Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nợ xấu bất động sản 6,4% không đáng lo?

Nợ xấu bất động sản 6 tháng đầu năm tăng lên 6,4% so với cuối năm 2012 không khiến nảy sinh lo ngại về những hệ lụy cho thị trường như các năm về trước.

Số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, sau 6 tháng, dư nợ bất động sản tăng 6,3% so với cuối năm 2012, đạt số tuyệt đối trên 242.800 tỷ đồng - cao hơn so với mức chung của toàn nền kinh tế là 4,5%. Trong khi đó, nợ xấu bất động sản ở 6,4% - tăng so với cuối 2012. Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến, dư nợ bất động sản tăng nhanh tập trung chủ yếu tại phân khúc xây dựng khu đô thị (tăng 14,3%), văn phòng, cao ốc cho thuê (tăng 11,7%)…

Bình luận về con số dư nợ và nợ xấu thuộc lĩnh vực bất động sản, các chuyên gia cho rằng, không đáng lo trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng ì ạch từ đầu năm đến nay.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng 6,3% ngay cả với bất động sản là một tín hiệu đáng mừng. “Khi tín dụng cho toàn nền kinh tế chậm, ì ạch, thì không chỉ bất động sản, bất cứ lĩnh vực nào tăng cho vay được đều là tín hiệu tốt, đáng khuyến khích”, chuyên gia nói trên nêu quan điểm. Ông cũng chia sẻ, nợ xấu tăng 6,4% chủ yếu nằm ở những khoản cho vay cũ, còn với những hợp đồng mới, hầu hết các ngân hàng đều thận trọng, nên phần nợ xấu hầu như không nhiều.

Nợ xấu bất động sản tăng 6,4% so với cuối năm 2012 trong 6 tháng, theo bình luận của nhiều chuyên gia, là chưa đáng lo ngại trong bối cảnh tín dụng ì ạch như hiện tại. Ảnh minh họa: Tuấn Mark.

Viện phó viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CEIM) - ông Võ Trí Thành - cũng cho rằng, việc xử lý nợ xấu còn chưa rốt ráo, chưa thấy hiệu quả tích cực là một trong những nguyên nhân con số đọng trong bất động sản vẫn còn cao như công bố của Ngân hàng Nhà nước.

Dưới cách nhìn nhận của ông Thành, câu chuyện tín dụng bất động sản tăng trưởng ồ ạt từ đầu năm tới 6,3% - cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế - không đáng lo ngại. Ông phân tích, các ngân hàng được cấp hạn mức tối đa chỉ 12% và không phải đơn vị nào cũng dễ dàng đạt được mục tiêu này, nên mức 5-6% dành cho bất động sản là bình thường. Bản thân các ngân hàng cũng sẽ tự biết cân đối để không cho vay quá nhiều vào những phần rủi ro cao, nên ngay cả khi dư nợ cho vay bất động sản tăng cao, cũng không quá đáng ngại.

Còn ông Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết chưa nhìn thấy hệ lụy từ việc tăng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản. Đang là thành viên HĐQT độc lập tại một ngân hàng cổ phần, ông cho biết, bản thân ngân hàng, dù rốt ráo để tăng trưởng cho vay, thu lợi nhuận và đạt mục tiêu, song cũng không dám “làm liều”. Tình trạng bơm vốn ồ ạt, thiếu thận trọng vào bất động sản như cách đây 3-4 năm, thời gian vừa rồi, hầu như không diễn ra. “Các ngân hàng bây giờ, dù muốn cho vay ra, song với mảng bất động sản, vẫn cần chắc chắn khả năng hoàn trả của khách cũng như cho vay đúng địa chỉ, nếu không muốn có nợ xấu để sau này lại è lưng đi giải quyết”, chuyên gia nói trên bình luận.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn tích cực phát đi tín hiệu sẽ có giải pháp để giải quyết những ách tắc trong gói 30.000 tỷ hỗ trợ thị trường bất động sản. Việc các ngân hàng đẩy mạnh giải ngân cũng sẽ khiến cho thị trường có dòng vốn ồ ạt hơn, vấn đề tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng được giải quyết. Ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng vụ Tín dụng cho biết, các ngân hàng sẽ duy trì lãi suất tốt nhất cũng như tốc độ giải ngân như cam kết. Dự kiến năm 2013, sẽ có 15.000 tỷ đồng được giải ngân. Song vấn đề đặt ra, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, vẫn phụ thuộc phần lớn vào khả năng cung của thị trường, tức là tiền đã có, nhưng thị trường có hàng để bán hay không mới là điều quan trọng.

 

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm