Phấn hoa lầu xanh là một trong những tiểu thuyết được yêu thích nhất của nhà văn Tào Đình. Tác phẩm tựa như khúc nhạc thê lương, chất chứa muôn vàn oán than cho số phận mong manh, vô định của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Từ khi sinh ra đã phải thuận theo lẽ tam tòng: ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết thì nghe theo mọi sự sắp đặt của con trai…
Những người phụ nữ ấy, họ có quyền gì trong chính cuộc đời mình? Dường như họ chỉ là thứ đồ chơi trong tay đàn ông? Câu chuyện buồn thương của một danh kỹ dường như khiến chúng ta ngẫm ra nhiều điều. Phải phó mặc số phận của mình vào tay người khác phải chăng mới chính là điều đáng bi ai nhất?
Ngụy Sở Sở, nhân vật chính của Phấn hoa lầu xanh vốn xuất thân là một tiểu thư khuê các. Nàng đem lòng cảm mến người anh họ nho nhã, thư sinh. Khi vừa biết thế nào là rung động, cũng là lúc nàng sắp phải xuất giá. Nàng không biết người đàn ông mà sẽ lấy làm chồng là ai, nhưng nàng mong đó là anh họ. Ý cha đã quyết, việc duy nhất Sở Sở có thể làm là ngoan ngoãn vâng lời.
Tiểu thuyết Phấn hoa lầu xanh của Tào Đình. |
Ngụy tiểu thư được gả vào Ngô phủ. Từ ngày bước chân vào nhà chồng, nàng đã phải quên hết tình cảm vụng dại với anh họ, để chuyên tâm vợ hiền, dâu thảo. Nhưng thứ nàng nhận được là gì? Sự lạnh nhạt của chồng và thái độ hờ hững của Ngô gia. Không sinh được con trai nối dõi, với nhà họ Ngô, Sở Sở dần trở thành người vô hình.
Ngô Văn Bác nạp thiếp, đã nhường chồng cho người đàn bà khác nhưng người phụ nữ đáng thương ấy cũng chẳng được sống yên. Mợ hai không may bị sảy thai, không duyên không cớ, tất cả tội lỗi đều đỗ hết lên đầu người vợ cả hiền lành. Sau ba năm sống lặng lẽ như cái bóng ở nhà họ Ngô, hết lòng sống theo đạo tam tòng tứ đức, cuối cùng thứ mà Ngụy Sở Sở nhận được chỉ là một tờ giấy bỏ vợ. Hóa ra, nàng còn không bằng một hòn đá kê ở bậu cửa.
Trở về nhà mẹ đẻ, vô tình Sở Sở gặp lại anh họ. Những yêu thương tưởng chỉ còn lại tàn tro giờ lại vụt cháy trong tim nàng. Nghe theo lời người yêu, Sở Sở bỏ nhà ra đi. Đây là lần đầu tiên nàng dám tự đưa ra một quyết định cho cuộc đời mình. Đáng tiếc, đây lại là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời nàng. Sau một đêm phong tình, người anh họ vô tình đã bán nàng vào kỹ viện.
Ngụy Sở Sở không còn nữa, từ đó về sau không ai biết đến tên của nàng. Người ta chỉ biết đến Phấn Đại, hoa khôi của Ngọc Hương lầu. Khi thân đã nhơ nhớp ở chốn “buôn phấn bán hương” nàng vô tình gặp một người không nên gặp.
Số phận bi thương của người ca kĩ đã được nhiều lần được đưa vào các tác phẩm nghệ thuật. |
Ngô Văn Bác giờ là khách làng chơi, còn người vợ đã từng kết tóc se duyên với chàng lại trở thành danh kỹ bán nụ cười cho đàn ông khắp thiên hạ.
Trước kia, Ngô Văn Bác chán ghét Sở Sở bao nhiêu, giờ đây chàng lại đắm đuối với Phấn Đại bấy nhiêu. Còn nàng, nghĩ về cơn bĩ cực đã qua, chỉ biết nuốt nước mắt mà thương cho thân mình, khi là một người vợ đoan trang nhu mì thì bị ghẻ lạnh, lúc nhơ nhớp bụi trần lại được đoái thương. Ông trời đúng là biết cách trêu đùa với phận má hồng!
Vì muốn chuộc lỗi với Sở Sở, Ngô Văn Bác quyết định chuộc thân cho nàng. Nhưng số mệnh nào có chiều lòng người khi Sở Sở giờ đây đã là một món hàng mua vui cho đàn ông khắp thiên hạ. Có những số mệnh khi đã bi thương là bi thương đến tận cùng.
Với lối kể nhẹ nhàng, giàu cảm xúc Tào Đình đã viết nên một áng văn đầy thương cảm cho số phận lắm nỗi truân chuyên của người phụ nữ sống dưới những quan niệm hà khắc thời phong kiến. Phấn hoa lầu xanh còn là tác phẩm đề cao giá trị của tình yêu và lòng vị tha trong cuộc đời mỗi người.