Nỗi ám ảnh tại 'địa ngục' hố tử thần
Bốn tháng sau khi xây xong ngôi nhà 2 tầng ở làng Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), ông Xiao Guoqiang xót xa khi thấy tường nhà nứt nẻ. Nhiều lần chứng kiến tình cảnh tương tự, ông biết nỗi sợ hãi về hố tử thần của cả làng đã trở thành sự thật.
Ông Xiao chia sẻ: “Tôi biết ngày đó đang tới gần, nhưng tôi không nghĩ lại xảy ra sớm đến như vậy”. Gia đình ông Xiao sau đó phải đến nơi khác sinh sống, bỏ lại nơi mà 4 thế hệ trong gia đình ông đã gắn bó.
Nhiều phần đất của thành phố Tế Ninh bị hố tử thần nuốt chửng và biến thành đầm lầy. |
Tế Ninh nơi ông Xiao sinh sống là một trong những “thành phố than” ở Trung Quốc. Khi người ta phát hiện ra than ở vùng này vào những năm 1960, nguồn than đã chứng minh những lợi ích mà chúng mang lại cho nền kinh tế địa phương. Công ty YanKaung Group Ltd từ một đơn vị mang tính địa phương giờ đã trở thành một công ty năng lượng lớn, thuê ½ số nhân công trong làng.
Meng Lingjun, một công nhân chia sẻ, quê anh sẽ không có gì nếu không có các công ty than. Khi anh còn trẻ, làng không có lấy một công ty, trung tâm mua sắm hay nhà ga nào. Hiện tại hoàn toàn khác, giờ Tế Ninh là một trong những thị trấn giàu nhất ở miền Bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, cái giá phải trả cũng quá đắt. Mỗi ngày, Meng phải qua hàng trăm hố tử thần mới đến được chỗ làm.
Các mỏ than ở đây khiến lòng đất bị rỗng như kiểu than tổ ong, tạo thành các hố tử thần khiến hàng nghìn ngôi nhà không thể ở được hàng năm. Những hố tử thần mỗi năm nuốt của dân làng khoảng 20 triệu m2 (theo cơ quan tài nguyên đất ở Tế Ninh). Ước tính khoảng 100.000 người, chủ yếu là nông dân cùng gia đình, mất chỗ ở trong vòng một thập kỷ qua.
Cơ quan tài nguyên đất Tế Ninh ước tính đến năm 2090, 1/3 ngôi làng này (tương đương với Los Angeles của Mỹ) sẽ không còn là đất nữa, khiến 5 triệu người phải ra khỏi làng vì mất chỗ ở. Tại những vùng đất trũng, hầu hết các hố tử thần đều ngập nước. Điều này khiến các nhà chức trách hết sức lo ngại.
Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều phương án để giải quyết vấn đề hố tử thần, biến chúng thành những công viên nước, ao cá hoặc hồ. Tuy nhiên, hơn 50% đất ngập vẫn bị bỏ hoang, những nơi này thường ô nhiễm và bốc mùi khó chịu. Nguồn kinh phí từ trung ương không đủ để lấp hết tất cả.
Vì giá cả lấp các hố tử thần quá cao, nhiều hộ nông dân tự lấp hố. Chi phí lấp đất 1m2 vào khoảng 15 USD, tuy nhiên, dân làng chỉ được bồi thường 5 USD từ các công ty than.
Đối với riêng ông Xiao, việc chuyển đến nhà mới ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế gia đình. Ông không thể nuôi lợn hoặc trồng rau như trước kia. Trước đây, ông tự trồng rau sạch và nuôi lợn lấy thịt, giờ giá cả cao, gia đình ông không trang trải nổi.
Một vấn đề khác khi người dân phải chuyển đi nơi mới đó là mất việc làm. Anh Kong Jian, người đang bán bún ven đường, chia sẻ, nhà anh cách thị trấn gần nhất hơn 30 km và rất khó để tìm được việc khi nhà xa như vậy.
Nói về ngôi làng mà ông từng gắn bó tuổi thơ, ông Xiao đầy tâm trạng: “Khi tôi già hơn, tôi càng hoài cổ về ngôi làng tôi từng sống. Tôi cố gắng để không nghĩ rằng, quê tôi sẽ biến thành hồ nước và ngôi làng chỉ còn là trong trí nhớ mà thôi”.
Ông Xiao và nỗi trăn trở về nơi gia đình ông từng gắn bó. |
Trường tiểu học nơi ông Xiao từng theo học giờ bị nứt nẻ khiến học sinh phải dời đi nơi khác. Năm 2005, chính quyền địa phương đã chuyển hơn 3.000 người sang thị trấn bên cạnh sinh sống. |
Một trong những hố tử thần lớn nhất trong thành phố sẽ biến thành công viên nước trong năm tới. |
Anh Kong Guoqing đang nhặt cá từ lưới bên cạnh một hố tử thần. Gia đình Kong làm nông nghiệp lâu đời, anh là người đầu tiên trong nhà bắt đầu công việc đánh cá. |
Một gia đình ven hố tử thần biến thành khu câu cá. |
đỗ quyên
Theo Infonet