Nỗi ám ảnh bủa vây lực lượng cứu hộ Bangladesh
Len lỏi trong những khe hẹp, chứng kiến những cái chết thê thảm, bị bủa vây bởi tiếng khóc than ai oán là công việc của các nhân viên cứu hộ tại hiện trường sập nhà ở Bangladesh.
Hãng thông tấn AP cho biết, số nạn nhân thiệt mạng trong vụ sập trung tâm thương mại Rana ở Bangladesh đã tăng lên 290 người trong khi Independent đưa tin, chỉ trong đêm qua, lực lượng cứu hộ Bangladesh đã tìm thấy ít nhất 40 người còn sống, mắc kẹt bên dưới đống đổ nát. Tuy nhiên, tỷ lệ thuận với số người được cứu lại là số nạn nhân thiệt mạng trong vụ sập nhà kinh hoàng, với ít nhất 290 người được xác nhận đã chết.
Nỗ lực cứu hộ trong vụ sập trung tâm thương mại Rana ở Thủ đô Dhaka, Bangladesh. |
Tướng Mohammed Siddiqul Alam Shikder, chỉ huy lực lượng cứu hộ tại trung tâm thương mại Rana xác nhận, 290 người đã thiệt mạng trong vụ sập nhà trong khi 2.200 người được cứu thoát. Số liệu thống kê của các công ty may mặc có trụ sở tại tòa nhà 8 tầng cho biết, có khoảng 3.122 công nhân đang làm việc khi nó đổ sập nhưng số liệu thực tế có thể cao hơn.
Hiện tại, hàng trăm nhân viên cứu hộ đang phải len lỏi bên trong những mê cung chật hẹp bên dưới những đống bê tông đổ nát. Việc thường xuyên bị bủa vây bởi tiếng khóc than của thân nhân những người bị nạn nhưng vẫn phải căng tai nghe tiếng rên rỉ của những người đang mắc kẹt dưới những khối bê tông khiến họ luôn trong tình trạng căng thẳng.
Người nhà các nạn nhân đi vòng quanh những xác chết để nhận diện thân nhân. |
Bên cạnh đó, môi trường làm việc phủ đầy bụi bẩn cùng với mùi thi thể người đang bị phân hủy còn khiến sự căng thẳng của đội ngũ cứu hộ tăng theo cấp số nhân. Thời tiết nắng nóng khiến thi thể những nạn nhân đã chết bị phân hủy, tạo ra bầu không khí chết chóc bao quanh toàn bộ hiện trường vụ sập nhà.
Thế nhưng, khối lượng công việc lớn cùng điều kiện làm việc không thể tồi tệ hơn của lực lực cứu hộ trong vụ sập nhà Bangladesh còn phải hứng chịu những chỉ trích mạnh mẽ của thân nhân những người mất tích. Nhiều người cho rằng, sự chậm trễ trong công tác cứu nạn là nguyên nhân khiến số người chết gia tăng.
Sự sốt ruột của thân nhân những người còn đang mất tích cũng tạo ra áp lực vô cùng lớn với các nhà chức trách Bangladesh. Những cuộc đụng độ giữa thân nhân các nạn nhân vụ sập nhà với cảnh sát duy trì an ninh liên tiếp nổ ra, buộc lực lượng chức năng phải sử dụng đến dùi cui nhằm giải tán đám đông giận dữ.
Trong một mô tả khác, hãng thông tấn AP cho biết, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy một người mắc kẹt được xác định là Mohammad Altab, nằm bên cạnh hai xác chết bên dưới những tấm bê tông. Khi nhìn thấy nhân viên cứu hộ, người đàn ông tội nghiệp rên rỉ: “Cứu chúng tôi với anh ơi. Tôi xin anh. Tôi muốn sống. Đau quá…. Tôi còn hai đứa con nhỏ”.
Mohammad Altab rớt lệ khi nhìn thấy lực lượng cứu hộ. |
Trong khi đó, cũng chính hãng tin AP đưa tin, hàng ngàn công nhân may mặc khắp khu công nghiệp Savar, nơi đặt tòa nhà bị sập, đã đổ xuống đường để phản đối điều kiện làm việc nguy hiểm tại các nhà xưởng. Với giá lao động rẻ mạt bậc nhất thế giới, việc công nhân Bangladesh phải liều mạng kiếm tiền đang bị chỉ trích mạnh mẽ.
Trịnh Duy
Theo Infonet