Bình Nguyên Trang là cái tên không còn xa lạ với bạn đọc yêu thơ cả nước. Chị sáng tác từ rất sớm, một thời “làm mưa làm gió” trên các ấn phẩm báo chí dành cho tuổi hoa niên như Tuổi xanh, Hoa Học Trò, Mực Tím, Áo trắng. Dám chắc rằng những thế hệ học trò 8X như tôi đều ít nhiều đem lòng yêu thơ chị, thuộc và chép thơ chị trong những cuốn vở hay nhật ký.
Không kể những giải thưởng văn chương khi còn ở lứa tuổi hoa, Bình Nguyên Trang thời trưởng thành từng đoạt giải nhất Tác phẩm tuổi xanh Báo Tiền Phong 1997 ở thể loại truyện ngắn, giải B giải thưởng Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2012 cho tập thơ Những bông hoa đang thiền.
Đêm hoa vàng là tác phẩm mới nhất của nhà thơ, nhà báo Bình Nguyên Trang. 8 năm sau tập thơ gần nhất Những người đàn bà trở về (NXB Phụ nữ 2016) chị mới xuất hiện trở lại văn đàn. Cầm ấn phẩm đẹp về hình thức và trĩu nặng suy tư của người làm thơ đã tuổi ngoài 40, từng trải và giàu chiêm nghiệm, tôi cứ thao thức mãi. Thao thức cùng tình yêu, tình mẹ, những triết lý nhân sinh sâu sắc, thao thức cùng nỗi buồn tuyệt đẹp trong thơ Bình Nguyên Trang - và tôi gọi đó là "thao thức đêm hoa vàng".
Nhà thơ Bình Nguyên Trang và cuốn Đêm hoa vàng. |
Tập thơ gồm 2 phần: Phần thứ nhất Thuyền đã mất dấu buồm, sông đã vội thiên về tình cảm lãng mạn, gợi mở nỗi u hoài của một người đi qua thời sôi nổi nhìn lại những giấc mộng phù vân trên đường đời.
Phần thứ hai - Niệm mang đậm dấu ấn Phật giáo, là những chiêm nghiệm của người viết về cõi đời vô thường, nhiều đổi thay bất định, là trạng thái an trú của người đã nhận ra được cốt lõi của đời sống và bắt đầu nhìn ra câu trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của việc tại sao ta đến đây và ta có thể tìm gì ở đây?
Trước tiên tôi muốn nói về tình yêu trong thơ Bình Nguyên Trang. Có người cầm bút nào không xem tình yêu như một đề tài quan trọng để bộc lộ mình? Tận cùng của khổ đau, tận cùng của hạnh phúc: đó là những cung bậc cảm xúc của tình yêu. Đọc thơ Bình Nguyên Trang tôi có thể nhìn ra một người đàn bà yêu:
"Yêu anh ngày nắng hạn
yêu anh ngày dâng mưa
yêu anh sớm sương mù
yêu anh chiều giá lạnh
Yêu như sông như biển
yêu như trăng như sao
yêu như môi kề cận
yêu như ngực sóng trào"
(Trong mênh mông thiên hà)
Và có lúc:
"Đôi khi
em muốn chết như mùa thu
gom những ngày rực rỡ
gửi người em yêu
bờ vai anh thiên đường xứ sở"
(Đôi khi)
Nỗi buồn trong thơ Bình Nguyên Trang rất đẹp. Dù cho tình yêu khiến con người buồn đau đến vụn vỡ thì nhà thơ vẫn luôn giữ một niềm tin vào ánh sáng kỳ diệu của tình yêu. Thơ tình của Bình Nguyên Trang giàu nữ tính, nội tâm sâu sắc. Những tiếc nuối, buồn đau trong thơ chị không hề bi luỵ, tuyệt vọng mà ngược lại luôn đầy ắp nỗi yêu thương con người và cuộc đời.
Nếu phần đầu chỉ có 16 bài thì phần thứ hai của cuốn sách thơ có đến 27 tác phẩm đầy triết lý nhân sinh như Chùa ở đâu, Đoản khúc dâng mẹ, Nhật ký kẻ nghiện ăn ký ức, Những mùa trăng ta đã quên, Gửi đại dương… mang đến những góc nhìn nhiều cảm ngộ.
Tôi rất ấn tượng với Đoản khúc dâng mẹ - một thi phẩm đẹp hiếm có trong vô vàn những bài thơ từng viết về mẹ. Với nhà thơ Phật không ở đâu xa, Phật chính là mẹ:
"Họ tìm Phật nhiều năm
khắp các ngả trần gian bận rộn
mà đâu biết đường về thăm Phật rất gần
Phật là mẹ trong nhà vậy đó
người đã một đời toan lo cực khổ
vì con
người đã một nắng hai sương lặn lội
tóc bạc da mồi khổ đau trăm lối
bỏ quên tuổi đời
vì con
Phật đang đau chân, Phật đang mỏi gối
Phật đang cô đơn từng ngày ngóng đợi
Phật đêm lo âu giật mình tỉnh dậy
xót thương những núm ruột còn bơ bải
với bao hư danh toan tính mệt nhoài"
(Đoản khúc dâng mẹ)
Rất nhiều câu thơ đã “chạm” vào bạn đọc, đánh thức những trái tim còn mãi ôm đau đớn, muộn phiền:
“Đừng ôm lấy quá khứ
dù hạnh phúc
dù buồn đau
đó chỉ là ánh sáng hắt lại của ngày đã mất"
(Rồi sớm mai)
Đi mãi rồi mùa xuân cũng tới
Đừng níu thời gian, đừng khóc hoa tàn"
(Đi mãi rồi mùa xuân cũng tới)
Nhà thơ Bình Nguyên Trang. |
So với thời Hoa Học Trò được nhiều độc giả biết đến, Bình Nguyên Trang ở Đêm hoa vàng đã đi một chặng đường xa hơn rất nhiều. Chị vượt qua những trang viết tuổi xanh để đi sâu vào thế giới bên trong mình, không chỉ là tìm kiếm mà còn lắng nghe những rung cảm sâu sắc.
Những va vấp cuộc đời, trải nghiệm mất còn, lựa chọn đúng-sai đã chuyển hóa thành một thế giới phong phú, một trạng thái an trú tự nhiên tự tại, chấp nhận đời sống như dòng sông chảy trôi không ngừng. Những khổ đau trong thơ Bình Nguyên Trang vẫn còn đó, nhưng người làm thơ trong nhiều khoảnh khắc đã biến mất khỏi vai nhân vật trữ tình và trở thành người quan sát khiến cho thơ chị vừa đạo vừa đời rất thú vị.
Mỗi chúng ta tuyệt đối một mình
cách để yêu nhau vượt lên thời gian không gian
cách để tự do hạ xuống mỗi cuộc đời
cách để bắt đầu ngay cả sau cái chết
Hãy để cánh hoa trôi theo dòng nước
không cái đẹp nào cần giữ lại
hãy để mùi hương thấm vào tim ta
trong sự trôi qua trôi qua mải miết
Rồi sớm mai mặt trời lên ta biết
Tình yêu có thật nơi này...
(Rồi sớm mai)
Rồi đời này đời sau đi mãi
Hoa vẫn ngời trên mặt lứa đôi
Ta tìm nhau như lau trắng cuối trời
Biển cũng như vô tình đầu con sóng
(Tan)
Nữ tác giả có nhiều tri kỷ trong thơ, bởi chị đã viết mà không định giấu giếm gì, một kiểu người dốc lòng dốc ruột trên trang giấy.
Trong thế hệ của mình, Bình Nguyên Trang luôn là một tiếng nói riêng khó trộn lẫn, bởi thế mà dù cho hôm nay người làm thơ nhiều đến đâu, thơ đa dạng đến đâu, sự xuất hiện của chị vẫn tạo ra hiệu ứng bất ngờ. Những người đã yêu mến thơ Bình Nguyên Trang vẫn luôn chờ đợi sự trở lại của chị.