Với cách làm quyết liệt, các tổ chức tín dụng đã nhanh chóng "tẩu tán" nợ xấu hoặc chỉ cần chuyển nhượng cho VAMC là xong? Nếu VAMC đã giải quyết nhanh chóng số nợ xấu ấy thì đó là sự chuyển biến lớn. Thực tế, vẫn còn nhiều nghi ngờ xung quanh việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Theo các nguồn tin chính thức, Việt Nam đã thành công trong việc giảm nợ xấu từ mức 17% xuống còn 3% và cơ bản xử lý xong các ngân hàng yếu kém. Nợ xấu đã được xử lý quyết liệt và giảm nhanh chóng khi chỉ trong vòng 3 năm đã chính thức giảm từ 17% (9/2012) về còn 3% (9/2015).
Hiện nay, nợ xấu trong nền kinh tế đã bị VAMC bắt nhốt lại và xích lại, chứ chưa thể xử lý sạch sẽ bằng tiền tươi, thóc thật cho ngân hàng. Nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên, bằng cách chuyển từ các tổ chức tín dụng qua túi của VAMC mà thôi.
"Bắt nhốt" nợ xấu
Ba năm qua, VAMC mới chỉ bán được 7% nợ xấu trong tổng số 211.000 tỷ đồng là quá ít ỏi. Điều này trở thành gánh nặng cho nền kinh tế, khi chúng ta chưa xử lý theo nguyên tắc thị trường. Cứ theo đà này, còn lâu VAMC mới xử lý hết nợ xấu, khiến cho doanh nghiệp và ngân hàng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Hàng trăm nghìn tỷ vẫn bị đóng băng mà chưa thể lưu thông trên thị trường, chèn ép nền kinh tế.
Thực tế, muốn xử lý nợ xấu thành công, bắt buộc phải theo nguyên lý thị trường, đó là: Dùng tiền tươi thóc thật, mua đứt, bán đoạn với ngân hàng và doanh nghiệp thì mới giải quyết được.
Thông tư 14 đã cho phép ngân hàng bán đứt nợ xấu cho VAMC, chuyển toàn bộ quyền lợi của ngân hàng sang chủ nợ mới, là VAMC. Tuy nhiên, VAMC vẫn phải thương lượng, giải quyết với chủ doanh nghiệp là làm thế nào để khôi phục sản xuất để trả nợ, hoặc bán cho đối tác có nhu cầu.
Ảnh minh họa. |
Mới đây, chúng tôi vừa gặp gỡ chủ doanh nghiệp đóng tại TP HCM đang vướng vào nợ xấu mà chưa thể giải quyết được cho bên nào. Theo đó, doanh nghiệp này có rất nhiều tài sản, đặc biệt là bất động sản đóng trên địa bàn quận 1, TP HCM, trị giá hơn trăm tỷ và rất nhiều nhà máy đánh bóng gạo xuất khẩu, nhà máy chế biến hạt điều…
Tổng tài sản được Vietinbank định giá là 175 tỷ đồng, bằng với các khoản nợ và lãi vay của ngân hàng này từ trước đến nay. Ngân hàng đang rất muốn bán khoản nợ trên cho VAMC theo giá thị trường, nhưng bị ép giá chỉ còn tương đương 40% thị giá trên.
Trong khi đó, chủ doanh nghiệp cho rằng, sau khi thương lượng xong việc mua bán nợ xấu với ngân hàng, cần phải giải quyết "hậu quả" đối với cổ đông thì mới hoàn toàn nắm quyền quyết định công ty.
Điều đó cho thấy, tính pháp lý tại Việt Nam còn xung đột và chồng chéo về xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ vay, khi tòa án vẫn chỉ cho phép người khởi kiện con nợ phải là chủ nợ đầu tiên (ngân hàng).
Làm thế nào để nợ xấu biến nhanh?
Trong khi đó, với tài sản nằm ngay trên địa bàn quận 1 và nhiều nhà máy ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nợ xấu của doanh nghiệp này là khá hấp dẫn các đối tác tư nhân. Chỉ tính riêng bất động sản tại quận 1 giá trị đã rất lớn, từng được định giá là 120 tỷ đồng, nên rất nhiều đối tác ngỏ ý muốn mua. Tuy nhiên, các tài sản khác là nhà máy đánh bóng gạo xuất khẩu và chế biến hạt điều lại không phù hợp, nên rất khó bán chung được.
Vì vậy, việc ảo tưởng có thể giải quyết triệt để và nhanh chóng nợ xấu là điều không hề dễ dàng. Có rất nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có cơ chế cho VAMC khi trở thành chủ nợ mới, đó là xử lý tài sản đảm bảo không cần dựa vào chủ nợ cũ, và cũng không cần sự hợp tác của con nợ. Điều này cũng không thể thực hiện theo luật pháp Việt Nam. Chủ mới chắc chắn sẽ bị kiện cáo và phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Trong khi đó, có nhiều chuyên gia cho rằng, với những khoản nợ quá xấu giá mua có thể âm mà không phải là 0 đồng hay là chiết khấu 100%. Nghĩa là người bán nợ xấu sẽ phải bù thêm tiền cho người mua nợ xấu đó. Chẳng ai dại gì mà xác nhận nợ của mình quá xấu và không còn giá trị gì.
Làm thế nào để cho nợ xấu biến mất nhanh chóng? Có lẽ, cách thức đấu giá nợ xấu công khai trên thị trường là việc làm nhanh nhất. Thí dụ, khoản nợ xấu của doanh nghiệp nợ ngân hàng là 40 tỷ, bao gồm nhà xưởng và bất động sản lớn, nếu đấu giá khởi điểm 10-15 tỷ đồng thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người nhảy vào mua.
Hoặc cách làm nữa là chứng khoán hóa nợ xấu, giống như cổ phiếu niêm yết trên sàn. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn có tài sản là bất động sản, được định giá lên tới hàng trăm tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ, nhưng do làm ăn thua lỗ, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này chỉ còn vài nghìn đồng, thậm chí vài trăm đồng là điều bình thường. Như vậy, giá trị tài sản đã bị định giá rất thấp, nên việc thâu tóm doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn. Tài sản được mua lại từ nợ xấu cũng nên chứng khoán hóa để người mua dễ dàng định giá, trả giá, giao dịch nhanh chóng hơn.