Có kích thước chỉ nhỏ bằng một đồng tiền xu, thiết bị theo dõi Apple AirTag được thiết kế nhằm giúp người dùng định vị đồ dùng cá nhân quan trọng như chìa khóa, ví tiền, thiết bị di động…
Nhưng hiện nay, sản phẩm này đã bị các nhóm người xấu lợi dụng, tạo ra nỗi khủng hoảng chưa từng có cho con người.
Bàng hoàng khi phát hiện AirTag lạ
Hồi tháng 3, đang lái xe, Laura đột nhiên nhận được thông báo rằng có một chiếc AirTag đang được được định vị gần đây. “Tôi không biết thông báo này có ý nghĩa gì nên rất hoang mang”, cô gái nói. Sau đó, cô gái đã tìm kiếm trên xe và phát hiện chiếc AirTag nằm dưới thảm trải sàn xe ở phía sau.
Hóa ra thiết bị kỳ lạ này xuất hiện là vì người chồng cũ đã gắn vào xe để theo dõi Laura. Anh ta từng bạo hành Laura khi họ còn quen nhau. Đến tận khi chia tay, người chồng vẫn tìm cách khống chế cô bằng AirTag.
Vốn được thiết kế để tìm kiếm chìa khóa, ví tiền nhưng AirTag đã bị sử dụng sai mục đích, theo dõi, giám sát trái phép người khác. Ảnh: Popsci. |
Anh ta còn gắn nhiều thiết bị theo dõi trên chìa khóa cổ cô, lắp đặt camera ở nhà để theo dõi. Nhưng chồng cũ Laura còn lấp liếm hành vi của mình, nói rằng chiếc AirTag có thể đã rơi ra trong lúc anh ta ngồi trong xe. Vì thế, anh ta đã bị giảm án từ tội theo dõi xuống tội gây rối trật tự công cộng vì gắn AirTag vào xe Laura.
Theo Guardian, được ra mắt từ tháng 4/2021, Apple AirTag là một thiết bị không dây, có kết nối Bluetooth dùng để truy vết các vật dụng quan trọng, dễ đánh mất như chìa khóa, ví, xe hơi…
Nhưng thiết bị này cũng trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ cho những kẻ chuyên theo dõi. Violet Alvarez của công ty bảo mật Suzy Lamplugh Trust cho rằng điều này đã dấy lên một vấn đề lớn trong xã hội.
“Thiết bị này rẻ tiền, có kích thước rất nhỏ, khó có thể phát hiện và không yêu cầu kỹ năng gì khi sử dụng”, cô nói. Vì thế, AirTag của Apple được sử dụng phổ biến ở khắp mọi nơi.
“Tôi còn thấy người ta giảm giá AirTag trong siêu thị gần nhà. Mọi người sử dụng nó quá phổ biến làm cho việc theo dõi trở thành điều bình thường hơn bao giờ hết”, Emma Pickering, trưởng phòng tại Refuge nhận định.
Những gì Apple đã làm là chưa đủ
Theo Guardian, các chuyên gia như Violet Alvarez, Emma Pickering đã từng tiếp xúc với rất nhiều trường hợp tương tự Laura. Họ đều vô tình nhận được thông báo phát hiện AirTag xung quanh. Có người tìm thấy thiết bị trong balo, tất hoặc quần áo… Nhưng vì không thể định vị chính xác vị trí của AirTag nên người dùng đã vô hiệu hóa nó nhưng vẫn không thể tìm ra.
Đơn cử như trường hợp Christopher Paul Trotman (41 tuổi), bị phạt tù vì theo dõi vợ cũ bằng cách gắn AirTag dưới gầm xe của người phụ nữ. Mặc dù nhận được thông báo về thiết bị theo dõi, người vợ vẫn không biết thông tin này có ý nghĩa gì nên đã ngó lơ nó.
Apple cho biết đã thiết kế tính năng đặc biệt trên AirTag giúp ngăn chặn việc theo dõi. Ảnh: Apple. |
Bên cạnh đó, theo Guardian, đa số nạn nhân đều biết rõ thủ phạm gắn thiết bị theo dõi, thường là người yêu cũ hoặc chồng cũ. Nhưng cũng có nhiều vụ việc bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác.
Hồi tháng 6, diễn viên Hannah Rose đã cảnh báo người dùng trên Twitter sau khi phát hiện một chiếc AirTag bị cài vào người trong lúc tham gia sự kiện quảng cáo. Lúc đó, nữ diễn viên đang định lái xe về nhà vào lúc 2h nhưng lại nhận được thông báo rằng có người đã theo dõi cô suốt 2 tiếng qua.
Người mẫu Brook Nadar cũng gặp phải trường hợp tương tự và chia sẻ trên Instagram cá nhân của mình. Cô cho biết có người đã thả thiết bị AirTag vào túi áo khoác của cô khi đang ăn tối tại nhà hàng. Vài giờ sau, trong lúc đang trên đường về nhà, Nadar nhận được thông báo rằng đang bị theo dõi, khiến cô cảm thấy rất sợ hãi.
Về phần Apple, hãng công nghệ nhấn mạnh đã cân nhắc rất nhiều về vấn đề người dùng bị theo dõi. Vì thế, hãng đã thiết kế sao cho thông báo cảnh báo theo dõi vẫn xuất hiện trên iPhone của người dùng dù họ không cài đặt thiết bị này trên smartphone của mình.
Táo khuyết còn cho biết hãng đã làm việc với cảnh sát khi có vấn đề xảy ra, đồng thời khẳng định trường hợp AirTag bị lợi dụng sai mục đích rất hiếm khi xảy ra.
Thiết bị giám sát, định vị như AirTag là mối lo ngại với các nạn nhân bị quấy rối, bạo hành. Ảnh: EPA. |
Theo Rory Innes, nhà sáng lập của Cyber Helpline, Apple phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề này. “Họ ra mắt AirTag, kiếm tiền từ nó, gây ra hàng loạt vấn đề rồi mới chịu sửa lỗi. Điều này chưa từng có tiền lệ trong các lĩnh vực khác, ngoại trừ công nghệ”, chuyên gia nói.
Một vấn đề khác đặt ra là khi vấn đề xảy ra, người dùng khó nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài. “Nếu phát hiện AirTag lạ, người dùng dường như không thể liên hệ với Apple ngay lập tức”, Innes nói.
Điều này sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho người dùng vì nếu người dùng tự tắt AirTag, đối tượng theo dõi sẽ biết mình đã bị phát hiện và có thể có hành động quá khích. “Apple không có hành động hỗ trợ người dùng thích hợp vì muốn kiếm lợi”, chuyên gia khẳng định.