chủng tộc” thành công, sâu thẳm trong cô vẫn khắc khoải nhớ về cội nguồn, về gia đình và nhất là người chị song sinh. Trong khi đó, Desiree đang phải chống chọi với những lời đàm tiếu.
Ảnh hưởng của Toni Morrison đến Bennett thể hiện rất rõ trong từng trang văn, từ việc miêu tả đứa con da ngăm đen của cô chị phải chịu đựng nỗi đau giống Jadine trong Tar Baby của Morrison đến khả năng truyền tải hiện thực tàn khốc của nạn phân biệt chủng tộc và điều kì diệu mang tên tình yêu.
Khi Jude phải chịu đựng sự khinh rẻ của thị trấn nơi mẹ cô từng sống, độc giả không khỏi liên tưởng tới Pecola trong Mắt nào xanh nhất của Morrison hay vẻ thờ ơ tàn nhẫn của Stella có liên quan mật thiết đến Sula trong tác phẩm cùng tên.
Trong Những người mẹ, người kể chuyện của Bennett thường đặt mình vào vị trí của những người khác và gánh một phần những thứ nặng nề đè lên họ. “Nếu không thể hóa thân thành họ, dù chỉ trong một tích tắc, thì lời nguyện cầu khác chi những lời sáo rỗng".
Tất nhiên là tác giả và nhân vật của họ cũng vậy. Bennett đẩy nhân vật vào những hoàn cảnh buộc họ phải lựa chọn và thường họ mất rất lâu mới hiểu được thực sự bản thân muốn gì. Giống như Nguồn gốc của ngoại tộc của Morrison, Nửa kia biệt tích của Bennett đã lên tiếng thay cộng đồng những người vẫn phải gánh chịu những cái nhìn kì thị từ xã hội cho đến tận ngày nay chỉ vì màu da họ mang.
Chính những giá trị nhân văn mà cuốn sách mang lại, Nửa kia biệt tích ngay từ khi ra mắt đã nhận được đề cử giải thưởng Women’s Prize và được vinh danh là tác phẩm xuất sắc năm 2020 theo The Washington Post, NPR, People, Time Magazine, Vanity Fair, Glamour và thắng hạng mục Tiểu thuyết lịch sử của Goodreads Choice Awards 2020.