Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nơi có hàng chục giếng nước tự phun trào

Khi rút mũi khoan, nước ngầm từ giếng nhà ông Cao (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) bắn thành cột cao 3 m. Nguồn nước mát phun trào lên liên tục suốt 16 năm qua.

Hiện tượng nước ngầm từ dưới lòng đất tự phun trào kỳ lạ diễn ra tại các hộ dân thuộc tổ 15, ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, Đồng Nai. 

Tại đây, người dân khoan giếng xuống độ sâu 20 - 40 m thì nước ngầm bắn lên và chảy liên tục không ngừng.

Nước giếng khoan tự phun tại gia đình anh Nguyễn Nhật Minh. Ảnh: Ngọc An 

Theo người dân, khu vực dân cư thuộc tổ 15 có khoảng 20 gia đình với 20 chiếc giếng khoan tự phun nước. 

“Các giếng khoan thông thường phải sử dụng hệ thống bơm để đưa nước ngầm lên. Tuy nhiên, giếng của chúng tôi không cần tác động ngoại lực nào, mà nước vẫn phun rất mạnh”, một người dân cho biết.

Ông Tăng Văn Cao (49 tuổi) cho hay, mùa khô năm 1999, giếng đào ở độ sâu 10 m của gia đình hết nước, nên ông phải thuê thợ về khoan giếng. Khi xuống độ sâu 20 m thì nước theo mũi khoan trào lên. 

Ông Cao và nhóm thợ rút mũi khoan thì nước bắn lên, tạo thành cột nước cao gần 3 m.

Nước từ các giếng khoan tự phun rất mát và tinh khiết nên người dân sử dụng để nấu ăn, sinh hoạt và tưới cho cây. Ảnh: Ngọc An

“Nghĩ nước chỉ phun lên vài hôm rồi hết, nhưng không ngờ hiện tượng kỳ lạ diễn ra mãi. Nước phun mạnh, không màu, không mùi, tinh khiết như nước khoáng nên tôi thiết kế đường ống, hệ thống van để điều chỉnh dòng chảy. Hiện, gia đình tôi vẫn dùng nước đó để ăn uống, tắm gội và tưới cho 1 ha chôm chôm”, ông Cao cho hay.

Thấy giếng nước nhà ông Cao tự phun kỳ lạ, hàng xóm khoan thử thì cũng có hiện tượng đó. Mới đây, gia đình anh Nguyễn Đức Hiếu khoan xuống độ sâu 35 m thì nước ngầm ào ạt bắn lên. 

Để sử dụng lâu dài, anh Hiếu dùng ống nhựa tròn đường kính 21 cm để lắp đặt. Phía trên miệng, anh Hiếu chia thành hai van để phân bổ nước vào vườn và vào bồn chứa phục vụ sinh hoạt.

Tuy nhiên, dù đã tìm nhiều cách, nhưng người dân vẫn không biết làm thế nào để tiết kiệm nước. Nhiều hộ thiết kế khóa nhựa ngắt nước khi không dùng đến. Tuy nhiên việc này đã khiến nước không tự phun trở lại như ban đầu.

Để duy trì mạch phun, người dân phải để nước chảy liên tục suốt ngày đêm. Ảnh: Ngọc An.

Theo anh Nguyễn Nhật Minh, chỉ cần khóa ngắt dòng chảy khoảng 2 giờ, sau đó mở khóa lại thì giếng không phun nước nữa. "Những lúc như vậy chỉ còn cách chờ nhiều ngày sau hoặc dùng máy bơm để 'mồi' thì nước mới phun trở lại", anh cho hay.

Cũng theo anh Minh, do sợ mất nguồn nước nên các hộ dân phải thiết kế van điều chỉnh chảy nhanh, chậm hoặc làm các đường ống cho nước chảy liên tục ngày đêm để duy trì mạch phun.  

Hiện tượng nước giếng tự phun chỉ xảy ra tại khu dân cư tổ 15, ấp Ngô Quyền với đường kính khoảng 800 m. Những hộ dân ngoài vùng hoặc lân cận có địa hình thấp hơn không có hiện tượng lạ này.

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở tài nguyên Môi trường Đồng Nai cho rằng, đây là hiện tượng khác thường và hiếm thấy.

"Sở đang xem xét, cử cán bộ về khu vực trên để tìm hiểu, khảo sát và tiến hành nghiên cứu hiện tượng kỳ lạ này", ông Thường cho biết.

Xuất hiện giếng nước tự phun trào ở Phú Yên

Tính đến nay, khu vực xóm Cầu Sắt, xã An Mỹ (huyện Tuy An, Phú Yên) đã có 4 giếng khoan nước tự phun trào, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho hàng trăm hộ gia đình.

Ngọc An

Bạn có thể quan tâm