Frank Hull vất vả bước vào nhà, tay cầm gậy chống.
“Con lợn nái xổng chuồng, tôi phải đuổi theo nó”, ông Hull, 71 tuổi, nói với New York Times. Thân hình ông đã gày gò sau hàng chục năm lao động nặng nhọc, và không còn sung mãn bắt lợn về chuồng như hồi trẻ.
Trong nửa thế kỷ, ông và người vợ Sherry, 67 tuổi, là chủ trang trại hơn 200 ha ở vùng Catskills, thuộc bang New York, cách thành phố New York hai tiếng chạy xe ôtô về phía bắc.
Trang trại Hull-O thuộc về gia đình từ thời tổ tiên nhà ông, John Hull, lập ra cách đây 240 năm và 7 thế hệ trước.
Đây là một trong những trang trại lâu đời nhất ở Mỹ cùng do một gia đình làm chủ và sản xuất. Nhưng truyền thống đó sắp kết thúc.
7 thế hệ gia đình Frank Hull đã sống và chết ngay trên trang trại của họ ở Durham, New York. Ảnh: New York Times. |
Giàu về đất nhưng nghèo về tiền
Ông Hull không còn theo được cường độ làm việc nặng nhọc để có đủ nguồn thu chi trả tiền thuế, bảo hiểm, vay mua nhà, bảo trì trang trại và các chi phí khác, vì vậy hai vợ chồng phải rao bán trang trại.
“Chúng tôi đâu có muốn rời khỏi mảnh đất này”, người vợ nói. “Nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào”.
Gia đình nhà Hull là một ví dụ về xu hướng “bạc đầu” của nông dân Mỹ.
1/3 số nông dân Mỹ trên 65 tuổi, và hàng chục nông trại nhỏ trên khắp nước Mỹ đóng cửa mỗi năm vì chủ trang trại già nua không có người thừa kế.
Năm 2017, tuổi trung bình của chủ trang trại hoặc quản lý trang trại là 58,6 - tức hơn 8 tuổi so với đầu những năm 1980. Năm 2017, có hơn 2 triệu nông trại ở Mỹ, tức khoảng 174.000 đã bị đóng cửa trong hai thập kỷ qua, New York Times dẫn một thống kê liên bang về nghề nông.
Ở New York, nhiều nông dân trên 65 tuổi và chưa chuẩn bị tài chính cho việc nghỉ hưu, phải xoay xở bằng cách bán đất cho các công ty bất động sản. Khoảng 5.000 trang trại ở bang New York đã phải bán kể từ năm 1982.
“Nhiều gia đình làm nông giàu về đất nhưng nghèo về tiền, và họ đang tự hỏi ‘Làm thế nào với nông trại của gia đình bây giờ nhất là khi chúng tôi không kiếm đủ tiền?’”, ông David Haight, quan chức của tổ chức American Farmland Trust chuyên kết nối nông dân và đất nông nghiệp, nói với New York Times.
Sheryl Hull đang hy vọng một thỏa thuận cho phép họ nghỉ hưu nhưng vẫn được ở lại căn nhà trang trại của mình. Ảnh: New York Times. |
Con cái không tiếp quản
Vợ chồng nhà Hull treo ảnh gia đình để trang trí căn nhà xây từ năm 1810. Để tiếp nối truyền thống gia đình, hai vợ chồng vẫn kiên trì với nghề nông, ngay cả khi bà Hull, từng khỏe mạnh ít ai sánh bằng, đang dần xuống sức, còn ông Hull thì bị bệnh thấp khớp. Hai vợ chồng chưa hề có kỳ nghỉ kể từ tuần trăng mật 48 năm trước.
“Chúng tôi chỉ chấp chới nổi trên mặt nước thôi, và không có tích lũy gì”, bà Hull nói với New York Times. “Chúng tôi không có lương hưu, vì dư ra đồng nào là chúng tôi đầu tư vào trang trại”.
“Chúng tôi thường bảo mọi người: ‘Dưới chân bạn chính là tiền về hưu của chúng tôi đấy’”, bà Hull nói tiếp. “Và bây giờ thì đúng là phải đóng cửa trang trại để mà sống”.
Hàng ngày, ông Hull vẫn cho vật nuôi như trâu, bò, lợn, gà ăn uống, và trồng, thu hoạch ngô. Ông mổ và bán thịt từ nông trại, và bán cả trứng gà.
“Nếu Frank dừng làm việc, ông ấy cảm thấy mình đang làm họ hàng thất vọng, và truyền thống gia đình bị mất”, vợ của ông nói. “Tôi biết nghe khó hiểu, nhưng đúng là ông ấy cảm thấy có nghĩa vụ tiếp nối những gì cha ông đã làm một cách vẻ vang trong quá khứ”.
Ông Hull cũng gật đầu: “Đó là di sản để lại cho tôi, và tôi không thể bỏ. Tôi cứng đầu lắm”.
Ở New York, một điểm sáng là việc số nông dân trẻ đang tăng lên, khi một thế hệ mới muốn dùng nông sản hữu cơ đến trực tiếp từ nông trại, cũng như một số xu hướng đặc thù khác về chế độ ăn.
Trang trại Hull-O là một trong những trang trại lâu đời nhất ở Mỹ do cùng một gia đình làm chủ. Ảnh: New York Times. |
Truyền thống cha truyền con nối ở các trang trại, để rồi con cái hỗ trợ cha mẹ đã nghỉ hưu, đang mất dần, theo Kacey Deamer từ Chương trình Trang trại Nhỏ của Đại học Cornell, New York. Chương trình này kết nối chủ trang trại với những người khác không phải con cái, nhưng muốn làm nghề nông.
“Khi mọi người đang tìm kiếm các nghề nghiệp khác và chuyển đi nơi khác sống, việc dựa vào con cái tiếp quản trang trại không còn là giải pháp nữa”, bà nói với New York Times.
Bốn người con trai của nhà Hull đều lớn lên ở trang trại, nhưng không ai muốn tiếp quản, kể cả con út Jared, 36 tuổi, từng làm việc tại đây. Hai người đã chuyển khỏi bang New York.
Người còn lại, Jordon, nhiều khả năng tiếp quản nông trại, đã chết vì tai nạn giao thông năm 2010. Ngay cả khi đang đau buồn về con trai, chuẩn bị đám tang, gia đình vẫn không thể dừng công việc trang trại lấy một ngày, bà Hull nói.
Nhà Hull đang làm việc với các công ty quản lý đất, để bán quyền xây dựng trên đó sao cho vẫn giữ cho đất là khu vực công cộng. Nhưng bán như vậy sẽ khó giúp họ có đủ tiền sinh sống.
“Nông dân có bao giờ được nghỉ”
Hai vợ chồng gặp nhau hồi đại học, và cưới nhau không lâu sau đó. Ông Hull đã quản lý trang trại từ thời niên thiếu.
Trong hàng chục năm, họ nuôi bò sữa, và đầu ra đạt 2.800 lít sữa mỗi ngày. Nhưng đến cuối 1980, với giá sữa giảm, họ bán 260 con bò sữa và đa dạng hóa sản phẩm.
Họ cũng theo mô hình farm-stay, thu hút các gia đình từ thành phố New York lên đó nghỉ dưỡng. Các vị khách lên đây để tận hưởng các bữa ăn tươi sống và trải nghiệm làm nghề nông. Mỗi mùa thu, họ chơi trong mê cung cánh đồng ngô, và đến tháng 12, trang trại được trang trí chủ đề Giáng sinh một cách thơ mộng.
Bà Hull làm việc cật lực, có thể lo liệu 80 bữa ăn cho khách vào cuối tuần, chỉ cần ngủ 4 tiếng mỗi đêm. “Nhưng ở tuổi 67 tôi không làm thế được nữa”, bà nói.
Ông Hull đã quản lý trang trại từ thời niên thiếu. Ảnh: New York Times. |
Đối với ông Hull, thập kỷ qua, ông gặp nhiều bệnh tật và chứng đau khớp từ lâu do vắt sữa bò, đánh vật với ngựa để phối giống, và thường xuyên vặn mình để lái máy kéo.
Giữa các vụ mùa, thu hoạch, chăn nuôi, ông có các cuộc phẫu thuật và đi khám bác sĩ.
“Bạn có thể thấy là ông ấy cần phẫu thuật”, bà Hull nói. “Ông ấy xứng đáng một ngày nghỉ, và không phải làm việc cho tới khi chết”. Ông Hull chỉ trầm ngâm nhìn ra cánh đồng.
“Nông dân có bao giờ được nghỉ hưu”, ông tự nói với mình.
Nhưng vợ ông nói họ không có lựa chọn nào khác. Bà sẽ tiếp tục nhận các cuộc hẹn khách đến tìm hiểu mua trang trại, cầu mong có một giải pháp nào khác như bán hay cho thuê chỉ một phần của trang trại.
“Chúng tôi vẫn đang cân nhắc mọi lựa chọn, và nếu ai đó có đề nghị nào để chúng tôi vẫn có thể ở đây, chúng tôi sẽ không khó tính đâu”, bà nói với New York Times. “Nếu không, thì chắc đó là ý Chúa và chúng tôi phải bán (toàn bộ)”.