Số nợ xấu cũng như con số nợ đã bán cho công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã được các ngân hàng (NH) tiết lộ tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chiều 13/10.
Trái với không khí u ám năm ngoái, tình hình hoạt động của các ngân hàng (NH) đã có phần sáng sủa hơn, nhưng quá trình xử lý nợ xấu diễn ra một cách ì ạch. Nhiều NH than thừa tiền nhưng không kiếm được doanh nghiệp tốt để cho vay.
Chậm xử lý nợ xấu do thủ tục
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, cho biết nợ xấu chín tháng đầu năm tăng rất nhanh. Tính đến cuối tháng 8/2014, nợ xấu trên địa bàn lên đến hơn 60.900 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,1% trên tổng dư nợ, trong khi đầu năm con số này chỉ khoảng 44.700 tỷ, chiếm tỉ lệ 4,89%. “Nếu so giá trị tuyệt đối, con số nợ xấu này tăng đến 16.200 tỷ đồng”, ông Minh nói.
Tiền thừa, NH không tìm được DN cho vay
Nhiều NH cho biết rất cần doanh nghiệp, đối với những khách hàng lâu năm luôn có những biện pháp hỗ trợ, sẵn sàng dành những gói lãi suất 5 - 6% trong thời gian đầu, thế nhưng vẫn không tìm được doanh nghiệp cho vay. Một số NH cho biết dù tích cực đưa ra những gói lãi suất tốt, tung quân đi chào mời nhưng vẫn chưa đạt được chỉ tiêu đề ra.
Theo ông Minh, trong cơ cấu các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu cao, các tổ chức tài chính, cho thuê tài chính đứng đầu sổ, lên đến 21 - 37%, tiếp đến là các NH thương mại khoảng 2 - 7%.
Nếu xét theo cơ cấu lĩnh vực cho vay, nợ xấu cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh là 74,25%, phi sản xuất chiếm 25,75% nợ xấu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khi đó theo các NH, công tác xử lý nợ xấu hiện khá chậm chạp do vướng mắc thủ tục pháp lý khi bán nợ cho VAMC, giấy ủy quyền của VAMC cho NH có tòa án đồng ý, tòa án không đồng ý. Vì vậy, tốc độ xử lý nợ sau khi bán cho VAMC của NH có chậm lại trong thời gian đầu. Các NH đề nghị nên chăng có một cơ chế xử lý nợ sao cho tốt hơn, quyết liệt. Đại diện NH Bản Việt cho rằng việc xử lý nợ xấu thời gian qua quá chậm, do cơ chế và thủ tục xử lý nợ không còn rườm rà và chưa hợp lý.
Nhiều ngân hàng cho biết do vướng thủ tục, việc xử lý nợ xấu bị chậm đã ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. |
Chẳng hạn, hiện nay VAMC chỉ xử lý những khoản nợ trên 1,5 tỷ đồng trong khi những NH có quy mô vừa như Bản Việt, nợ xấu tập trung ở những khoản vay dưới 1 tỷ đồng nên rất khó bán cho VAMC. Điều này dẫn đến việc xử lý của NH rất chậm chạp.
Tổng giám đốc NH Á Châu Đỗ Minh Toàn cũng cho rằng công tác xử lý nợ chậm đã làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng tín dụng cho NH, vì các NH thận trọng hơn.
Ông Nguyễn Quang Triết, Phó tổng giám đốc Eximbank, đề nghị NH Nhà nước và Chính phủ cần có những hỗ trợ về cơ chế kịp thời để xử lý nhanh nợ xấu, kịp thời đưa đồng vốn vào thị trường.
Nên mở rộng loại nợ được mua
Theo ông Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, một trong những mục đích khi lập VAMC là nhằm giải thoát cho những doanh nghiệp vướng nợ xấu, tiếp tục đi vay để giải quyết nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Theo nguyên tắc này, khi VAMC mua lại khoản nợ, tổ chức tín dụng được trích lập khoản nợ xấu trong vòng năm năm. Tất cả các khoản nợ bán cho VAMC không được coi là nợ xấu nữa, nhờ đó doanh nghiệp được tháo gỡ khó khăn.
Tuy nhiên, thực tế các NH lại tỏ ra ngần ngại và thực tế đến nay chưa nhiều doanh nghiệp dạng này được vay lại. Riêng đại diện NH Đông Á cho biết vẫn mở cửa với đối tượng này nhưng điều kiện sẽ khắt khe hơn. “Các doanh nghiệp sau khi có khoản vay đã bán cho VAMC, nếu trình được phương án kinh doanh tốt thì NH cũng sẽ cân nhắc cho vay tiếp. Lúc đó, NH cũng yêu cầu doanh nghiệp cam kết chỉ có liên hệ một NH và giám sát dòng tiền của doanh nghiệp, đảm bảo việc thu hồi”, vị này nói.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank, cho biết từ đầu năm đến nay dù tìm nhiều cách, đưa ra nhiều gói lãi suất ưu đãi để tiếp thị doanh nghiệp vay nhưng NH vẫn đang thừa hạn mức cho vay dành cho doanh nghiệp. “Chúng tôi dành hạn mức tín chấp cho doanh nghiệp lên đến 20.000 tỷ đồng nhưng vẫn không sử dụng hết dù NH ráo riết đi chào mời, đeo bám quyết liệt”, ông Tuệ nói.
Theo ông Tuệ, trong bối cảnh nguồn tiền đã dồi dào hơn, tình hình xử lý nợ của các tổ chức tín dụng nào ổn định, NH Nhà nước có thể cân nhắc giảm mức trích quỹ dự phòng xuống còn 10% thay vì 20% như hiện nay. Vì nếu NH không tích cực xử lý thì nợ xấu cũng phải trích quỹ dự phòng. Ngoài ra, ông Tuệ cũng đề xuất nên mở rộng đối tượng được mua nợ, bên cạnh bất động sản có thể xem xét thêm các tài sản đảm bảo khác.