Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nội chiến' chủ nghĩa nữ quyền ở Pháp

Một vụ xâm hại tình dục gây chấn động ở Pháp đã gây nên chia rẽ trong chính nội bộ những người ủng hộ nữ quyền tại nước này.

Anne Hidalgo, 61 tuổi, là thị trưởng nhiệm kỳ thứ hai của Paris, thường xuyên được nhắc đến với tư cách là một ứng cử viên tổng thống tương lai. Bà cũng là gương mặt tiêu biểu đấu tranh cho quyền phụ nữ theo khuôn khổ pháp luật của chủ nghĩa nữ quyền Pháp.

Alice Coffin, 42 tuổi, là một ủy viên hội đồng thành phố mới đắc cử và nhà hoạt động nữ quyền lâu năm. Bà là một phần của làn sóng nữ quyền mới tại Pháp, đặt vấn đề bạo hành phụ nữ làm trọng tâm đấu tranh, bất chấp việc đối đầu với những người đàn ông quyền thế trong xã hội.

New York Times miêu tả cả hai người họ đều là những phụ nữ mạnh mẽ, tài giỏi trong một đất nước mà nam giới nắm hầu hết quyền lực trên chính trường như Pháp. Cả hai đều là thành viên trong liên minh cánh tả đang cầm quyền tại Paris. Cả hai đều là những người đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ. Họ đáng lẽ nên là những đồng minh thân cận nhất của nhau trong cuộc chiến nữ quyền.

Thế nhưng, vì những khác biệt trong quan điểm về chủ nghĩa nữ quyền cũng như về cách đấu tranh, họ đã tự đặt mình vào thế đối lập, khiến phong trào nữ quyền tại Pháp rẽ theo hai hướng.

chu nghia nu quyen o Phap anh 1

Một cuộc biểu tình ở Paris vào tháng 7 chống lại ông Girard và phản đối Gérald Darmanin làm bộ trưởng nội vụ. Ảnh: Getty

“Giọt nước tràn ly” gây chia rẽ

Tranh cãi gần đây nhất của hai nhà đấu tranh nữ quyền này là về Christophe Girard - cựu Phó thị trưởng phụ trách văn hóa của Paris. Ông Girard thể hiện sự ủng hộ lâu dài đối với Gabriel Matzneff, một nhà văn được giới thượng lưu Pháp ca ngợi dù ông công khai thừa nhận từng quan hệ tình dục với người vị thành niên.

Đầu năm nay, trong một cuốn sách có tên Consent, Vanessa Springora kể lại việc mình bị mắc kẹt trong một mối quan hệ với nhà văn Matzneff khi cô mới 14 tuổi còn ông thì 50. Sau khi sự ủng hộ của ông Girard đối với Matzneff được tiết lộ trong một bài báo trên tờ New York Times, bà Coffin và các nhà hoạt động nữ quyền khác đã thúc ép, khiến ông Girard từ chức.

Vụ việc đã khơi dậy một cuộc tranh luận gay gắt về phong trào nữ quyền tại Pháp, nơi mà #MeToo gần như không có tác động gì lớn. Cũng tại Pháp, những phụ nữ như Coffin trở thành một “cái dằm” đối với những nhà nữ quyền khác khi bà luôn tìm cách đối đầu công khai với nam giới bị tình nghi có hành vi bạo hành tình dục.

Đối với Coffin, việc loại bỏ Girard khỏi bộ máy chính quyền là trọng tâm trong chiến lược đấu tranh hiện tại. Bà Coffin chia sẻ: “Chúng tôi đang nhắm vào những người đàn ông có chức có quyền ở Pháp. Đây là một bước tiến mới. Nó khác với những phong trào nữ quyền từng nổ ra trước đây”.

Trong khi đó, bà Hidalgo lại công khai bảo vệ ông Girard trong nhiều tháng liền. Bà cũng chỉ trích bà Coffin trên mạng xã hội, khiến Coffin nhận được hàng loạt lời đe dọa, đến nỗi cảnh sát phải bảo vệ bà trong vòng 15 ngày.

chu nghia nu quyen o Phap anh 2

Bà Hidalgo ban đầu bảo vệ Girard (phải) khi Coffin gây áp lực cho ông. Ảnh: Getty.

Phong trào nữ quyền mới bị chỉ trích gay gắt

Khi Girard rời khỏi vị trí phó thị trưởng Paris vào tháng 7, ông đã nhận mình là nạn nhân của “chủ nghĩa McCarthy mới” (cáo buộc mà không có bằng chứng) và “cancel culture” (tạm dịch: văn hóa xóa sổ). Những từ ngữ này ngay sau đó cũng được một số nhà hoạt động nữ quyền truyền thống sử dụng để tấn công Coffin.

Một trong những nhà viết sử về chủ nghĩa nữ quyền được kính trọng nhất tại Pháp, bà Michelle Perrot đã mô tả nữ quyền của bà Coffin là “sự đi quá giới hạn chỉ gây hại cho đại nghiệp của phụ nữ”. Một nhân vật hàng đầu khác trong chủ nghĩa nữ quyền của Pháp, Élisabeth Badinter, đã chế nhạo bà Coffin và #MeToo là đại diện của xu hướng dẫn đến “một thế giới cực quyền”.

Nhà văn và nhà hoạt động nữ quyền Belinda Cannone cho rằng những nhà hoạt động nữ quyền trẻ hơn bị ám ảnh bởi tâm lý nạn nhân, trong khi chủ nghĩa nữ quyền phổ quát của thế hệ bà tập trung vào việc trao quyền cho phụ nữ. Cannone nói thêm, dù bà Hidalgo không đặt chủ nghĩa nữ quyền làm trung tâm cho các hoạt động của mình, sự nghiệp chính trị thành công của đã khiến người khác phải nhìn nhận phụ nữ và nữ quyền.

Bà Cannone còn tin rằng việc chĩa mũi nhọn vào vấn đề bạo lực của nam giới đối với phụ nữ là một hướng tiếp cận “rất cảm tính và chưa thấu đáo”. Bà Cannone đặt vấn đề: “Liệu việc khiến Girard từ chức có quan trọng đến thế?”.

Đối với nhiều nhà nữ quyền thế hệ mới, câu trả lời là có. Việc tập trung lên án bạo lực đối với phụ nữ là trọng tâm để tái đánh giá sự mất cân bằng quyền lực cố hữu trong nhiều mối quan hệ.

Hai thế hệ của chủ nghĩa nữ quyền

Camille Froidevaux-Metterie, một nhà triết học nữ quyền hàng đầu gọi "sự việc Girard là một một giọt nước tràn ly”. Theo quan điểm của bà, nó đã làm sâu sắc thêm sự chia rẽ chính trong phong trào nữ quyền của Pháp ngày nay: một bên là những nhà nữ quyền mới, đặt vấn đề chống bạo lực tình dục làm trung tâm cho cuộc đấu tranh của họ; một bên là một hệ thống các nhà nữ quyền chính trị không tán đồng cách đấu tranh nhắm thẳng vào nam giới.

Lấy cảm hứng từ phong trào #MeToo, các nhà nữ quyền trẻ hơn đã đưa ra cáo buộc chống lại ông Girard, người mà họ cho là đại diện cho một tầng lớp cũ tán thành (hoặc ít nhất là thờ ơ) với việc ngược đãi phụ nữ. Theo họ, các nhà nữ quyền truyền thống đôi khi cũng là đồng lõa.

“Một trong những điều nòng cốt của phong trào nữ quyền ngày nay chính là lắng nghe nạn nhân và đặt ra nghi ngờ khi những kẻ gây hấn (hoặc có khả năng gây hấn) không bị trừng phạt, cũng như nghi vấn về cách mà hệ thống tư pháp xử lý họ”, Chloé Deschamps, một sinh viên 18 tuổi theo sát vụ việc của ông Girard, bày tỏ quan điểm.

chu nghia nu quyen o Phap anh 3

Bà Alice Coffin, người dẫn đầu các cuộc đấu tranh nữ quyền mới nhắm đến những nam giới quyền lực tại Pháp. Ảnh: New York Times

Ở Pháp, các nhà nữ quyền da đen và Hồi giáo đã có nhiều xung đột gay gắt với các nhà nữ quyền truyền thống - hầu hết là phụ nữ da trắng lớn tuổi, theo lý tưởng phổ quát của Pháp.

Năm 2017, Thị trưởng Hidalgo đã đối đầu với một nhóm nữ quyền da đen có tên Mwasi. Nhóm này từng tổ chức một số hội thảo chỉ giới hạn cho phụ nữ da đen, mà theo mô tả của bà Hidalgo là “cấm người da trắng”. Cho rằng hành động của nhóm này là một loại phân biệt sắc tộc, bà đã đe dọa cấm hội nghị của họ.

Fania Noël, một lãnh đạo của Mwasi, cho biết cô không có bất kỳ điểm chung nào với tầm nhìn của thị trưởng về nữ quyền. Tuy nhiên, Noël lại tìm thấy "điểm hội tụ" với Coffin, người đã bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với các nhà nữ quyền da đen.

Noël cho biết: “Chủ nghĩa nữ quyền của Alice Coffin là một chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến chống lại chế độ phụ quyền và không thỏa hiệp”.

Tuy nhiên, các nhà nữ quyền truyền thống lại lo ngại rằng, trong một xã hội phụ hệ sâu sắc, các cuộc tấn công nhắm vào Girard sẽ gây ra phản ứng dữ dội ở nam giới. Họ cho biết quan điểm đấu tranh của mình là làm sao để khẳng định rằng nữ giới không khác gì nam giới, chứ không phải là tố cáo và lật đổ những nam giới quyền lực theo kiểu Mỹ (nơi khởi phát phong trào #MeToo).

Hélène Bidard, Phó thị trưởng phụ trách vấn đề bình đẳng của Paris, cho biết cách đấu tranh của thị trưởng là đưa ra được hành động cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề về chính sách công. Bà Bidard tiết lộ, các khoản hỗ trợ cho nạn nhân của bạo lực giới trong ngân sách của thành phố đã tăng lên đáng kể.

Nói về sự khác biệt trong các phong trào nữ quyền ở Pháp, bà Bidard chia sẻ: “Có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đều có cùng mục tiêu, cùng tầm nhìn về xã hội”.

Ngay từ đầu, #MeToo đã vấp phải sự phản kháng từ nhiều phụ nữ có tiếng nói ở Pháp. Nữ diễn viên Catherine Deneuve và nhiều nhân vật nổi tiếng khác đã ký tên vào một bức thư công khai, khiến cho tầm ảnh hưởng của phong trào #MeToo ở nước này bị hạn chế đáng kể.

Tuy nhiên, trong năm qua, một thế hệ nữ quyền mới đã kế tục phong trào này và lên án kịch liệt những người đàn ông quyền thế bị nghi ngờ có hành vi tình dục sai trái, bao gồm hai đạo diễn Roman Polanski và Christophe Ruggia, và tân Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin - người cũng từng đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia, và mới nhất là ông Christophe Girard.

Bà Hidalgo, chính trị gia kỳ cựu của đảng Xã hội và nữ thị trưởng đầu tiên của Paris, ban đầu ủng hộ mạnh mẽ ông Girard, dù từ lâu đã tự nhận mình là một nhà nữ quyền. Bà từng là phó thị trưởng phụ trách về vấn đề bình đẳng vào đầu những năm 2000. Thậm chí, trong chiến dịch tái tranh cử vào đầu năm nay, bà đã hứa hẹn biến Paris thành “thủ đô nữ quyền”, mở rộng thêm dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm hỗ trợ về giáo dục, y tế và giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình.

chu nghia nu quyen o Phap anh 4

Thị trưởng Anne Hidalgo, người ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền truyền thống, không tán đồng việc chĩa mũi nhọn vào nam giới. Ảnh: he New York Times

Christine Bard, một chuyên gia về lịch sử của nữ quyền cho biết: “Không ai phủ nhận nữ quyền của Anne Hidalgo”. Tuy nhiên, Bard đã làm rõ sự tương phản giữa “chủ nghĩa nữ quyền toàn cầu” của Hidalgo và Coffin, người mà bà mô tả là “sản phẩm thuần túy” của làn sóng nữ quyền mới nhất.

Bà Coffin gần đây đã giành được một ghế trong Hội đồng Thành phố Paris với tư cách là một thành viên đảng Xanh. Trước đó, bà cũng đã để lại nhiều dấu ấn tại Paris với tư cách là một nhà hoạt động xã hội và nhà báo. Bà cũng là nhà đồng sáng lập của một hiệp hội dành cho các nhà báo LGBT, và lãnh đạo của một hiệp hội nữ quyền La Barbe.

Trong một cuộc phỏng vấn, bà Coffin đã cẩn thận nhấn mạnh tính liên tục của nữ quyền Pháp. Bà cũng chia sẻ quan điểm rằng phụ nữ Pháp chỉ có thể đòi hỏi những quyền lợi tốt hơn về mình thông qua một xu hướng nữ quyền mới, kêu gọi phụ nữ không ngại thể hiện sự tức giận của mình và mạnh dạn chỉ ra việc làm sai trái của nam giới.

“Để vượt qua các giai đoạn mới một cách thành công, chúng ta phải dám lên tiếng tố cáo kẻ gây hấn với chúng ta”, Coffin kêu gọi.

Cuộc tranh luận hạ nhiệt

Sau những căng thẳng nhiều tháng trời xoay quanh sự việc của ông Girard, đến ngày 16/8, bài báo của New York Times đã phần nào hạ nhiệt sự chia rẽ trong chủ nghĩa nữ quyền Pháp. Bài báo đưa tin về các lời cáo buộc rằng ông này từng có hành vi lạm dụng tình dục đối với một nam thiếu niên trong suốt một thập kỷ.

Sau khi các công tố viên bắt đầu vào cuộc điều tra, ông Girard tuyên bố rút lui khỏi hoạt động chính trị tích cực, ít nhất là trong khoảng thời gian này, nhưng vẫn giữ ghế trong hội đồng thành phố.

Đến lúc này, Thị trưởng Hidalgo mới dừng việc bảo vệ Girard và thay đổi ngữ khí của mình trong các phát biểu trên mạng xã hội. Bà khẳng định, “với tư cách là thị trưởng của Paris và là một nhà nữ quyền vì quyền bình đẳng”, bà sẽ luôn ủng hộ các nạn nhân của bạo lực tình dục.

Về phần Coffin, bà vẫn hướng đến việc loại bỏ hoàn toàn ông Girard khỏi hội đồng. Coffin cho biết bà nhận thức được rằng mình hiện cũng là một nhà nữ quyền hoạt động trong bộ máy chính trị không khác gì Thị trưởng Hidalgo.

“Tôi tin tưởng vào phẩm chất của các nhà nữ quyền trong bộ máy nhà nước vì tôi tin rằng nếu chủ nghĩa nữ quyền duy trì được hình thức cấp tiến thì mọi chuyện vẫn có thể thuận lợi. Và hiện tại, vẫn chưa có ai chứng minh được là tôi sai”, Coffin chia sẻ.

Hồng Ngọc

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm